Tình yêu trên tuyến lửa Trường Sơn (Kỳ cuối: Tình yêu trên tọa độ lửa)
Suốt những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, tình yêu đất nước, tình yêu đồng đội, đồng bào được các chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP) đặt lên hàng đầu. Trên những tuyến đường giao thông huyết mạch ra chiến trường, chàng trai Trần Văn Thân ngày ấy đã tìm thấy "một nửa" của mình là cô gái Vũ Thị Liên - TNXP Tổng đài thông tin Đội 25.
Vợ chồng TNXP Trần Văn Thân và Vũ Thị Liên ôn lại kỷ niệm chiến trường. |
Gặp nhau sau lần bị thương
Tròn 17 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cô gái Vũ Thị Liên (1948, quê Ninh Bình) thời ấy háo hức vác ba lô lên đường vào chiến trường, gia nhập Đội 33 TNXP Ninh Bình. Sau hơn 1 tháng hành quân từ Ninh Bình qua các địa phương khu IV, Ka Tang, Khe ve - Đường 12, đến khu rừng biên giới Việt - Lào, Đại đội của Liên được giao nhiệm vụ đảm bảo giao thông đường 050 và cùng các đơn vị bạn mở đường 128. Tháng 8-1966, đơn vị chuyển về Đông Trường Sơn tại Đường 20 Quyết Thắng. Sau thời gian tham gia mở đường giao thông, Vũ Thị Liên được phân công trực tổng đài Đội 25. "Tôi nhớ nhất là một ngày cuối năm 1968, sau loạt bom của máy bay Mỹ đánh vào đội hình tổng đài thông tin của đội, tôi vừa chạy xuống đường nối đường dây thì bỗng một đợt bom tọa độ tiếp theo dội xuống... Tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm tại Trạm xá Binh trạm hơn 1 đêm rồi. Khi mở mắt ra tôi nhìn thấy một thanh niên giọng khu IV kể chuyện, tôi mới biết anh là TNXP Nghệ An Trần Văn Thân đang công tác ở Đội 23, trong lúc chỉ huy san lấp, nối đường thì bị địch ném bom và bị thương. Anh cũng là người cứu tôi và chúng tôi quen nhau từ đó" - bà Liên kể.
"Trận bom trút xuống cung đường đó, tôi may mắn bị thương nhẹ. Thấy người con gái gầy gò, nhỏ bé ngất xỉu vì sức ép của quả bom, tôi vội vã đưa vào Trạm xá Binh trạm săn sóc chu đáo"-ông Trần Văn Thân tiếp lời. Những ngày nằm trong Trạm xá Binh trạm, chính sự quan tâm, săn sóc của người con trai khu IV ấy đã để lại nhiều ấn tượng cho cô gái TNXP gốc Bắc. "Thì ra đây là người đã cứu mình! Tôi cảm động và biết ơn, tự nhiên thấy gần gũi với người con trai này đến lạ, cứ như là duyên số để gái núi Thúy sông Vân gặp trai núi Hồng sông Lam ở tọa độ lửa này", bà Liên kể về mối nhân duyên của mình. Sau thời gian điều trị, Liên phục hồi sức khỏe, quay trở lại công tác, chàng trai Trần Văn Thân cũng trở lại đơn vị mình nhưng họ vẫn nhớ về nhau, nỗi nhớ của những người đồng chí. Mãi đến năm 1969, khi đội 23 và đội 25 nhập lại, hai người mới có cơ hội gần nhau, hiểu nhau hơn, trong tình đồng đội giữa hai người đã nảy sinh tình yêu đôi lứa. "Ban đầu tôi không nghĩ sẽ gắn bó với ông Thân và làm dâu xứ Nghệ đâu. Bởi bản thân tôi không chịu được gió Lào, cứ từng đợt gió Lào ập đến là lại lăn ra ốm. Thế nhưng, tôi đã bị chàng trai xứ Nghệ hiền lành, mộc mạc, chân chất và yêu văn thơ ấy hút hồn. Rồi những đêm tâm sự dưới ánh trăng ngà rừng Trường Sơn, những lần ông ấy trở về từ mặt trận khi mùi khói bom còn khét lẹt... tôi lại thấy thương hơn" -bà Liên kể.
Cựu TNXP Trần Văn Thân (trái) trong lần gặp lại đồng đội. |
Mặc dù công tác trên cùng một cung đường nhưng thực tế chiến đấu nên thời gian họ ở bên nhau không nhiều. Sự tin tưởng và thi đua chiến đấu, phục vụ chiến đấu trở thành sợi dây thắt chặt thêm tình yêu đôi lứa giữa mưa bom, bão đạn. Tình yêu được nuôi dưỡng bằng ý chí và niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cuộc chiến đấu được cụ thể hóa bằng một đám cưới giữa rừng Trường Sơn vào năm 1971. "Ngày đó tất cả tập trung cho cuộc chiến đấu, đám cưới giữa rừng không có người thân, không có mâm cao cỗ đầy, chỉ có nghĩa tình đồng đội, ấm nước vối, cành hoa rừng và sang hơn là có một ít kẹo, thuốc lá để đãi khách", ông Thân nhớ lại. Đám cưới xong, bà Liên được cử đi học ngành nấu ăn và được phân công về làm cửa hàng ăn Bến Thủy, hai người đưa nhau về TP Vinh (Nghệ An) sinh sống.
Cuộc sống sau chiến tranh không thể nói hết sự vất vả thiếu thốn, nhất là khi 3 đứa con lần lượt ra đời. Cả hai ông bà đều là thương binh, mất sức lao động nên đều nghỉ hưu sớm, cuộc sống lại càng chật vật hơn. "Nghỉ hưu, bà ấy đi nấu cơm thuê cho các đám hiếu hỉ, hội hè. Cuộc sống thời đó khổ cực lắm nhưng bà ấy chưa một lần kêu than mà lẳng lặng tần tảo nuôi các con ăn học thành tài" - ông Thân nói về vợ mình. Vậy là cô gái gốc bắc và chàng trai xứ Nghệ đã có một cái kết có hậu, tình yêu của hai người lính được ươm mầm trong chiến tranh, trải qua thử thách của bom đạn và khắc nghiệt cuộc sống đời thường vẫn vẹn tròn sau gần nửa thế kỷ. Giờ đây, tuổi già vui vầy bên con cháu, thỉnh thoảng họ lại cùng nhau hàn huyên kể về những câu chuyện ở chiến trường, về đồng đội, giờ ai còn ai mất. Câu chuyện của tình đồng đội, tình nghĩa vợ chồng giữa họ sẽ mãi nhen lên và tỏa sáng...
Dương Hóa