Báo Công An Đà Nẵng

Tinh thần gia đình

Thứ năm, 09/01/2014 00:16

(Cadn.com.vn) - Cả thế giới hiện đang hướng về Nam Cực, nơi các nước lớn cùng chung tay nỗ lực giải cứu các tàu bị mắc kẹt. Những nỗ lực giải cứu đầy tinh thần trách nhiệm đó đang cho người dân cả thế giới thấy một "tinh thần gia đình" đáng trân trọng.

Và đó cũng là suy nghĩ của tất cả người dân Trung Quốc với 101 nhà khoa học và 42 thủy thủ đoàn trên tàu Trung Quốc phá băng Tuyết Long hiện đang bị mắc kẹt trong băng Nam Cực từ hôm 3-1.

Tuyết Long bị nạn trong lớp băng dày đến 4m sau khi giải cứu thành công 52 hành khách trên tàu mắc kẹt khác của Nga là Akademik Shokalskiy, đưa sang tàu giải cứu của Australia là Aurora Australis 1 ngày trước đó.

Mọi người đang hy vọng, tất cả những nạn nhân quyết tâm dũng cảm, vượt qua điều kiện thời tiết bất lợi, duy trì tinh thần để chờ tàu phá băng Sao Địa Cực của Mỹ đến ứng cứu kịp thời. Hiện tàu của Mỹ đã khởi hành vào ngày 5-1 và dự kiến sẽ đến khu vực cần giải cứu vào ngày 12-1 tới.

Chỉ huy Cảnh sát biển Mỹ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Phó Đô đốc Paul Zukunft, cho biết, có nhiều lo ngại rằng, các tàu bị mắc kẹt không thể tự giải phóng khỏi băng."Đó là lý do tại sao chúng tôi nỗ lực hỗ trợ phá băng để tìm đường đi cho các con tàu mắc kẹt", ông nói.

Ở thời điểm quan trọng này, sự hỗ trợ của bất kỳ quốc gia nào cũng đều quan trọng và đáng được hoan nghênh. Dù Australia và Pháp cũng phái tàu phá băng đến hỗ trợ giải cứu, gồm Aurora Australis và Astrolabe, song tất cả đang đặt hết hy vọng vào tàu phá băng dài 122m này, bởi nó có thể chạy với tốc độ 3knot/giờ (5,556km/giờ) và phá vỡ băng dày hơn 6m.

Vụ mắc nạn của tàu Akademik Shokalskiy và Tuyết Long một lần nữa chứng minh sự cần thiết cho cộng đồng quốc tế đưa ra một hệ thống cứu hộ khẩn cấp quốc tế kịp thời. Mặc dù kết quả cuối cùng vẫn chưa được nhìn thấy, những nỗ lực của tất cả những người đến từ Australia, Trung Quốc, Pháp và Mỹ là mô hình đáng mừng trong hoạt động hợp tác quốc tế và chứng tỏ, tinh thần hoạn nạn có nhau theo tình thân đúng nghĩa có thể kéo các nước lại gần nhau hơn.

Với những tiến bộ nhanh chóng về khoa học và công nghệ trong vòng 100 năm qua, con người mạnh dạn mở rộng sự hiện diện và thiết lập các căn cứ lâu dài để khám phá những vùng cực và cả không gian. Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ đáng kể về công nghệ, con người vẫn dễ bị tổn thương. Thật đáng mừng và đáng trân trọng biết bao khi tất cả có thể vượt lên trên sự khác biệt để hướng đến hợp tác quốc tế với những nỗ lực giải cứu chung trong vấn đề Nam Cực.

Thanh Văn