Báo Công An Đà Nẵng

Tinh gọn bộ máy nhưng phải đủ sức chống chịu

Thứ sáu, 16/10/2020 22:34

Mục tiêu thực hiện thí điểm chính quyền đô thị (CQĐT) tại Đà Nẵng để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy công quyền, đưa Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ hơn. Nhưng nếu thực hiện như dự thảo Nghị định mà Bộ Nội vụ đề xuất, nhân lực, bộ máy cấp quận, phường tinh gọn đến mức không đủ sức chống chịu trước áp lực về khối lượng công việc rất lớn hiện nay. Đây cũng là ý kiến nhiều đại biểu nêu ra tại hội thảo góp ý xây dựng Nghị định của Chính phủ về thí điểm mô hình CQĐT tại Đà Nẵng do Bộ nội vụ tổ chức sáng 15-10.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì hội thảo.

Đà Nẵng còn một cấp chính quyền

Theo dự thảo mô hình Chính quyền đô thị tại Đà Nẵng thì quận, phường không phải một cấp chính quyền, chỉ là cơ quan hành chính (cánh tay nối dài) của UBND TP. Tức là Đà Nẵng chỉ có 1 cấp chính quyền ở thành phố (đầy đủ cả HĐND và UBND). Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói, thực hiện mô hình CQĐT ở Đà Nẵng gắn với tinh giảm bộ máy công chức. Theo đó, sau khi bỏ HĐND cấp quận, phường thì UBND quận, phường là cơ quan hành chính (không phải cấp chính quyền như hiện nay), hoạt động theo chế độ thủ trưởng (đề cao trách nhiệm của người đứng đầu). Các phó chủ tịch quận, phường không còn là cán bộ nữa mà là công chức, được xác định thông qua tuyển dụng. Việc bổ nhiệm, sử dụng, miễn nhiệm theo Luật công chức.

Cũng theo ông Tuấn, UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước thuộc UBND quận nên việc tuyển dụng, bổ nhiệm từ chủ tịch phường đến cán bộ công chức phường do quận thực hiện. Cán bộ công chức ở phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, tức là được chuyển thành công chức cấp quận trở lên (không còn phân biệt công chức cấp xã và cấp quận trở lên như hiện nay). Đây là điểm cải cách mới, tạo sự thống nhất một chế độ công vụ trong nền hành chính. Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng xác định rõ được mối quan hệ giữa cơ quan hành chính (UBND phường) với tổ dân phố (tổ chức cộng đồng dân cư mang tính tự quản) để tránh tình trạng trách nhiệm, chức năng công việc của phường lại đẩy về tổ dân phố. Đặc biệt, dự thảo Nghị định cũng xác định được mối quan hệ giữa UBND quận, phường với UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tương đương, đảm bảo yêu cầu giám sát.

Như vậy, theo mô hình này, Đà Nẵng chỉ còn 1 cấp chính quyền ở thành phố, điều này đảm bảo một đầu mối thống nhất trong chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy.

Gọn quá thành mỏng

Lãnh đạo các quận, phường của Đà Nẵng đều cho rằng tinh giảm bộ máy là cần thiết song nếu tinh gọn đến mức (giảm số phòng ban, biên chế) như dự thảo Nghị định thì bộ máy rất mỏng, nhân lực làm việc quá tải, khó đảm bảo tính hiệu quả. Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu nói, ở cấp quận hiện có 12 phòng ban giờ chuyển xuống còn 8 phòng ban không hợp lý. Đơn cử, giữa phòng quản lý đô thị và tài nguyên môi trường không thể gộp chung, hiện nay TP đã phân quyền lĩnh vực này về quận, khối lượng công việc rất lớn, một đầu mối sẽ không kham nổi. Tương tự Văn hóa thông tin, Giáo dục Đào tạo, Y tế gộp vào 1 phòng rất khó trong thực hiện nhiệm vụ. Khi có dịch, Trưởng phòng chuyên về mảng văn hóa, làm sao chỉ đạo chống dịch? Lãnh đạo Q.Hải Châu thì cho rằng, Nghị định 108 của Chính phủ mới ban hành, cấp phó các phòng ban ở quận không quá 24, bây giờ chuyển về còn 16, lại tiếp tục tinh gọn, xáo trộn, trong khi Đà Nẵng mới đang thực hiện thí điểm mô hình CQĐT. Vì vậy, lãnh đạo Q.Hải Châu kiến nghị trong giai đoạn thí điểm này cần giữ nguyên cơ cấu phòng ban và định biên cấp phó như hiện nay.

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết, qua tổng hợp ý kiến 45 phường đều cho rằng dự thảo Nghị định qui định “cứng” mỗi phường 12 công chức là không hợp lý. Bởi lẽ, khi thực hiện Nghị định 34 vừa qua mỗi phường đã giảm 10 cán bộ công chức, trong khi khối lượng công việc không hề thay đổi. Giờ mỗi phường còn 14 công chức, áp lực công việc đã quá tải, nay lại cắt thêm 2 công chức, lực lượng rất mỏng, không còn đủ sức chống chịu, khó đảm bảo hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, theo ông Đồng, khi chuyển công chức phường là công chức hành chính cấp quận trở lên thì sẽ thực hiện chế độ, chính sách, lương bậc khác. Trong khi, các cán bộ khác ở phường như Bí thư Đảng ủy, Đoàn Thanh niên, Chủ tịch MTTQVN, Chủ tịch Hội phụ nữ… lại được bố trí, quản lý, sử dụng theo Nghị định 43, khác về ngạch lương, phụ cấp công vụ… Như vậy cùng làm ở phường, nhưng lại phân thành hai ngạch công chức khác nhau cũng chưa hợp lý. Chưa kể, khi chuyển 127 chủ tịch, phó chủ tịch phường (45 phường), 417 công chức phường thành công chức quận… cần phải bổ sung hàng loạt tiêu chuẩn qui định, trong khi phần lớn là các trường hợp công chức phường lớn tuổi đã tuyển dụng lâu năm. “Do đó, trước mắt cần tiếp tục thực hiện qui định hiện nay về tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức phường cho đến khi T.Ư ban hành qui định chung mang tính tổng thể, thống nhất giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị”- ông Đồng nói.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, việc giảm số lượng phòng ban các quận từ 12 xuống 8, cũng như giảm cấp phó từ 24 xuống 16 có thể chưa thực hiện ngay trước mắt, nhưng phải có lộ trình giảm. Có mạnh dạn tạo đột phá, cải cách để nâng cao hiệu quả hoạt động của CQĐT như vậy thì mới thể hiện được tính ưu việt của việc thí điểm. Còn nếu giữ nguyên như hiện trạng thì rất dễ. Tuy vậy, ông Tuấn cũng cho biết, riêng biên chế cấp phường sẽ bổ sung trong dự thảo Nghị định nâng lên 15 để đáp ứng yêu cầu công việc. Song về nguyên tắc, trên cơ sở tổng số biên chế định biên, UBND TP sẽ điều tiết linh hoạt, tùy theo địa bàn, công việc mà biên chế phường có thể tăng lên hay giảm đi. Tương tự, cấp phó các phòng ban ở quận, trung bình 2 phó mỗi phòng ban, tuy nhiên tùy đặc thù, tính chất, khối lượng công việc UBND TP sẽ linh động điều tiết.

Thời gian thực hiện thí điểm mô hình CQĐT ở Đà Nẵng không còn nhiều, vì thế Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị những góp ý về dự thảo Nghị định của Đà Nẵng cần tổng hợp gửi sớm để Bộ Nội vụ bổ sung, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

HẢI QUỲNH