Báo Công An Đà Nẵng

Tình trạng rối loạn của Brexit

Thứ sáu, 14/12/2018 11:47

Nỗi sợ hãi cuộc "ly hôn" đắt đỏ với Liên minh Châu Âu (EU) cùng với mối lo về một hệ quả không thể lường trước được đang khiến nước Anh trở nên rối loạn trên con đường rời khỏi liên minh này, hay còn gọi là Brexit.

Chiều 13-12 (giờ địa phương), EU bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh tại thủ đô Brussels của Bỉ với nội dung chính là việc Anh rời khỏi liên minh này.

Thủ tướng Anh Theresa May đang tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Châu Âu  về Brexit trong phiên họp thượng đỉnh ngày 13 và 14-12. Ảnh: AP

Tương lai không bằng phẳng của Thủ tướng May

Thủ tướng Anh Theresa May có mặt tại Brussels từ sáng 13-12 để vận động các nhà lãnh đạo Châu Âu ủng hộ kế hoạch Brexit của mình sau khi bà đã "sống sót" trong một cuộc nổi loạn của Quốc hội, trong đó nêu rõ sự bế tắc của Brexit. "Chúng ta cần phải đạt được thỏa thuận này", Thủ tướng May nói với các phóng viên.

Nhiều thành viên của đảng Bảo thủ cảm thấy bất bình về cách Thủ tướng May xử lý vấn đề Anh rời khỏi EU và yêu cầu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nhà lãnh đạo này. Thủ tướng May vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm 12-12.  Theo tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban 1922 - cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền Graham Brady, với kết quả 200 phiếu ủng hộ và 117 phiếu chống, Thủ tướng May sẽ tiếp tục giữ chức Thủ tướng Anh và tạm thời vượt qua cửa ải khó nhằn ở Quốc hội.

Theo quy định của Ủy ban 1922, hiệu lực của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm là 12 tháng. Điều đó có nghĩa là sẽ không có bất cứ cuộc bỏ phiếu nào thách thức vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ của Thủ tướng May trong 12 tháng tới. Có thể nói rằng, bà May đã "vượt cạn" thành công, nhưng việc "qua sông" thì xem ra không hề dễ dàng. Sóng gió với bà May chắc chắn không dừng lại ở đó. Bài toán Brexit tưởng chừng có thể đi đến đích, lại rơi vào tình trạng rối loạn. Nỗi sợ hãi cuộc "ly hôn" đắt đỏ với EU cùng với mối lo về một hệ quả không thể lường trước được đang khiến nước Anh trở nên rối loạn hơn, nhất là sau khi London và EU nhất trí về một thỏa thuận cho Brexit, một thỏa thuận mà bà May bị chỉ trích là quá nhượng bộ.

Trong tuyên bố hôm 13-12, Thủ tướng May cũng đã nói đến việc sẽ từ chức trước khi nước này tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2022.

EU sẽ làm gì?

Thủ tướng May đang tìm kiếm sự đảm bảo về pháp lý cho phần thỏa thuận gây tranh cãi nhất của bà, đó là một chính sách đảm bảo được biết đến như hàng rào hỗ trợ để ngăn việc thiết lập một đường biên giới cứng giữa Ireland (thành viên EU) và tỉnh Bắc Ireland của Anh.

Kịch bản Brexit này của bà May đang khiến EU tức giận. Mặc dù đã đạt được thỏa thuận, London mới đây đã bất ngờ "quay ngoắt" trong vấn đề này khi tuyên bố muốn "sự ràng buộc hợp pháp" những bảo đảm từ các lãnh đạo EU rằng, London không bị mắc kẹt vô hạn định trong liên minh thuế quan bởi điều khoản "biên giới" của Ireland. Thủ tướng May cũng đã hoãn cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội về thỏa thuận Brexit, theo kế hoạch diễn ra vào ngày 11-12, nhằm để Quốc hội tìm kiếm "những sự bảo đảm" từ phía EU rồi sau đó mới đem nó ra bàn tại Quốc hội. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã cảnh báo sẽ không tái đàm phán về thỏa thuận "ly hôn".

Theo Reuter, EU "sẵn sàng xem xét" thêm những đảm bảo cho Anh liên quan vấn đề đường biên giới Ireland và bản thỏa thuận "ly hôn". Tuy nhiên, văn bản dự thảo gồm 6 điểm mà EU chuẩn bị cho Thủ tướng May ngày 13-12 để hỗ trợ bà thuyết phục Quốc hội đang bị chia rẽ của Anh thông qua thỏa thuận Brexit, khẳng định bất cứ sự đảm bảo nào như vậy cũng sẽ không "thay đổi hoặc trái với" thỏa thuận đã ký. 27 quốc gia thành viên EU khác vẫn chưa đồng ý với hầu hết dự thảo và các nguồn tin ngoại giao cho biết đặc biệt là đoạn về sự sẵn lòng của EU trong việc cung cấp thêm "sự đảm bảo" cho Anh do sự phản đối từ Ireland cũng như các thành viên khác.

Đức là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất việc thay đổi thỏa thuận Brexit. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm 13-12 khẳng định sẽ không có ý định đàm phán lại giải pháp hỗ trợ Bắc Ireland đã được nêu rõ trong bản dự thảo thỏa thuận để nước Anh rời EU. Ông Maas cho rằng văn bản dự thảo không phải là cơ sở để tranh luận, nhưng là cơ sở để ra quyết định.

KHẢ ANH