Báo Công An Đà Nẵng

Tình yêu với di sản

Thứ năm, 16/03/2017 09:34

(Cadn.com.vn) - Từ cách đây hàng trăm năm, cùng với thương nhân nhiều nước khác, những người Nhật đã đến Hội An giao thương buôn bán và góp phần kiến tạo nên những giá trị của đô thị cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa (DSVH) thế giới. Ngày nay, những người Nhật của thế kỷ XX, XXI lại tìm đến Hội An để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.

Chikara Wakako (trái) thường xuyên trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp ở Trung tâm QLBTDSVH Hội An. (ảnh: Phan Sơn)

Những ngày này, chị Chikara Wakako-tình nguyện viên của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA đang tất bật với công việc dịch sang tiếng Nhật một số nội dung tiếng Việt của tờ rơi quảng bá Bảo tàng Hội An, nâng cấp website phòng bảo tàng, thiết kế bảng tên Bảo tàng Hội An. Chỉ còn vài tháng nữa là nhiệm kỳ công tác 2 năm của một tình nguyện viên JICA sẽ kết thúc nên Wakako đang tập trung để hoàn thành công việc trước thời hạn... Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Fukuoka, miền Nam Nhật Bản, ba mẹ chị đều là tình nguyện viên JICA nên ngay từ nhỏ Wakako đã hiểu về những công việc của ba mẹ cũng như của tổ chức JICA. Hơn nữa theo Wakako, ở Nhật Bản, các phương tiện thông tin đại chúng nói rất nhiều về Hội An nên chị đã phần nào hiểu được về vùng đất và con người nơi đây, cũng như lịch sử quá trình giao thương buôn bán của những người Nhật trong quá khứ tại Hội An. Những yếu tố đó cộng với sự tò mò đã thôi thúc cô sinh viên Trường Đại học Kyushu nuôi dưỡng ước mơ được một lần đến Hội An.

Đầu năm 2015, sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Khảo cổ học, nhận được thông tin JICA có nhu cầu tuyển tình nguyện viên sang Hội An, Wakako đã đăng ký tham gia. Đến tháng 7-2015, Chikara Wakako đã đến Hội An và bắt đầu công việc với tư cách là một tình nguyện viên của JICA tại Trung tâm QLBTDSVH Hội An. Chị Wakako cho biết thêm: "Tôi đã biết đến Hội An cũng như quá trình giao lưu buôn bán của người Nhật ở Hội An từ rất lâu rồi. Sự gắn kết trong quá khứ giữa 2 nước Việt - Nhật đã được duy trì cho đến tận ngày nay và tôi thấy rằng những người trẻ như chúng tôi có trách nhiệm phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp ấy thông qua việc đóng góp vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của DSVHTG Hội An". Cũng theo chị Wakako, mặc dù đã học tiếng Việt hơn 2 tháng ở Nhật cộng thêm 1 tháng ở Đại học Đà Nẵng nhưng thời gian đầu chị vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp bằng tiếng Việt với những người bạn ở Trung tâm QLBTDSVH Hội An. Tuy nhiên với sự nỗ lực, sự hỗ trợ nhiệt tình của các anh chị em tại Trung tâm QLBTDSVH Hội An, những người đã gắn bó với Wakako trong gần 2 năm qua, những khó khăn ban đầu cũng dần được khắc phục. Công việc đầu tiên mà chị Wakako bắt tay vào thực hiện là tìm cách cải thiện một số nội dung trưng bày tại các bảo tàng để du khách hiểu rõ và thích thú hơn. Hầu hết những hiện vật tại các bảo tàng ở Hội An chủ yếu được đính kèm thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh, chính vì vậy mà nhiều du khách Nhật Bản, nhất là du khách lớn tuổi thường khó tìm hiểu. Cách trưng bày một số hiện vật cũng còn chưa hợp lý. Ngoài ra, tại Bảo tàng gốm sứ mậu dịch- nơi đang áp dụng hình thức thuyết minh tự động audio guide thì nội dung thuyết minh bằng tiếng Nhật cũng còn một số lỗi sai.  Thế là với sự hỗ trợ của các anh chị em đồng nghiệp ở Trung tâm QLBTDSVH Hội An, Wakako bắt đầu  tìm hiểu về hiện vật  trưng bày tại các bảo tàng cũng như nội dung thuyết minh tiếng Việt, rồi tự mình nghe lại nội dung audio guide tiếng Nhật để điều chỉnh những lỗi sai. Hiện nay, nội dung audio guide bằng tiếng Nhật tại Bảo tàng gốm sứ mậu dịch chính là do Wakako thể hiện. Ngoài ra, để phục vụ khách tham quan bảo tàng tốt hơn, Wakako còn phát phiếu thăm dò ý kiến của du khách để từ đó đóng góp với Trung tâm QLBTDSVH Hội An cải thiện các bản thuyết minh và cách trưng bày các hiện vật. Cạnh đó, Wakako cũng tham gia đóng góp nhiều ý kiến về thiết kế trưng bày, bố trí không gian các điểm dừng chân, kiểm tra, cải thiện hiện trạng quản lý độ ẩm tại kho và phòng trưng bày hiện vật...

 Có thể nói với những kiến thức chuyên môn của mình, gần 2 năm qua, chị Wakako đã có nhiều đóng góp đối với hoạt động của các bảo tàng tại Hội An, nhất là trong việc phát huy hiệu quả thông tin của các hiện vật, góp phần thu hút khách tham quan, trong đó có du khách người Nhật. Gần 2 năm gắn bó với Hội An, những việc làm được thì rất nhiều nhưng việc chưa hoàn thiện theo ý muốn thì cũng không ít, nhưng Wakako luôn cảm thấy vui vì mình đã góp một phần nào đó vào bảo tồn những giá trị mà cha ông mình đã góp phần kiến tạo nên. Và với chị đó không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm của một người trẻ đối với bậc tiền nhân. Chị Wakako tâm sự: "Gần 2 năm gắn bó với Hội An tôi cảm nhận được người dân ở đây rất thân thiện và mến khách. Tôi xin cảm ơn tất cả các anh chị ở Trung tâm QLBTDSVH Hội An đã tận tình giúp đỡ tôi để hoàn thành công việc. Hy vọng rằng những đóng góp của tôi trong suốt thời gian qua sẽ thực sự mang lại hiệu quả để những giá trị văn hóa lâu bền của Hội An sẽ luôn được giữ gìn và phát huy".

Phan Sơn

Cuộc thi "Đồng hành với di sản Quảng Nam" qua internet năm 2017, do Sở TT&TT Quảng Nam chủ trì diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6-2017. Đây là hoạt động truyền thông nằm trong khuôn khổ cuộc thi "Đồng hành với di sản Quảng Nam" với 5 nội dung, trên cơ sở thực hiện kế hoạch của Ban tổ chức Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017 về truyền thông Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017 và kế hoạch liên tịch của Sở VH-TT&DL, TT&TT, Tỉnh đoàn, Hội Nhà báo và Hội VHNT tỉnh Quảng Nam. Theo đó, công dân và du khách trong nước hoặc du khách quốc tế đến Việt Nam tham gia cuộc thi cần phải trả lời câu hỏi trắc nghiệm với nội dung tìm hiểu các giá trị lịch sử - văn hóa - du lịch tỉnh Quảng Nam trên Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam (http://www.quangnam.gov.vn) hoặc trên trang http://disanquangnam.vn/. Cơ cấu giải thưởng gồm 3 kỳ và 1 kỳ chung cuộc (trao tại lễ bế mạc Festival di sản) vào tháng 6-2017.

Th. Hà