Báo Công An Đà Nẵng

Tổ quốc trên những thân tàu (5)

Thứ tư, 03/08/2016 11:27

* Bài cuối: Phải giàu lên từ biển

(Cadn.com.vn) - Phát triển kinh tế biển, ngư dân giàu lên từ biển, đó là khát vọng của bất cứ quốc gia nào có biển. Ở nước ta, không ít ngư dân với khát vọng làm giàu từ biển đã thành công, nhưng phần lớn họ vẫn phải "đánh bạc" mỗi chuyến ra khơi. Làm thế nào để phát triển bền vững kinh tế biển là bài toán cần lời giải hơn lúc nào hết.

Ngư dân Lê Văn Sang luôn ấp ủ mong ước làm giàu từ biển nên đã đầu tư đóng tàu vỏ thép
có công suất lớn để đánh bắt ở Hoàng Sa - Trường Sa. Ảnh: H.A

Mấy tháng qua, ngư dân Lê Văn Sang, trú P.Thuận Phước, Q.Hải Châu (TP Đà Nẵng) tất bật lo đóng những chiếc tàu mới, trong đó có 2 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ thép trị giá 21 tỷ đồng, được đóng tại TPHCM. Sang cho biết, tàu vỏ thép tháng tới sẽ đưa về Đà Nẵng, còn hai tàu vỏ gỗ thì đang hoàn tất, cả ba tàu này đều có công suất lớn dùng đánh bắt xa bờ. Gia đình Sang có truyền thống đi biển, "máu" xông pha biển khơi cũng nhiễm vào Sang từ sớm, bởi vậy anh luôn nuôi khát vọng phải làm giàu từ biển. Vài năm trước, khi nghề biển khó khăn, rủi ro, nhiều ngư dân phải bán tàu, bỏ biển chuyển sang nghề khác thì Sang lại đầu tư lớn để đóng tàu công suất lớn vươn khơi. Sang cũng mạnh dạn nghĩ muốn giàu lên phải thay đổi cung cách làm ăn cũ. Thế là anh vay mượn tiền đóng tàu hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung. Trước đây ngư dân mới chỉ tính chuyện vay tiền đóng tàu đánh bắt cá, chưa ai dám vay tiền đóng tàu hậu cần, thế nên nhiều người thân cũng cản, nhưng Sang quả quyết sẽ thành công. Thực tế đã chứng minh, chỉ với đội tàu 5 chiếc khai thác của gia đình thì tàu hậu cần cũng đã hoạt động hết công suất. Tàu không chỉ tiếp nhiên liệu, lương thực mà còn thu gom cá đưa về bán, thay vì 5 tàu phải về, giờ chỉ 1 tàu đưa cá về, chi phí giảm hàng tỷ đồng mỗi tháng.

 "Trước đây tôi trả lại tàu cá vỏ thép không phải vì đánh bắt không được, mà vì thiết kế của tàu có nhiều lỗi, gây khó khăn khi ngư dân làm việc. Còn tàu mới bây giờ được thiết kế phù hợp. Ngư dân chúng tôi hay gặp nạn trên biển cũng bởi một phần phương tiện và kỹ thuật đánh bắt chưa hiện đại vì vậy tôi đóng những chiếc tàu đủ sức chống chọi với bão tố ở biển Đông. Dù thế nào tàu vỏ thép vươn khơi vẫn an toàn và giảm nhiều phí tổn hơn tàu gỗ. Với những tàu cá hiện đại và đánh bắt chuyên nghiệp thì cơ hội làm giàu từ biển rất lớn"-Sang tâm sự. Không chỉ Sang mà nhiều ngư dân miền Trung khi trò chuyện cũng thể hiện khát vọng làm giàu từ biển. Tuy nhiên, khát vọng ấy đang gặp không ít trở ngại bởi những rủi ro của thiên tai mà còn gặp phải sự phá hoại của các tàu cá nước ngoài. Ngư dân Bùi Văn Cam (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) nói: "Hiện nay việc đánh bắt của ngư dân chúng tôi ở Hoàng Sa gặp nhiều khó khăn, nhất là các tàu nước ngoài thường truy đuổi, đâm chìm. Sau mỗi lần như vậy, nhiều lao động bị khủng hoảng tâm lý, có người không chịu được áp lực phải bỏ nghề".

Thực tế trong điều kiện khai thác chưa hiện đại, độ an toàn chưa cao, lại ở môi trường rất rủi ro nên dẫn tới tình trạng thiếu lao động đi biển. Ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thực trạng thiếu lao động đi biển không chỉ diễn ra ở tỉnh Quảng Ngãi, mà còn trên nhiều địa phương ven biển khác. Từ đây, phải đặt ra vấn đề hiện đại hóa nghề cá, phải đóng tàu vỏ thép, đào tạo nguồn nhân lực nghề biển. Khi tàu lớn, hiện đại, độ rủi ro ít đi, ngư dân sẽ yên tâm hơn. "Tôi nghe việc ngư dân chê tàu vỏ thép không sánh bằng tàu vỏ gỗ, nhìn nhận như vậy là sai. Muốn giàu lên từ biển thì không thể dựa mãi vào những chiếc tàu nhỏ và nguồn lao động phổ thông được"-ông Sơn nói.

Muốn giàu lên từ biển, ngư dân không thể mãi dựa trên những chiếc thuyền nhỏ bé và đánh bắt ven bờ. Ảnh: H.A

Theo thống kê, thời gian qua trên địa bàn Quảng Ngãi có nhiều tàu công suất lớn được đóng mới để khai thác ngư trường xa bờ, trong đó có 6 tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Theo đó sẽ tăng dần số tàu cá công suất trên 400CV có khả năng khai thác xa bờ. Cũng theo ông Sơn, hiện tại Quảng Ngãi có gần 30.000 người trực tiếp khai thác trên biển, hàng nghìn gia đình sống dựa vào biển, vì thế phát triển kinh tế biển có ý nghĩa lớn đến đời sống người dân.

Tại Đà Nẵng, nơi Chính phủ chọn xây dựng là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn nhất cả nước, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tốc độ phát triển tàu cá công suất lớn để vươn khơi rất nhanh. Trong số hơn 400 tàu cá đánh bắt xa bờ có khoảng 300 tàu trên 400CV. Để phát triển bền vững nghề cá và giàu lên từ biển, bên cạnh việc hiện đại nghề khai thác thì dịch vụ hậu cần nghề cá cũng phải đầu tư phát triển tương xứng. Ông Tám nói, để xây dựng Đà Nẵng là trung tâm nghề cá của cả nước, thì phải lấy cảng cá làm trung tâm cơ sở. Hiện cảng cá Đà Nẵng không có mái che nên chỉ lấy hàng vào đêm, vì thế cần đầu tư mái che đảm bảo tàu vào lúc nào cũng có thể xuống hàng. Bên cạnh đó cần cơ giới hóa để giải phóng hàng hóa nhanh khi tàu vào. Đặc biệt, hệ thống xử lý nước thải phải đầu tư đảm bảo không gây ô nhiễm. Riêng với âu thuyền, nơi neo đậu, trú tránh bão mỗi khi tàu cập bến, Đà Nẵng đang thuê tư vấn nước ngoài để quy hoạch lại. "Âu thuyền diện tích 58ha thiết kế cho 443 tàu vào nhưng có lúc lên tới 1.200 tàu, dẫn tới quá tải, dẫn đến va đập, cháy nổ... nên sẽ phải quy hoạch lại hiện đại, tiện nghi hơn"- ông Tám nói.

Tất cả các quốc gia có biển đều xác định kinh tế biển là quan trọng. Nhưng để ngư dân giàu lên từ biển thì bên cạnh câu chuyện giữ ngư trường, hiện đại nghề cá phải giữ được môi trường sinh thái biển. Sau vụ Formosa đầu độc môi trường ven biển 4 tỉnh miền Trung, hàng ngàn ngư dân khai thác ven biển điêu đứng đã đành, nhiều tàu khai thác xa bờ cũng chịu "vạ lây" khi hải sản đánh bắt về không bán được. Ngư dân quyết tâm bám biển, Nhà nước cũng đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển. Tin rằng trong tương lai không xa ngư dân 28 tỉnh, thành phố có biển của nước ta sẽ làm chủ  những chiếc tàu cá hiện đại, hơn 1,3 triệu gia đình ngư dân sẽ có cuộc sống no đủ và sung túc.

Hải Hậu- Hoàng Anh