Báo Công An Đà Nẵng

Tổ quốc trên những thân tàu (2)

Thứ bảy, 30/07/2016 10:59

* Bài 2: Phía sau những con tàu đắm

(Cadn.com.vn) - Sau những giọt nước mắt hạnh phúc tột đỉnh khi về tới đất liền như được trở về từ cõi chết, giữa lòng người thân, bà con làng xóm là những giọt nước mắt của âu lo, của gánh nặng nợ lần, mất mát tài sản và tương lai trĩu nặng.

Một góc làng biển ở xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Những hiểm nguy của biển cả, khiến cho đời sống ngư dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: H.A

5 thuyền viên trên tàu ông Lựu được cứu sống, đưa trở về bến cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) đều là người một nhà, gồm cha ông Lựu, cụ Võ Bằng (72 tuổi), em trai Võ Thanh Hương, con trai Võ Văn Cầu, con rể Nguyễn Trung Hậu. Gặp lại người thân còn sống trở về, bà Nguyễn Thị Năng (51 tuổi, vợ ông Lựu) khóc nức nở ôm chặt chồng và con trai. Suốt 3 ngày chờ đợi, bà Năng như ngồi trên lửa vì không biết người thân của mình sống chết ra sao. Thương nhất là đứa con trai Võ Văn Cầu đang kỳ nghỉ hè lớp 11, lần đầu theo cha đi biển Hoàng Sa thử xem có hợp không, nếu được, học hết lớp 12, Cầu sẽ nối nghiệp cha. Rồi người con rể đang là giáo viên dạy hợp đồng cho một trường cấp 2, lần đầu theo cha vợ đi biển để có vốn sống về dạy học trò. Nhưng chuyến đi lần đầu đó đã để lại nhiều ký ức kinh hoàng. Mừng rớt nước mắt khi người thân may mắn trở về bình an, nhưng rồi ngay sau đó, trong lòng bà Năng cũng trĩu nặng khi nghĩ về con tàu là cả gia tài, cơ ngơi của mình nay đã mất trắng. Để bám biển mưu sinh, vợ chồng bà phải chạy vạy vay mượn khắp nơi đầu tư cho con tàu 3 tỷ đồng này. Tàu mới khai thác được gần 2 năm, chi phí chưa đủ bù đắp, trang trải nợ lần thì đã gặp nạn, khiến vợ chồng bà chới với. Theo lời bà Năng, năm 1999 gia đình bà đã mất một chiếc tàu vì gặp bão, sau đó tàu mới được đóng thì liên tục bị cướp phá. Ông Lựu thì bảo, là tàu lặn, nên muốn bắt được nhiều hải sản phải vào gần các đảo Hoàng Sa cũng vì thế thường xuyên trở thành mục tiêu bị cướp phá. Ngồi ngóng ra biển xa, ông Lựu kể rành rọt: "Tháng 3-2015, khi tàu tôi đang đánh bắt ở Hoàng Sa thì bị tàu kiểm ngư Trung Quốc vây ép, cướp phá hết trang thiết bị và hải sản trên tàu, thiệt hại hơn 600 triệu đồng. Lần đó, họ dùng súng uy hiếp, phá bộ đàm liên lạc, dồn anh em chúng tôi trước boong tàu, khi tôi phản ứng thì bị đánh bằng dùi cui điện. Tháng 6-2015, tàu tôi lại bị tàu hải giám Trung Quốc truy đuổi, bỏ chạy thì chẳng may tàu bị gãy trục. Chúng lại lên tàu cướp hết tài sản, thiệt hại hơn 700 triệu đồng. Đầu năm 2016, tàu của tôi lại thường xuyên bị tàu cá vỏ thép Trung Quốc truy đuổi nên không đánh bắt được". Và lần này, không chỉ cướp bóc mà tàu ông Lựu còn bị đâm chìm, mất trắng cả gia tài. Cũng rơi vào tình cảnh như ông Lựu, sau khi tàu bị đâm chìm, hơn 2 tháng qua ông Phạm Phú Thành cứ chạy đôn chạy đáo lo khất nợ nần. Số tiền vay mượn cho chuyến đi biển từ xăng dầu, phí tổn, tiền công bạn tàu... lên cả trăm triệu. Ông bảo, nếu bình an, số mực câu được đủ trang trải hết nợ nần. Nhưng giờ thì mất sạch, cái "cần câu cơm" cũng mất, còn lại chỉ là những khoản nợ chồng chất. Từ một ngư dân hào sảng, "ăn sóng, nói gió" giờ ông Thành trở nên trầm tư, lo lắng đến bạc cả  tóc.

Thuyền trưởng Bùi Văn Cu (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho phóng viên xem đoạn video do anh quay lại cảnh tàu quân sự Trung Quốc cản trở ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa. Ảnh: H.A

Gánh nặng mưu sinh cũng đè nặng đôi vai của những người phụ nữ ở các làng biển. Ngày nào chị Đặng Thị Lệ (thôn Ghành Cả, xã Bình Châu) cũng tựa cửa ngóng tin tức về tàu cá của chồng đang đánh bắt ngoài biển. Với chị Lệ, mỗi ngày tàu chưa về là một ngày thấp thỏm lo âu.  "Nếu có sự cố gì xảy ra với tàu nữa thì gia đình tôi phá sản"-chị Lệ nói. Nỗi lo sợ của chị Lệ cũng dễ hiểu khi chiếc tàu cá của gia đình chị bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên biển vào tối 9-7-2015. Lúc đó, ông Trương Văn Đức (chồng chị Lệ) cho tàu cá  QNg 90559 TS tiến vào gần đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) để lặn tìm hải sản thì bất ngờ có 2 tàu Trung Quốc tiến đến truy đuổi. Ông Đức cho tàu rời đi nhưng trước sự hung hăng của tàu Trung Quốc, chiếc tàu cá nhỏ bé của ông không thể chạy thoát và sau đó bị đâm chìm. May mắn, ông Đức và tất cả ngư dân trên tàu được tàu cá ngư dân Quảng Ngãi gần đó cứu. Vui mừng vì chồng được cứu sống nhưng chị Lệ khóc hết nước mắt, khi chiếc tàu cá có giá trị hơn 4 tỷ đồng là phương tiện nuôi sống cả gia đình bị đâm chìm. "Mất tàu, gia đình tôi rơi vào cảnh nợ nần, rồi không biết làm gì để kiếm sống", chị Lệ nói. Với thuyền trưởng Trương Văn Đức, người cả cuộc đời gắn bó với biển, chinh phục những con sóng dữ nên ông không biết làm việc gì khác khi lên bờ. Thế nên một thời gian sau, ông Đức quyết định vay tiền để đóng tàu mới với giá trị 3 tỷ đồng. "Gia đình tôi vay mượn khắp nơi, thế chấp hết tài sản để đóng lại con tàu mới này. Chồng tôi nói mấy chuyến biển gần đây bị tàu Trung Quốc xua đuổi liên tục nên lo lắm"- chị Lệ trầm tư.

Ở xã biển Bình Châu này hàng loạt ngư dân cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Trong cuốn sổ chép tay, ông Nguyễn Thanh Hùng-Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu ghi lại những vụ việc xảy ra với tàu cá: ngày 3-2-2016, tàu cá của anh Nguyễn Thanh Biên (thôn Châu Thuận Biển) khi đang đánh bắt ở quần đảo Trường Sa thì bị tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công, thiệt hại tài sản gần 50 triệu đồng. Trước đó, tàu của anh Nguyễn Văn Tẩn bị cướp phá ngư lưới cụ thiệt hại hơn 400 triệu đồng, tàu anh Nguyễn Văn Quang cũng bị tấn công thiệt hại hơn 600 triệu đồng... Những vụ việc như vậy cứ dài thêm trong cuốn sổ của ông Hùng. "Ở xã Bình Châu có hơn 400 tàu cá lớn nhỏ, trong đó có 160 chiếc tàu chuyên đánh bắt ở Hoàng Sa-Trường Sa. Theo thống kê, trung bình mỗi năm ngư dân xã Bình Châu bị tàu Trung Quốc cướp phá từ 30 đến 40 vụ, thiệt hại tài sản vô cùng lớn"-ông Hùng nói. Theo ngư dân xã Bình Châu, từ khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá phi lý trên biển Đông thì tàu cá của ngư dân liên tục bị xua đuổi và cướp phá, không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn là nỗi lo sợ nơm nớp mỗi khi dong thuyền ra khơi.

Hải Hậu- Hoàng Anh
(còn nữa)