Báo Công An Đà Nẵng

Tổ hợp thời tiết trên Biển Đông diễn biến rất phức tạp

Thứ ba, 03/09/2019 09:28

Ngày 2-9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 15/CĐ- TW gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương chủ động với tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp đang diễn ra.

 

Cứu hộ thành công ngư dân gặp nạn trên biển

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị vừa phối hợp với các lực lượng chức năng cứu hộ thành công một ngư dân gặp nạn trên biển. Trước đó, vào khoảng 12 giờ 30 ngày 2-9, lực lượng chức năng nhận được thông tin cần cứu nạn của ông Nguyễn Mạnh Cường (41 tuổi, ở khu phố 9, phường 1, thành phố Đông Hà), đang hành nghề câu tại cửa biển cách bờ khoảng 500 mét. Vào thời điểm trên, biển động, sóng lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ nên ông Cường không thể vào bờ và rơi vào tình trạng kiệt sức. Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Triệu Vân đã phối hợp với lực lượng Hải đội 202 Cảnh sát biển Vùng 2 điều động tàu cá QT 92567 của ngư dân Võ Văn Thức, ở thị trấn Cửa Việt, H. Gio Linh, ra ứng cứu. Khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, các lực lượng chức năng đã tiếp cận được khu vực ông Cường gặp nạn. Do vị trí ông Cường gặp nạn có mực nước thấp nên lực lượng chức năng phải sử dụng thuyền thúng chèo tiếp cận khu vực bờ kè để đưa người bị nạn lên tàu. Sau khi cứu hộ thành công, ông Cường đã được chăm sóc sức khỏe và bàn giao cho gia đình vào 17 giờ chiều cùng ngày.

B.H

Áp thấp nhiệt đới có thể sáp nhập với bão

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 16 giờ ngày 2-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7(40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 4 giờ ngày 3-9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo: bão di chuyển chậm theo hướng Đông, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km. Đến 16 giờ ngày 3-9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh từ Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 150km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 16 giờ ngày 4-9, vị trí tâm bão ở khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam của đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

Cùng với diễn biến trên, lại có thêm một áp thấp nhiệt đới khác hoạt động trên Biển Đông. Lúc 16 giờ ngày 2-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 16 giờ ngày 3-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 4 giờ ngày 4-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có thể sát nhập với cơn bão ở vùng biển phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Đà Nẵng cấm tàu thuyền ra khơi

Chiều 2-9, Ban chỉ huy PCTT-TKCN TP Đà Nẵng phát đi Công điện số 09/CĐ-PCTT yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai nhiệm vụ ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão và gây mưa lớn trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Cụ thể, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Đà Nẵng đề nghị Ban chỉ huy PCTT-TKCN các quận, huyện thông báo tình hình, diễn biến ATNĐ, bão đang hoạt động trên Biển Đông cho nhân dân biết để chủ động ứng phó. Với phương châm “4 tại chỗ”, các đơn vị sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống ATNĐ, bão, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; sẵn sàng sơ tán nhân dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Riêng H. Hòa Vang, khuyến cáo người dân tổ chức thu hoạch sớm vụ hè thu để tránh thiệt hại mùa màng. Công điện cũng đề nghị BCH BĐBP Đà Nẵng tiếp tục kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, chú ý các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động tại vùng nguy hiểm kêu gọi vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn. Các tàu thuyền đang neo đậu tại đất liền tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn và tuyệt đối không được ra khơi.

Do trùng với mùa khai giảng năm học mới, Ban chỉ huy PCTT-TKCN TP Đà Nẵng đề nghị Sở GD&ĐT theo dõi diễn biến của ATNĐ, bão và mưa, lũ để tham mưu việc đảm bảo an toàn cho học sinh và cơ sở vật chất trường học. Sở Xây dựng, Sở GTVT, UBND các quận, huyện và các sở liên quan đến công tác xây dựng được yêu cầu chỉ đạo các BQL dự án triển khai phương án phòng, chống ATNĐ, bão cho công trình và có phương án xử lý ngập úng các công trình đang thi công dở dang. Ngoài ra, Sở Xây dựng Đà Nẵng chủ động  triển khai phương án chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước, vận hành các trạm bơm chống ngập ở khu vực nội thành đồng thời kiểm tra việc vận hành của tuyến kênh thoát lũ tổng thể xã Hòa Liên đảm bảo an toàn, chống ngập tại khu vực. Ban Chỉ huy  PCLB&TKCN cũng yêu cầu Cty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng, Cty Thoát nước và Xử lý nước thải thường xuyên kiểm tra đánh giá an toàn hồ chứa, phối hợp với các địa phương triển khai phương án phòng, chống lũ các hồ chứa nước, đặc biệt lưu ý hai hồ chứa nước Hòa Trung và Đồng Nghệ.

ĐÔNG A

Chủ động ứng phó

Theo Công điện, từ ngày 2-9, Biển Đông xuất hiện tổ hợp bất lợi gồm 2 áp thấp nhiệt đới cùng gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây sóng to, gió lớn cho toàn bộ vùng Biển Đông. Ngoài ra, từ ngày 2 đến 6-9, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi được cảnh báo có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt, Tây Nguyên từ 200-300mm/đợt.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các phương án ứng phó.

Trên tuyến biển: Theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, thông tin đến các thuyền trưởng, chủ phương tiện hoạt động trên biển chủ động các phương án di chuyển tàu thuyền để đảm bảo an toàn; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn neo đậu tại bến; đảm bảo an toàn người, phương tiện tại nơi neo đậu, tránh trú và khách du lịch trên các đảo.

Khu vực trung du, miền núi và khu vực Tây Nguyên: Tập trung khắc phục sự cố, hư hỏng ở các công trình hồ đập, kênh mương, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng mưa lũ của bão số 4 vừa qua; tăng cường chỉ đạo lực lượng xung kích tại cơ sở kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; phát hiện kịp thời những nơi dòng chảy bị tắc nghẽn, các dấu hiệu bất thường khác để thông báo cho chính quyền và người dân kịp thời xử lý hoặc di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt là tại các khu vực đã bị ảnh hưởng của mưa lũ sau bão số 4 vừa qua.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra công tác vận hành, phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa, thủy điện, thủy lợi nhất là các thủy điện nhỏ, hồ đập xung yếu hoặc đang thi công; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời ứng phó khi tình huống xảy ra; sẵn sàng phương án đảm bảo giao thông, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó; tổ chức trực ban nghiêm túc theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để chủ động triển khai biện pháp ứng phó.

BIÊN THÙY – TTXVN