Báo Công An Đà Nẵng

Tình yêu không biên giới

Thứ tư, 17/02/2016 10:01

(Cadn.com.vn) - Trong Cuộc thi viết, phóng sự ảnh “Người Đà Nẵng” vừa được tổng kết hồi tháng 12-2015, nhằm khơi dậy tình yêu quê hương và cảm nhận đối với những đổi thay của thành phố, có nhiều bài viết đã khẳng định, tình yêu Đà Nẵng không phân biệt người Đà Nẵng gốc hay là người đến từ miền đất khác. Trong đó, bài viết của bạn Nguyễn Thị Hoài Thu có đoạn thật thú vị: “Bây giờ trong mỗi chuyến đi công tác, khi được hỏi từ đâu đến, cô như không giấu được sự tự hào “tôi đến từ Đà Nẵng”. Cô tự cho mình cái quyền đó, vì với cô, người Đà Nẵng đâu phải chỉ là người sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, chỉ cần là người yêu thành phố này, hòa nhịp cùng những nốt thăng, nốt trầm của thành phố thì đã là người Đà Nẵng rồi!”.

Gia đình ông Enzo Falcone tại Đà Nẵng.

Người đầu tiên tôi muốn nhắc đến là Stefano Gullo-một trong những khách hàng đầu tiên của Phòng trưng bày tranh của tôi phối hợp với Hội mỹ thuật Đà Nẵng khai trương hồi giữa năm 2015. Anh ta có nhu cầu vẽ phác thảo một vài bìa CD âm nhạc mà anh yêu thích. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong những lần lui tới anh thường mang theo một chiếc đàn cò truyền thống Việt Nam, một loại nhạc cụ mà nhiều người trẻ hiện nay cũng thấy khá xa lạ. Tò mò hỏi thăm, mới biết Stefano là tay chơi nhạc guitar người Ý. Cha anh đang điều hành một dự án tại khu công nghiệp Điện Nam–Điện Ngọc, dịp này anh sang thăm cha và có nguyện vọng muốn sinh sống lâu dài tại Đà Nẵng.

Nói về tình yêu với cây đàn cò, Stefano kể, lần đó đi ngang qua một hẻm nhỏ, anh nghe vang lên một âm thanh réo rắt, oán than. Không cầm lòng,  thế là anh đến tận nơi vang lên tiếng đàn tìm hiểu thì biết đó là đàn cò độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Từ đó, anh mong muốn được sở hữu và sử dụng loại nhạc cụ này. Bên cạnh đàn cò, anh cũng bị cuốn hút bởi nhiều thứ đặc trưng văn hóa Việt Nam, trong đó, hơn hết Đà Nẵng là thành phố cuốn hút anh một cách kỳ lạ.

Vợ chồng bà Liên (Kathleen Huff) trong những năm đầu tiên đến sinh sống tại Đà Nẵng.

Stefano nói:

- Ngay thời gian đầu đến Việt Nam, từ Hà Nội đến nhiều nơi khác, đi đâu tôi cũng nghe người ta thường nhắc đến Đà Nẵng. Tôi nghĩ điều đó không sai. Thành phố này không hối hả, nhộn nhịp như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Nó cũng không quá yên tĩnh, nhưng thật êm đềm. Những người tôi mới gặp đều rất thân thiện và chân tình. Tôi muốn sống và làm việc lâu dài tại đây. Tôi đã bày tỏ với ba tôi ý định này và tôi sẽ về Ý vài tháng thu xếp những việc riêng tư, sau đó sẽ trở lại Đà Nẵng, để được học đàn cò, học tiếng Việt…chung sống hòa nhập với mọi công dân trong thành phố này.

Câu chuyện của anh cũng làm tôi nhớ đến một người Ý khác. Đó là ông Enzo Falcone, người đã sáng lập ra Hội Từ thiện Care the People, một tổ chức đã có 13 năm đồng hành cùng Hội Khuyến học Đà Nẵng trong công tác khuyến học khuyến tài. Enzo sau khi tốt nghiệp ĐH Y khoa Milano (Ý), có nguyện vọng khởi đầu lên đường sang Châu Phi làm từ thiện 6 năm. Thế nhưng, vào năm 1994 khi ông nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Ý sang thay thế cho một bác sĩ đang triển khai dự án cho Tổ chức phi chính phủ Thầy thuốc không biên giới tại Bắc Giang, thì tình cờ gặp một người phụ nữ Việt Nam tên Lưu Thị Minh Tâm trên chuyến bay từ Ý về Việt Nam. Và đó là chuyến bay định mệnh để sau đó Enzo nên duyên với người phụ nữ ấy và ở lại Việt Nam. Năm 2003, sau khi kết thúc công việc ở tổ chức “Thầy thuốc không biên giới”, gia đình ông Enzo Falcone về Đà Nẵng sinh sống. Tại đây, ông Enzo thành lập tổ chức từ thiện “Care the People” cấp học bổng dài hạn cho học sinh nghèo thông qua sự giới thiệu của Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng. Với sự vận động tích cực của ông, nhiều học sinh ở Đà Nẵng đã có cha mẹ nuôi tại Ý. Ông còn mời những người bạn từ Ý sang Đà Nẵng trao học bổng cho các em. Trong đó, đã có hơn 3.000 lượt bạn bè của Enzo tại Ý đóng góp, ủng hộ tiền cho “Care the People”. Ông Enzo được nhập quốc tịch VN vào tháng 2-2011 với tên gọi Lưu Hòa Bình. Ông nói: “Tên Hòa Bình bởi tôi yêu hòa bình, lấy họ Lưu theo họ vợ”.

Ông Enzo sống tại ngôi nhà số 190 Nguyễn Công Trứ, Q. Sơn Trà cùng vợ và hai con một trai, một gái xinh xắn.  Ông cho biết cảm thấy thật gần gũi, gắn bó thân thuộc với thành phố này. Cô con gái Chiara Falcone nói lưu loát 3 thứ tiếng: Việt, Ý, Anh và  có năng khiếu ca hát. Cách đây không lâu, cô bé tham gia cuộc thi Vietnam’s Got Talent. Trong cuộc thi này, với một bài hát dân ca tiếng Việt, Chiara đã thể hiện hết sức sống động, làm xiêu lòng tất cả mọi người trong ngày đầu tiên trình diễn trên sân khấu. Chiara cũng tham gia trình diễn tại lễ hội pháo hoa Đà Nẵng và  đoạt giải Giọng ca ấn tượng trong cuộc thi Olympic tiếng Anh TP Đà Nẵng 2011...Chiara từng được nguyệt san Network Italia (tờ báo dành cho cộng đồng người Ý tại Đông Nam Á) viết về em-một cô bé gốc Ý rất đặc biệt, đã mang những bài hát Việt sang cộng đồng người Ý và ngược lại. Nguyệt san này ưu ái bình chọn em sẽ là Đại sứ văn hóa tương lai của Ý.

Stefano Gullo thích học đàn cò và  tìm hiểu văn hóa Việt Nam.

Cũng có một gia đình người nước ngoài từ lâu đã chọn Đà Nẵng là quê hương thứ hai là gia đình Kathleen Huff với nhà hàng “Bread of life” - bánh mì nướng truyền thống kiểu Mỹ đầu tiên ở Đà Nẵng từ hơn 20 năm trước (trước kia tại 25 Trần Phú nay dời về số 4 Đống Đa). Kathleen Huff (tên Việt Nam là Liên) cho biết: “Khởi đầu từ  sự  gần gũi, yêu thích Việt Nam, gia đình chúng tôi đã tới đây để giúp đỡ những người trẻ khiếm thính ở Việt Nam. Và tôi thấy rằng những người khiếm thính họ chỉ có một khiếm khuyết duy nhất đó là giao tiếp. Nếu giải quyết được vấn đề này họ có thể làm được mọi thứ. Chính vì vậy tôi quyết định học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với họ và quyết định mở quán Bread of Life”.

Do những trở ngại riêng tư, tháng 6-2015, bà Liên phải về lại Hoa Kỳ và chuyển giao nhà hàng “Bread of life” cho một người Pháp. Tuy nhiên, trước khi từ giã, bà nói: “Đà Nẵng không chỉ là mảnh  đất đầy kỷ niệm của vợ chồng tôi mà còn của hai con trai nữa. Tuổi thơ chúng nó lớn lên tại đây. Chúng nó đã trải qua nhiều cái Tết Việt Nam thú vị. Chúng nó gần như Việt Nam hóa rồi. Chúng yêu thích cuộc sống ở đây lắm, nói tiếng Việt sành hơn tiếng mẹ đẻ và am hiểu văn hóa Việt Nam. Tôi hy vọng các con sẽ tiếp tục nối tiếp sự nghiệp của gia đình tôi tại thành phố Đà Nẵng thân yêu”.

Còn bà Wantanabe Misato thuộc tổ chức Hội Phụ nữ Dân chủ Nhật Bản (gọi tắt là Femin) hiện là người đại diện đỡ đầu cho Làng trẻ em Hy Vọng tại Đà Nẵng. Từng là một cô giáo ở Nhật Bản , năm 2000 bà Misato theo một tour du lịch cùng hội Femin đến Đà Nẵng. Sau khi ghé thăm Làng Hy Vọng, trở  về nước, bà  quyết định nghỉ dạy và xin gia nhập hội Femin để được quay trở lại giúp các em. Từ năm 2005 đến nay, cứ đều đặn mỗi tháng một lần, bà lại đến với những đứa trẻ ở Làng Hy Vọng. Suốt 15 năm qua , bà và hội Femin đã giúp đỡ, cưu mang cho hơn 120 trẻ em nghèo, mồ côi, khuyết tật. Trong số đó, có 80 em đã tốt nghiệp CĐ, ĐH, 2 em được nhận học bổng sang Nhật du học.

Bà Misato mở quán cà-phê mang tên Sakura Friends Café tại số 125, đường Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng nhằm làm nơi gặp gỡ giao lưu văn hóa Việt- Nhật.  Đổng thời, bà  còn chủ trương mở xưởng may ART Sakura để tạo điều kiện có nơi làm việc cho các trẻ em lớn lên từ Làng Hy Vọng. Nhiều em qua sự chăm sóc giúp đỡ của bà đã có cơ hội đi du học tại Nhật Bản, nhưng bà luôn căn dặn các em quay lại Việt Nam để phục vụ cho quê hương Đà Nẵng. Bởi chính bà đã yêu mến nơi này chẳng thể rời xa.

Trần Trung Sáng