Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV:

Tình hình khiếu nại, tố cáo giảm nhưng diễn biến phức tạp

Thứ tư, 08/11/2017 06:10

Chiều 7-11, Quốc hội thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017. Các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo có giảm, tuy nhiên còn diễn biến phức tạp và gay gắt, trong khi các giải pháp cho công tác này còn chung chung, kéo dài qua nhiều năm.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2016 đến nay nhìn chung có giảm, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc. Đáng chú ý là một số thế lực đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.

Báo cáo thẩm tra về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày nêu rõ những cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó đã đạt được một số kết quả tích cực. Công tác xây dựng thể chế, tuyên truyền pháp luật, phối hợp liên ngành cũng có nhiều chuyển biến, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần phân tích, đánh giá kỹ hơn nguyên nhân dẫn đến số đoàn khiếu nại, tố cáo giảm nhiều nhưng số đoàn đông người tăng 10,2% so với năm 2016. Từ đó mới có thể đưa ra được các giải pháp khắc phục có hiệu quả và có tính khả thi hơn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu quan tâm, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; gắn trách nhiệm tiếp công dân với việc xử lý đơn thư và hoạt động giám sát, chất vấn. Quốc hội cần tiếp tục quan tâm sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết để khắc phục những bất cập hạn chế, quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiếp công dân, tiêu chí phân loại và xử lý đơn thư; cơ chế thực hiện trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong công tác này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, xem xét nghiên cứu, giải quyết đối với số đơn thư do Quốc hội chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đến nay chưa nhận được các văn bản thông báo, trả lời. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Đất đai đặc biệt liên quan đến việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị theo Điều 62 Luật Đất đai, để có giải pháp phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người bị thu hồi đất trong thời gian tới.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động truy tố, xét xử, giải quyết các vụ án và giải quyết khiếu nại, tố cáo, chú trọng nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bảo đảm chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội.

TTXVN