Báo Công An Đà Nẵng

Tòa án Hiến pháp Thái Lan phế truất Thủ tướng Yingluck Shinawatra

Thứ năm, 08/05/2014 10:44

(Cadn.com.vn) - Thái Lan đang lao sâu hơn vào hỗn loạn chính trị khi Tòa án Hiến pháp truất quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra vì tội lạm dụng quyền lực.

Bà Yingluck trong vòng vây những người ủng hộ tại Bangkok hôm 7-5. Ảnh: AP

Sau hơn 6 tháng chống chọi kiên cường, nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử quốc gia Chùa Vàng cuối cùng phải ra đi theo phán quyết gây tranh cãi của Tòa án Hiến pháp hôm 7-5.

Theo tòa, Thủ tướng Yingluck vi phạm hiến pháp và lạm quyền trong vụ điều chuyển công tác một quan chức an ninh hồi năm 2011. Bà Yingluck bác bỏ những cáo buộc này khi xuất hiện tại tòa hôm 6-5, song vắng mặt trong ngày quyết định. Trong khi đối thủ của bà Yingluck nói rằng, quyết định thuyên chuyển mang mục đích củng cố quyền lực cho Peau Thai, các nhà phê bình gọi quyết định của tòa là lường gạt chính phủ. “Quyết định này phơi bày những lỗ hổng lớn trong hệ thống chính trị và tư pháp Thái Lan trong thập kỷ qua”, Thitinan Pongsudhirak, giáo sư tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói với Time.

Những người ủng hộ bà Yingluck cáo buộc Tòa án Hiến pháp thường thiên vị trong những cáo buộc chống lại chính phủ trung thành với ông Thaksin. Năm 2008, tòa buộc hai thủ tướng thân với ông Thaksin phải từ chức chỉ vì “một cái cớ mỏng manh”. “Tòa án này có truyền thống ra các quyết định vô lý”, Paul Chambers, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Hàn giao Đông Á tại Đại học Chiang Mai nói.

May thay, tòa vẫn cho phép đảng cầm quyền của bà Yingluck nắm quyền một chính phủ lâm thời. Nội các hiện đã bổ nhiệm Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Boonsongpaisan làm thủ tướng tạm quyền và đang xúc tiến tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 20-7 tới. Nhưng rõ ràng, phán quyết lần này của tòa án có thẩm quyền tối cao của Thái Lan chỉ càng làm gia tăng căng thẳng tại một quốc gia vốn bị chia rẽ sâu sắc.

Theo Reuters, nữ chính trị gia 46 tuổi cùng với hàng chục ngàn người ủng hộ thuộc phe Áo đỏ dự kiến sẽ phản đối quyết định sóng gió này. Áo đỏ sẽ tuần hành quy mô lớn vào ngày 10-5 tới, sự kiện tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bạo lực. Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng bùng phát bạo lực giữa các phe phái, Thủ lĩnh Áo đỏ Jatuporn Prompan cho biết: “Không có lý do gì để chúng tôi cầm vũ khí. Chúng tôi sẽ tập hợp hòa bình”.

Thái Lan bấp bênh trên bờ vực khủng hoảng trong gần nửa năm qua. Các cuộc biểu tình chống chính phủ đầu tiên nổ ra vào tháng 11-2013, bắt nguồn từ dự luật ân xá gây tranh cãi mà phe phản đối cho rằng, sẽ mở đường cho anh trai của bà Yingluck - cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra – trở về nước. Mặc dù chính phủ đã có bước nhượng bộ khi bỏ dự luật ân xá, bà Yingluck phải đối mặt với các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố với những lời buộc tội bà chỉ là con rối của anh trai.

Để giải quyết bế tắc, bà quyết định giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử vào ngày 2-2 song đảng Dân chủ đối lập tuyên bố tẩy chay bầu cử. Và mới đây, Tòa án Hiến pháp cũng quyết định không công nhận kết quả bầu cử này, trong đó đảng của bà Yingluck giành chiến thắng. Một cuộc bầu cử mới dự kiến diễn vào ngày 20-7 tới nhưng một lần nữa đảng Dân chủ lại đang đe dọa tẩy chay.

Những người biểu tình chống chính phủ thất bại trong mục tiêu hất cẳng Thủ tướng Yingluck trên đường phố nhưng thành công khi quay sang con đường pháp lý như thế này. Nhưng tất cả chưa dừng lại ở đây. “Tất nhiên, đây là điều đáng mừng, nhưng chúng tôi vẫn chưa hoàn thành mục tiêu là cải cách và trì hoãn tổng tuyển cử”, Thủ lĩnh phe biểu tình chống chính phủ - phe Áo vàng - Samdin Lertbutr nói đồng thời khẳng định sẽ biểu tình lớn vào ngày 14-5 tới.

Có thể thấy, mặc dù Thủ tướng Yingluck phải lùi bước, một Thủ tướng tạm quyền mới đã được bổ nhiệm, nhưng tất cả chỉ đang đánh dấu vòng xoáy mới nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị dai dẳng ở Thái Lan.

Khả Anh