Báo Công An Đà Nẵng

Tính nữ trong tranh Trần Thị Ngọc Hà

Thứ hai, 11/07/2022 14:00
Tuần tra biên giới (Trần Thị Ngọc Hà).

Nghề chọn người, Trần Thị Ngọc Hà trúng sơ tuyển khoa âm nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, rồi như duyên trời định, bạn bè rủ rê chị thi vào khoa mỹ thuật cùng trường và trúng tuyển. Ra trường, họa sĩ Trần Thị Ngọc Hà làm việc ở Công ty Điện ảnh- Băng từ Phú Yên, thời gian sau chị học liên thông Trường Đại học Nghệ thuật Huế, chuyển hẳn sang ngành giáo dục dạy mỹ thuật tại Trường Tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa). Hành trình sáng tác hội họa của Trần Thị Ngọc Hà là một hành trình tự nhiên, cũng là hành trình rộn lên nhiều xốn xang, bồi hồi trong tìm kiếm, khắc họa cái đẹp.

Trong hành trình đó, sự ưu trội ở chị chính là khả năng nhận diện cái đẹp, cảm thấu cái đẹp dưới góc nhìn mang yếu tính giới: run, mềm, đậm trực giác. Thiên tính nữ lúc thì phảng phất, khi lại đậm đặc và xuyên suốt trong các tác phẩm hội họa của họa sĩ Trần Thị Ngọc Hà, những bức tranh phong cảnh, từ miền biển rộm nắng đến miền rừng ngát xanh. Một sớm mai nơi miền núi cao, ta như được chị đánh thức bởi màu đỏ lựng của những bông chuối rừng, rực nở trước bình minh. Miền sơn cước qua nét cọ đầy sinh động, yêu thương của họa sĩ Trần Thị Ngọc Hà, mang một vẻ đẹp tinh khôi, trong trẻo, thuần khiết. Nhìn tranh mà ta như được nghe tiếng của từng giọt sương li ti, lất phất phả vào không gian miền rừng tĩnh lặng, ảo mờ sương núi, nồng ẩm hương rừng.

Những chuyến xe nghĩa tình (Trần Thị Ngọc Hà).

Rời miền núi cao, ta tiếp tục về miền biển Phú Yên, nghe sóng vỗ vào Gành Đá Đĩa, với lối vẽ giàu tính biểu cảm, ấn tượng. Ta bắt gặp ở đây một bút pháp khoáng đạt, thanh thoát, đôi phần tung tẩy nhưng vừa độ, không quá phá cách, vẫn giữ những nét dung dị, nhu đằm, nữ tính. Đặc biệt, bức tranh này, chị xử lý màu sắc rất nhuyễn, nhất là kỹ thuật tạo những nhảy sáng, lé sáng trong từng nhát cọ rất riêng. Gành Đá Đĩa đẹp còn là do khả năng tạo sự chuyển động bình yên từ bầu trời cao rộng, vẻ trữ tình từ bóng núi xám phía đằng xa, nét nguyên sơ từ rặng cây, mây, sóng, nước... Tất cả làm nên một Gành Đá Đĩa yên bình, huyền diệu.

Họa sĩ Trần Thị Ngọc Hà không chỉ chuyên tâm với mảng tĩnh vật và phong cảnh, mà còn khá nhạy cảm với những sự kiện thời sự. Những ngày Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức đón công dân Phú Yên đang tạm trú tại TP Hồ Chí Minh về quê tránh dịch COVID-19, chị đã bắt kịp nhịp sống "chống dịch như chống giặc" ở thời điểm đó, gây ấn tượng mạnh với bức tranh Những chuyến xe nghĩa tình. Bức tranh mô tả sinh động hình ảnh những người dân Phú Yên từ TP Hồ Chí Minh trở về quê nhà trong sự mệt mỏi của cơn đại dịch COVID-19. Họa sĩ Trần Thị Ngọc Hà đã vẽ Những chuyến xe nghĩa tình bằng xúc cảm cao độ.

Gành Đá Đĩa (Trần Thị Ngọc Hà).

Qua bức tranh Những chuyến xe nghĩa tình, ta bắt gặp một con người nhạy cảm, dễ xúc động. Sự nhạy cảm trong tâm thức đã thôi thúc chị vẽ để bày tỏ tấm lòng tri ân với những nghĩa cử cao đẹp đã chia sẻ với đồng bào Phú Yên trong cơn hoạn nạn. Điều đặc biệt, bức tranh của họa sĩ Trần Thị Ngọc Hà đã được UBND tỉnh Phú Yên chọn làm quà của chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên tặng FUTA Bus Lines. Bằng sự đam mê sáng tạo, trong năm 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát khắp nơi, ai ở đâu thì ở đấy, chị đã miệt mài sáng tác được hơn 60 tác phẩm tranh sơn dầu với nhiều đề tài phong cảnh, tĩnh vật và một số tác phẩm mang tính thời sự.

Mưa chiều (Trần Thị Ngọc Hà).

Xem tranh của Trần Thị Ngọc Hà, ta nhận thấy sự khoáng đạt bắt đầu từ một điểm mạnh rồi tỏa dần ra không gian chung quanh bức tranh. Bút pháp cô đọng về nét, tinh giản về hình, thoáng đạt về không gian, dung dị về màu sắc. Họa sĩ Trần Thị Ngọc Hà thường chú trọng vào gợi tả chiều sâu nội tâm, chứ không sa vào mô tả hời hợt sắc diện bề ngoài. Chị luôn khao khát tìm tòi trong cách thức biểu đạt, khám phá trong những ẩn mật thể hiện. Do vậy, các tác phẩm hội họa của họa sĩ Trần Thị Ngọc Hà đã mang một dấu ấn riêng, không bị trùng lặp với các tác giả khác, và không bao giờ lặp lại chính mình.

TRỊNH CHU