Báo Công An Đà Nẵng

Tô thắm sắc xanh nơi biên giới

Thứ sáu, 18/12/2020 18:35

Năm năm qua, thực hiện Chỉ thị số 49 của Ban Bí thư “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tích cực xây dựng đội ngũ làm công tác dân vận đủ về số lượng, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Các đảng viên Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai cùng chi bộ thôn, làng đến tận nhà tuyên truyền chính sách pháp luật cho người dân.

Hiện, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai có 48 đồng chí, khoảng 50% là người địa phương. Đội ngũ làm công tác dân vận này chủ yếu được phân công tăng cường về sinh hoạt Đảng tại các thôn, làng dân tộc thiểu số vùng biên giới, góp phần hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ tại đây.

Thiếu tá Trần Văn Hành, đảng viên Đồn Biên phòng Ia Nan tăng cường về sinh hoạt tại chi bộ làng Nú, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ (Gia Lai), cho biết: Năm 2016, được phân công về sinh hoạt tại làng Nú, anh đã phát huy tốt vai trò làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, huy động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Theo ông Nguyễn Sỹ Thủy, Bí thư Chi bộ làng Nú, qua việc tham mưu về công tác Đảng của đồng chí Hành, Chi bộ làng Nú đã có nhiều thay đổi tích cực. Điển hình như việc đảng viên sinh hoạt đều, nền nếp hơn trước, số lượng quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng cũng nhiều hơn những năm trước đây. Riêng năm 2019-2020 có 3 quần chúng ưu tú được xem xét kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

Ngoài việc tham gia cùng sinh hoạt, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng tại các chi bộ thôn, làng, công tác dân vận của Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai còn nhấn mạnh các hoạt động hỗ trợ người dân phát triển kinh tế qua việc truyền đạt, giúp đỡ bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, cho hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng một diện tích nuôi trồng.

Thượng úy Hoàng Văn Thủy, Đồn Biên phòng Ia Nan cho biết: Từ năm 2016, anh được phân công hỗ trợ phát triển kinh tế cho 5 hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại 3 làng của xã Ia Nan. Với trách nhiệm là cán bộ biên phòng, anh thường xuyên luân phiên xuống giúp những hộ này về kỹ thuật chăm sóc cây cà-phê, làm gốc, tỉa cành, thu hoạch áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên vườn cây cà-phê của các gia đình ngày một có năng suất. Đến nay, 5 hộ anh phụ trách đã có 1 hộ thoát nghèo, 3 hộ cận nghèo, anh phấn đấu đến hết năm 2020, 1 hộ còn lại cũng sẽ thoát nghèo để góp phần đạt các tiêu chí cùng làng, xã về đích nông thôn mới. Ngoài ra, anh cùng tổ công tác vận động quần chúng hỗ trợ, đóng góp hàng trăm ngày công giúp bà con xã Ia Nan hoàn thành các đường sá, nhà vệ sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng.

Bà Kpuih H'Phéo, 60 tuổi, ở làng Nú cho biết: Gia đình bà có 8 người, nhưng chủ yếu là người già và trẻ em, còn 3 lao động chính đi làm thuê nhưng không đủ chi phí nuôi gia đình. Nhà bà có 1 vườn cà-phê, trước đây do không biết cách chăm sóc nên cây ít quả, thối gốc. Từ năm 2016, được cán bộ biên phòng Hoàng Văn Thủy xuống giúp đỡ, hướng dẫn đào hố trữ nước và phân bón cho cây cà-phê, tỉa bớt cành nên cây đã phục hồi trở lại. Hai năm gần đây, vườn cà-phê đã cho thu hoạch gấp đôi, gấp ba lần so với trước đây nên gia đình bà đỡ khó khăn hơn. Ngoài việc hướng dẫn trồng cà-phê, cán bộ Thủy cùng với các cán bộ, chiến sĩ biên phòng khác còn xây dựng cho nhà bà một nhà vệ sinh, thăm hỏi gia đình bà khi ốm đau, bệnh tật... Bà coi cán bộ Thủy như con trong nhà, như ân nhân của gia đình.

Qua 5 năm (2016-2020), thực hiện nhiệm vụ về việc phân công phụ trách xã, tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, làng biên giới, các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tích cực tham mưu cho địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; đã phân công 7 cán bộ tăng cường cho xã (4/7 đồng chí giữ chức danh phó Bí thư Đảng ủy xã); phân công 49 đảng viên của 8 đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại 48 chi bộ thôn (làng) biên giới; phân công 216 đảng viên phụ trách 951 hộ/3.889 khẩu trên khu vực biên giới.

Hiện nay Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai có 1 đại biểu Quốc hội (khóa XIV), 1 đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, 7 đại biểu Hội đồng nhân dân các xã biên giới (nhiệm kỳ 2016 - 2021), đây là yếu tố thuận lợi để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cũng đã tham mưu cho cho địa phương phát triển được gần 200 đảng viên mới, góp phần xóa các thôn, làng “trắng” đảng viên; 69 cán bộ là người dân tộc thiểu số được phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ tại chỗ.

Thượng tá Rơ Mah Tuân, Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai, cho biết: Kế thừa mối quan hệ mật thiết quân-dân tại khu vực biên giới, thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”...

Gia Lai đang vào mùa thu hoạch nông sản, tại nhiều thôn, làng, ngoài lực lượng lao động chính của gia đình, còn có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đang cùng người dân gặt lúa, hái cà-phê, phụ giúp bà con thu hoạch vụ mùa... Sắc xanh nơi biên giới Tây Nguyên không chỉ có những nương lúa, rẫy cà-phê, rừng cao su bạt ngàn mà còn có sự tô thắm của màu áo những người lính biên phòng luôn đồng hành cùng người dân trong cuộc sống.

HỒNG ĐIỆP