Báo Công An Đà Nẵng

Tình quê mộc mạc trong ca khúc của hai chị em nhạc sĩ

Thứ bảy, 23/05/2020 18:00

Tôi đang nhắc tới hai chị em nhạc sĩ Trần Quế Sơn và nhạc sĩ Trần Thu Hường, hai chị em sinh ra và lớn lên tại vùng đất Quảng Nam.

Hai chị em nhạc sĩ Quế Sơn- Thu Hường.

Nhiều người nhắc tới Trần Quế Sơn là nhớ tới ca khúc “Cõng mẹ đi chơi”. Với riêng tôi, thì tôi lại thích ca khúc “Tình quê” của anh nhiều nhất. Với Trần Quế Sơn, tôi yêu cái giản dị và chân thực trong anh: “Về đây thăm Quảng Nam, trong lòng tôi nghe xốn xang. Núi cao cao tình mẹ, sông dài dài tình em trìu mến. Về đây thăm cố hương, tôi nhìn nơi nao cũng thương”. Anh đã đưa ca dao vào trong nhạc một cách nhuần nhuyễn. Nghe hai câu mở đầu làm người nghe liên tưởng tới hai câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Cũng bởi vậy mà “Tôi nhìn nơi nao cũng thương. Đất quê đẹp tuyệt vời, tình yêu tôi trải rộng muôn nơi”.   

Người miền Trung chân thành chất phác. Với người nhạc sĩ, tình yêu quê hương được thể hiện bằng ngôn từ rất giàu hình ảnh: “Quảng Nam ơi! Quảng Nam ơi! Tôi chất tình tôi khắp trên triền núi, xanh ngát vồng khoai ươm vàng nải chuối. Tôi mắc tình tôi thắm trên cành bưởi, thơm tóc mẹ tôi xanh tóc chị tôi”. Âm nhạc đoạn này lên cao trào, gọi tên quê hương Quảng Nam thật là thắm thiết. Lần đầu tôi nghe tiếng hát của ca sĩ Mỹ Tâm- người con Quảng Nam- Đà Nẵng hát- tôi thật thích. Từng lời, từng lời, quyện vào chất âm nhạc thoang thoảng chút dân ca tạo nên một tác phẩm dạt dào cảm xúc. Chính vì thế mà khi tôi thăm Quảng Nam, từ trên xe taxi cho tới các quán xá đều mở ca khúc này của Quế Sơn. Nhất là những buổi sáng sớm, từ trên những chiếc loa phát thanh ở các vùng quê, thôn xóm lại vang lên giai điệu của bài này... Tình yêu với quê hương rộng lớn “tôi chất tình tôi khắp trên triền núi, xanh ngát vồng khoai ươm vàng nải chuối” ca từ thật mộc mạc và dân dã biết bao. Đất Quế, rơm rạ, khoai sắn đã nuôi anh lớn khôn, tình làng nghĩa xóm đã ngập tràn trong trái tim anh. Chính vì vậy sau khi xa rời nhạc viện TPHCM với 9 năm trên đất Sài thành mà anh “lẽo đẽo” về cái vùng đất “chó ăn đá, gà ăn muối” này để lập nghiệp thì chắc chắn anh yêu quê biết nhường nào. Tôi thích những câu này “Tôi chất tình tôi khắp trên triền núi. Tôi mắc tình tôi thắm trên cành bưởi...”. Anh đem tình cảm của mình chất đầy lên triền núi, bờ mương, với nương rẫy, nải chuối, vồng khoai về tới vườn nhà với cành bưởi với mẹ với chị! Nhạc sĩ đã sử dụng động từ “chất “hay “mắc” ở câu hát này thật đắt giá mà theo tôi là xuất sắc với người cầm bút. Một cảm giác dung dị rất bình thường nhưng đầy tính nhân văn sâu sắc và lại là hình ảnh có giá trị liên tưởng cao. Rồi cứ thế cứ thế anh lại dẫn dắt người nghe tới Hội An, với những địa danh khác chân chất yêu thương trìu mến…

Âm nhạc của Trần Quế Sơn có cấu trúc chặt chẽ, thể hiện được sở trường của người học bài bản chuyên ngành khoa Lý luận sáng tác tại một trong các trường âm nhạc danh giá nhất Việt Nam. Từ cách chọn âm hình chủ đạo đến cách phát triển giai điệu tự nhiên, đẩy lên cao trào làm cho người nghe thấy đã. Tôi nghĩ rằng anh là nhạc sĩ trẻ của Việt Nam có lối viết riêng không lẫn với ai, và ca từ của anh cũng thật đặc biệt. Nghe nhạc của anh không nên vội. Chúng ta từ từ “nhấm nháp” mới thấy hết cái hay trong âm nhạc lẫn ca từ của anh.

Một thời gian sau, tôi lại được nghe bài hát “Nỗi niềm” của NS Trần Thu Hường. Mãi sau này tôi mới được biết Trần Thu Hường là chị ruột của NS Trần Quế Sơn. NS Trần Thu Hường đã làm người nghe rất bất ngờ với cách nhập đề trong bài hát: “Thèm nghe tiếng suối róc rách trên nương. Thèm nghe tiếng chim bình yên trong lá”. Cũng là suối, là nương là hoa là lá với tiếng chim của quê nhà của tuổi thơ như người em và rồi là khao khát được nghe tiếng thoi đều đều của chị trong tiếng ru à ơi của mẹ nhưng chị đã có cách thể hiện khác với Trần Quế Sơn. Đúng là chất nữ tính thể hiện ngay trong chất âm nhạc của chị. Giai điệu mềm mại, dịu dàng, được vào bài với đoạn Adlib trữ tình, dạt dào cảm xúc dìu người nghe đi về một làng quê tuy nghèo nhưng rất đẹp, rất thơ. “Thèm nghe tiếng suối róc róch trên nương. Thèm nghe tiếng chim bình yên trong lá. Thèm nghe tiếng thoi chị tôi dệt lụa. Thèm nghe tiếng mẹ ầu ơ, ầu ơ”. Giữa chốn phồn hoa tấp nập nơi tôi đang sống bỗng hiện lên cảnh thanh bình của một làng quê nơi triền núi, ruộng kề chân núi, suối chảy quanh nhà. Sau đoạn Adlib ngọt ngào, tôi được nghe giai điệu nhẹ nhàng, thanh thoát với những ca từ giản dị, gần gũi. “Giữa chốn phồn hoa của thị thành, tôi lại nhớ bờ ao quê nhà. Giữa phố phường lung linh đèn hoa tôi lại nhớ bến nước gốc đa…”.  Phải là người xa quê, thao thức nhớ mẹ, nhớ quê, nặng lòng với nơi chôn rau cắt rốn của mình thì nhạc sĩ mới đưa được rất nhiều hình ảnh như thế vào trong bài hát. Trải dài theo giai điệu của bài hát là hình ảnh làng quê yên ả thanh bình cùng tuổi thơ vất vả gian nan: “Một thời khoai sắn ấm bếp lửa hồng, vườn rau bến sông chị tôi khuya sớm. Ruộng đồng nắng mưa ươm ước mơ tôi, khoai chà thơm quê nuôi tôi lớn thành người”. Dẫu có khó khăn, phải chăn trâu cắt cỏ, ăn khoai chà sớm tối nhưng ở đó vẫn ấm nồng tình yêu thương để ươm ước mơ cho mỗi con người. Và thú vị nhất ở phần kết của bài hát, âm điệu được đẩy lên cao hơn.

Lần đầu tôi nghe bài này do chính NS Trần Thu Hường hát. Giọng của chị không điêu luyện xuất sắc như các ca sĩ chuyên nghiệp nhưng lại có sức lôi cuốn riêng. Có lẽ tình cảm của chị đã ắp đầy trong tim, trào dâng qua tiếng hát rất có hồn của chị làm say đắm người yêu nhạc.

Tôi là người sinh ra từ một làng quê miền Bắc, nhưng khi nghe bài hát của hai chị em nhạc sĩ này, lại thấy được hình ảnh của chính mình. Đó là làng quê yên bình với gốc đa, bến đò, nải chuối buồng cau. Quê hương nuôi chúng ta khôn lớn nhưng sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người đó là những kỷ niệm đẹp nhất của mỗi người của thời thơ ấu bên mẹ bên cha, bên gia đình cùng làng xóm yêu dấu. Cảm ơn hai chị em nhạc sĩ tài năng cùng sự đồng điệu trong tâm hồn đã cho chúng tôi được về quê để rồi được hát lên khao khát của chính mình: một ước mơ thật tự nhiên giản dị nhưng đầy chất thơ. Xin mượn câu kết của bài hát nỗi niềm làm kết cho bài viết này: “Ước mơ một đêm trăng thanh. Cùng em ôm đàn tự tình. Ước mơ một buổi trưa hè. Cùng em hóng gió triền đê”... Một ước mơ tự nhiên giản dị nhưng đẹp và nên thơ biết mấy!

LƯƠNG DUYÊN THẮNG