Báo Công An Đà Nẵng

Tình người hào sảng

Thứ năm, 08/07/2021 15:43

Dịch bệnh kéo dài khiến cuộc sống của những lao động nghèo vốn đã khó khăn lại thêm chất chồng những ưu tư, phiền muộn. Tại Đà Nẵng, để tiếp sức cho những đối tượng này, nhiều mạnh thường quân đã đứng ra tổ chức những hoạt động thiện nguyện mang ý nghĩa nhân văn cao cả, giúp tình người lan tỏa.

Những suất ăn 0 đồng tiếp sức lao động nghèo.

11 giờ trưa tại góc đường số 228 Dũng Sĩ Thanh Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, người lao động nghèo mưu sinh với nghề nhặt ve chai, bán vé số… xếp hàng ngay ngắn, giữ đúng khoảng cách phòng chống dịch COVID-19 chờ nhận những suất ăn 0 đồng. Suất ăn gồm cơm với đầy đủ dinh dưỡng và một phần nước mía kèm theo.

Bà Ngô Thị Hương (60 tuổi, quê Quảng Ngãi) ra Đà Nẵng bán vé số kiếm tiền nuôi chồng cùng con trai mất sức lao động ở quê, thổ lộ: “Cơm ngon lắm, hơn nữa, lại còn miễn phí. Những người nghèo vất vả mưu sinh như tôi hễ tiết kiệm, tích góp được đồng nào hay đồng nấy. Từ ngày ra Đà Nẵng đến giờ gần 5 năm nhưng tôi làm chẳng dư được mấy đồng để gửi về quê. Biết được ở đây có chương trình phát cơm miễn phí, gần tháng nay ngày nào tôi cũng đến nhận”.

Người phát động chương trình suất ăn 0 đồng là anh Trương Vĩnh Đặng – giáo viên Trường Tiểu học Tây Hồ (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Anh Đặng cho hay, thấy người nghèo vất vả mưu sinh cả ngày trời mà thu nhập chẳng thấm tháp vào đâu so với các khoản phải chi nên anh muốn tiếp sức cho họ. “Đặc biệt trong đợt dịch này, nếu chúng ta không hành động thì nhiều lao động nghèo sẽ kiệt sức. Đa phần những lao động nghèo làm nghề bán vé số, nhặt ve chai, chở hàng thuê… nên khi hàng quán đóng cửa đồng nghĩa với việc thu nhập của họ sẽ bị giảm mạnh. Mình có gì hỗ trợ nấy, chủ yếu là tấm lòng”, anh Đặng nói.

Sau khi biết được ý tưởng của anh Đặng, nhiều tấm lòng hảo tâm khác cũng đã chung tay hỗ trợ. Gần tháng qua, cứ đúng 11 giờ hằng ngày, cơm ngon canh ngọt lại được cho vào hộp hoàn chỉnh, đưa đến địa điểm 228 đường Dũng Sĩ Thanh Khê và 57 Yên Thế (quận Cẩm Lệ) để trao tận tay những lao động nghèo. Ngoài hoạt động này, anh Đặng còn vận động các thầy cô giáo tại đơn vị công tác tổ chức bếp ăn 0 đồng mỗi tháng 1 lần. Thông điệp lan tỏa là ai khó khăn cứ đến lấy một phần. Kinh phí thực hiện được các thầy cô đóng góp. Theo anh Đặng, mỗi lần bếp ăn đỏ lửa sẽ gửi tặng người nghèo 200 suất ăn được linh động thay thế từ cơm, bánh cuốn, bánh hỏi đến mỳ Quảng. Để có những suất ăn thơm ngon, dinh dưỡng đúng giờ, các thầy cô giáo đã phải chuẩn bị từ rất sớm, bất kể trời nắng hay mưa. Họ mỗi người một việc, từ đi chợ, rửa rau đến nấu cơm…, không ai bảo ai, tự giác hoàn thành công việc bằng trách nhiệm và tình yêu thương dành cho người nghèo.

Bà Trương Thị Hồng Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Hồ đánh giá cao nỗ lực của các thầy cô nhà trường. Bà Thanh mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng để nhiều hơn nữa những người gặp khó được tiếp sức. Theo bà Thanh, khó khăn rồi sẽ đi qua, chỉ có tình người mới còn mãi với thời gian.

Thành Danh