Tình quê với "Gió hoang vu"
Tôi rất may mắn được đọc nhiều tác phẩm của Mỹ An, từ thơ đến truyện, khi sách còn là bản thảo. Anh viết rất sung, bút lực thâm hậu, trong những trang viết của Mỹ An ăm ắp tình quê, câu thương câu nhớ từ trong sâu kín tâm hồn như mạch nước ngầm thấm đẫm mảnh đất trung du, nơi anh sinh ra và lớn lên, xứ Tiên bạt ngàn nắng gió.
Bìa tập truyện- ký "Gió hoang vu". |
Mỹ An, tên thật là Nguyễn Khánh, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, đã xuất bản Thị trấn Ven sông - NXB Văn học 2014, Chiều nghiêng - NXB Văn học 2017; Khúc ru Về phía Mặt trời - NXB Văn học 2018, Trăng của Rạ Rơm - NXB Hội Nhà văn 2019, Trường ca Người của đất - NXB Hội Nhà văn 2021 và mới nhất là tập truyện và ký "Gió hoang vu"- NXB Hội Nhà văn 2021.
"Gió hoang vu" gồm ba phần: Gió hoang vu, Qua miền tối sáng và Giữa mùa trăng nghẹn.
Phần mở đầu Gió hoang vu là tâm tư chuyện nghề nghiệp gắn với cuộc sống của một miền quê. Là Trưởng phòng Giáo dục đào tạo, rồi Hiệu trưởng một trường THPT, tác giả "đi guốc trong bụng" ngành giáo dục. Bỏ qua những nỗi niềm tất yếu, lướt qua những trăn trở suy nghiệm hiển nhiên, người đọc tìm thấy tình yêu nghề nghiệp, tình cảm đồng nghiệp, sự kỳ vọng lớn lao nền giáo dục trong tương lai, về sự lột xác vươn vai của bao thế hệ học trò... Mỹ An sử dụng giọng văn nhẹ nhàng để ứng xử với những gì có thể gọi là sự ám ảnh. "Anh nghĩ mình bắt đầu đi vào một bước ngoặt mới, nơi có miền đất gieo hạt mà mình phải chăm bón hết mình. Tuy nhiên phía trước không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nếu có một ngày cảm thấy mệt mỏi, bị áp lực thì hãy xem tất cả điều đó là tất nhiên. Đã đi trên đường thì phải bước để đỡ cô đơn chông chênh yếu đuối. Và nếu gặp khó khăn cũng đừng vội nản lòng. Hôm nay cố gắng ngày mai mọi thứ sẽ tốt hơn".
Phần hai Qua miền tối sáng, chúng ta bất ngờ bắt gặp tác giả với phong cách "cực kỳ nông dân", với bút pháp mô tả hiện thực sâu sắc. Vốn hiểu biết về đời sống nông thôn, tình cảm gắn bó với người nông dân tay lấm chân bùn một thời gian khó, giúp tác giả trong từng truyện ngắn đã vẽ lên một miền quê với thực trạng muôn màu ảm đạm thời kỳ bao cấp: khốn khổ, uất nghẹn... và cả những kỳ vọng. Dân tình là thế, còn cán bộ thì mỗi người một vẻ, người tốt cũng nhiều mà người chưa tốt không phải là không có. Việc làng nước như núi mà trình độ giải quyết thì có hạn. "Hồi hôm mang Chỉ thị của huyện về nhà đọc trợn mắt ếch thấy cái gì cũng quan trọng cả. Nào là phải tiếp tục ổn định đời sống cho nhân dân, nào là tổ chức tấn công đồng cỏ khai hoang vỡ hóa đến việc mở các lớp xóa mù chữ…Rồi phải thực hiện chủ trương quét sạch văn hóa phẩm đồi trụy. Nhiều việc quá! Không biết bắt đầu từ đâu?"
Hãy đọc thật lâu từng truyện ngắn, từng câu chuyện thật, để nhận ra những điều gan ruột mà tác giả muốn gởi gắm. Từ "Trở lại quê nhà", "Nhập cuộc", "Thách thức" đến "Ngày đầy nắng gió", "Va vấp"..... rồi "Cơm nếp của mẹ", "Có một phiên tòa như thế", "Tiếng gà trưa xao xát", "Nỗi oan mùa rơm rạ"... ăm ắp cái tình của tác giả với bà con quê nhà, đau đáu cái nhìn của tác giả với làng xóm ruộng đồng quê.
Từ giọng văn quê ẩn trong những nhân vật ăn một cục nói một hòn, tác giả bất ngờ trở về với ngôn ngữ mượt mà đầy chất thơ trong phần ba Giữa mùa trăng nghẹn. Hoài niệm chảy đầy trong tâm tưởng nhà văn, bàng bạc như trăng quê rắc vàng lên núi đồi trung du, trên thị trấn ven sông, mang theo nghĩa tình mênh mang mênh mang. Nương theo dòng hoài niệm ấy, ta bắt gặp tác giả với đôi mắt cay và trái tim ứ nghẹn khi nói về gia đình, những người thân yêu của mình. Đọc một tản văn hay bất kỳ ký sự nào trong mười sáu tản văn truyện ký của Giữa mùa trăng nghẹn không thể không sầu không cảm, nhưng cái sầu cảm không hề bi lụy hay ủy mị mềm yếu, chỉ là động lực để mỗi người tự nhận ra mình, để tình yêu cuộc sống đẹp hơn trong mắt nhau mà thôi. "Phải chăng anh là người sống ích kỷ chỉ biết cho riêng mình. Ngay cả Liễu phải chịu trăm đắng nghìn cay, sống trong tủi nhục mà anh nào hay biết. Đến khi trở lại thì mọi việc đã lỡ làng. Tất cả đã chôn vùi theo Liễu dưới huyệt lạnh! Anh đau đớn nhổ từng bụi cỏ trên mặt mộ, gọi thầm trong tiếng nấc: - Liễu ơi!..."
Đã có rất nhiều nhà văn viết về những năm tháng sau chiến tranh, nhất là nông thôn ngày ấy, nhưng Mỹ An có giọng điệu riêng, giọng điệu của một người thơ ẩn trong một người làm nghề dạy học. Có thể ai đó trách Mỹ An sao bây giờ mới viết, mới nghĩ về "Gió hoang vu"? Thì ra là "Giữa bốn bề tĩnh lặng chỉ còn nghe tiếng dế nỉ non tê dại của các loài côn trùng như trách móc làm cho anh tự thấy mình sao vô tâm vô tình quá! Hơn nửa đời người, anh mới nhận ra quê hương không chỉ là nơi "chôn rau cắt rốn" mà còn là nơi chứa đựng những điều nhỏ nhất, quý nhất. Đó là nơi có có hình cha bóng mẹ dáng em khổ cực vất vả nhưng lúc nào cũng đùm bọc chia sẻ yêu thương. Và dù thế nào đi nữa thì làng vẫn là nơi đẹp nhất của đời người."
Nguyễn Bá Hòa