Báo Công An Đà Nẵng

Tỏa sáng gương bộ đội cụ Hồ

Thứ ba, 11/11/2014 11:33

(Cadn.com.vn) - Mang trên người bao thương tích của các cuộc chiến tranh, dù đã ở độ tuổi về hưu vui vầy bên cháu con, chậu cảnh... cái chất lính trong người vẫn luôn thôi thúc họ xông ra nơi tuyến đầu, làm giàu chính đáng, giúp ích cho cộng đồng. Những câu chuyện ý nghĩa về những cựu chiến binh (CCB) gương mẫu ở Đà Nẵng cho chúng ta những bài học về cuộc sống.

Tiếp chúng tôi trong trang trại trồng nấm trên đường Yết Kiêu (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng), bà Vũ Thị Kim Liên (P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn) nói:  "Tôi giúp đồng đội hay người nghèo có gì to tát đâu, đó là chuyện nên làm". Bà Liên xem việc giúp đỡ người khác là chuyện bình thường, nhưng với phụ nữ nghèo ở Đà Nẵng hay các địa phương khác, hành động đó đã làm thay đổi bao nhiêu cuộc đời. Là nữ CCB, giống như bao đồng đội khác khi trở về cuộc sống đời thường, bà Liên gặp nhiều khó khăn, khi phải một mình lo cho 4 đứa con ăn học. Cuộc sống khốn khó nên gặp chuyện gì bà cũng làm, chắt chiu từng đồng để lo cho gia đình.

"Lúc đó tôi nghĩ mình không thể mãi khó khăn như vậy được, nên khi được học lớp trồng nấm. Tôi vay tiền ngân hàng, quyết tâm thoát nghèo. Sau vài lần thất bại thì tôi dần rút ra được kinh nghiệm, bây giờ thì trang trại nấm của tôi có lợi nhuận rồi. Trừ chi phí thì hàng năm tôi thu được gần 150 triệu đồng", bà Liên kể. Và điều khiến sự vươn lên làm giàu của bà Liên càng thêm ý nghĩa là bà đã chia sẻ điều đó với mọi người, chứ không giữ cho riêng mình. Hàng tháng, bà mở lớp truyền nghề cho 8 đến 10 phụ nữ nghèo ở Đà Nẵng, các tỉnh Tây Nguyên và cả miền Nam. Mọi chi phí ăn ở, học tập đều được bà Liên miễn phí. Trong 5 năm qua, bà Liên đã dành khoảng 300 triệu đồng để đào tạo nghề cho phụ nữ nghèo, tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên với lương bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.

Mỗi năm bà tặng 20 suất học bổng, mỗi suất gần 800 nghìn đồng cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở Đà Nẵng và Quảng Nam; tặng xe đạp, quần áo, dụng cụ gia đình cho phụ nữ nghèo. Tâm sự về những việc làm ý nghĩa của mình, bà Liên nói: "Ngoài những việc trên thì tôi còn đi tìm hài cốt đồng đội. Đến nay tôi đã tìm được 8 mộ liệt sĩ đưa về nghĩa trang an táng. Những người tôi giúp đều là phụ nữ nghèo và con em của đồng đội và chỉ mong mọi người có cuộc sống tốt hơn".

Bà Liên bên những sản phẩm nấm mà mình làm ra.

Nghĩ về đồng đội chính là điều đầu tiên mà những CCB nghĩ đến khi cuộc sống có vài cơ hội thuận lợi. Giống như chia sẻ miếng cơm, hạt muối, đỡ hòn tên mũi đạn nơi chiến trường, việc giúp đỡ nhau, giúp đỡ con em đồng đội phát triển kinh tế, thoát nghèo, học tập tiến bộ... là việc thường ngày mà mỗi CCB luôn canh cánh bên lòng. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Hội CCB H. Hòa Vang cho hay, đến nay hơn 100% hội viên CCB trên địa bàn huyện đã thoát nghèo. Thời gian qua, Hội đã tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng cây, vật nuôi, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn và thành lập 45 tổ tiết kiệm quay vòng vốn. Với hình thức này, Hội đã cho hơn 2.000 hội viên vay trên 27 tỷ đồng để phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất.

Trong những năm qua Hội đã thành lập, củng cố và phát triển 31 tổ hợp tác và hợp tác xã kinh doanh tổng hợp, 5 trang trại trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên và có rất nhiều hộ đã làm ăn phát đạt, trở thành những điển hình tiên tiến. "Chúng tôi có nhiều cách để giúp nhau thoát nghèo như Hội CCB mỗi xã cùng quyên góp và giúp 1 hội viên nghèo trồng vườn chuối, mua một con bò để giúp hội viên nghèo. Những việc làm như thế đã giúp cho các hội viên từng bước thoát nghèo. Không chỉ vậy, trong những năm qua có gần 1.200 hội viên tự nguyện hiến hơn 7.300 m2 đất, tháo dỡ hơn 1.000 tường rào cổng ngõ, đóng góp hơn 700 triệu đồng để làm công trình dân sinh. Điển hình như hội viên Nguyễn Văn Châu (Hòa Phong) hiến 325m2 đất, đóng góp hơn 500 triệu đồng đẻ xóa nhà tạm cho người nghèo; hội viên Nguyễn Lương Phụ (xã Hòa Phú) hiến hơn 450 m2 đất để làm đường giao thông. CCB là thế, họ luôn hết lòng với đồng đội và quê hương", ông Hưng nhận xét.

Hội CCB TP Đà Nẵng trao học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Còn nhiều, rất nhiều CCB khác ở Đà Nẵng đã phát huy tinh thần "gương mẫu" để góp phần phát triển quê hương. Ông Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội CCB TP Đà Nẵng cho biết, trong 5 năm qua Hội đã xóa được gần 1.000 hộ nghèo, xóa 446 nhà tạm và xây dựng 34 nhà tình nghĩa cho hội viên CCB; giáo dục, cảm hóa 392 thiếu niên vi phạm pháp luật và chưa ngoan và đã có 328 cháu tiến bộ, hòa nhập cộng đồng; vận động 412 em học sinh bỏ học trở lại trường và liên hệ cho 150 cháu gia đình khó khăn được học nghề.

"Trong 5 năm qua, hội viên Hội CCB thành phố đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Và phong trào CCB gương mẫu đã có sức lan tỏa, nhiều mô hình mới được CCB vận dụng đã mang lại hiệu quả tốt như "tiếng kẻng bình yên" phòng chống tội phạm hay mô hình 2 CCB nhận cảm hóa 1 thiếu niên chưa ngoan hay bỏ học... Những việc làm như thế đã thể hiện nổi bật vai trò của người CCB trong cuộc sống hôm nay", ông Hùng nhấn mạnh.

Hoàng Anh