Báo Công An Đà Nẵng

Toàn bộ đội bóng U-16 Thái Lan được giải cứu khỏi hang Tham Luang

Thứ tư, 11/07/2018 08:25

Cuối cùng, điều kỳ diệu đã đến sau hơn 2 tuần triển khai chiến dịch giải cứu khổng lồ: các thợ lặn đã đưa được 12 cầu thủ nhí cùng huấn luyện viên ra khỏi hang Tham Luang vào cuối ngày 10-7.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha thăm hỏi gia đình của các cậu bé được cứu tại bệnh viện Chiang Rai. Ảnh: CNN 

Đợt giải cứu cuối cùng trong ngày 10-7, để đưa 5 thành viên cuối cùng của đội bóng thiếu niên Wild Boars mắc kẹt trong hang Tham Luang ra ngoài đã kết thúc thành công. “Tất cả 12 cậu bé đội bóng nhí và huấn luyện viên đều đã được giải cứu”, Đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan ra tuyên bố xác nhận. Tuyên bố này đánh dấu thành công một nhiệm vụ giải cứu đã làm say đắm cả thế giới.

Những lời chúc mừng từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về Thái Lan. Thủ tướng Iceland Katrin Jakobsdottir trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên chúc mừng nhiệm vụ giải cứu thành công này. Ngay trong ngày 10-7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã gửi điện chia sẻ niềm vui và chúc mừng Thái Lan đã thực hiện thành công ngoài mong đợi chiến dịch giải cứu đội bóng nhí Thái Lan mắc kẹt trong hang. Phó Thủ tướng mong các thành viên đội bóng mau chóng hồi phục sức khỏe, đoàn tụ cùng gia đình và người thân yêu.

Nhiệm vụ đã hoàn thành xuất sắc

Các thợ lặn đặc nhiệm SEAL Thái Lan và các thợ lặn nước ngoài ưu tú cuối cùng đã đưa 4 cậu bé cùng với huấn luyện viên 25 tuổi ra khỏi hang Tham Luang vào chiều 10-7 thông qua một lối thoát nguy hiểm buộc họ phải chui qua những đường hầm đầy nước và hẹp.

“Tất cả 12 thành viên đội bóng nhí Wild Boars và huấn luyện viên đã ra khỏi hang an toàn”, Đội đặc nhiệm SEAL cho biết trong một bài đăng trên facebook. “Chúng tôi không chắc đây là phép mầu hay khoa học hay bất cứ thứ gì nữa”, tài khoản facebook của đặc nhiệm SEAL Thái Lan viết tiếp. Huấn luyện viên 25 tuổi Ekaphol Chantawong là người được cứu cuối cùng. Trước đó, theo Bangkok Post ngày 9-7, Chantawong được đưa ra khỏi hang trong lần giải cứu đầu tiên ngày 8-7. Báo này đưa tin anh bị kiệt sức do nhường thức ăn cho các cầu thủ nhí trong 10 ngày chờ đội cứu hộ tìm kiếm. Tuy nhiên, thông tin đó không được kiểm chứng.

Trước đó, 19 thợ lặn bắt đầu vào vào hang lúc 10 giờ (giờ địa phương) để đưa 5 thành viên của đội bóng Wild Boars, cũng như 4 chuyên gia đã ở bên họ kể từ khi họ được tìm thấy vào đầu tuần trước ra ngoài. May mắn là, dù mưa lớn suốt đêm nhưng điều kiện trong hang động không thay đổi gì nhiều.

Giới chức bệnh viện Chiang Rai họp bàn về tình hình sức khỏe của các thành viên đội bóng được cứu.

Hơn 2 tuần tìm kiếm và giải cứu

Đội bóng Wild Boars bị mắc kẹt trong một hang chật chội nằm sâu vài ki-lô-mét bên trong hang động Tham Luang kể từ ngày 23-6, khi họ đi sâu vào trong để thám hiểm và bị nước dâng cao chặn lối ra. Họ trải qua 9 ngày khốn khổ bị mắc kẹt trong bóng tối cho đến khi 2 thợ lặn người Anh tìm thấy họ. Nhưng sự vui mừng ban đầu dần tiêu tan khi chính quyền đấu tranh để lên kế hoạch đưa các cậu bé và huấn luyện viên ra ngoài qua các lối đi xoắn, hẹp và đá lởm chởm, một số nơi hoàn toàn bị ngập. Có những thời điểm, mọi phương án giải cứu đều được xem là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Cuối cùng, sau 15 ngày kể từ khi bị mắc kẹt trong hang Tham Luang, các thành viên đội bóng U-16 Wild Boars bắt đầu được lực lượng cứu hộ đưa dần ra ngoài bắt đầu vào ngày 8-7. Lúc đó, tại một buổi họp báo, Tỉnh trưởng Chiangrai Narongsak Osottanakorn cho biết, chính quyền quyết định phải hành động ngay lập tức sau một trận mưa lớn vào tối 7-7 với dự báo thời tiết sẽ xấu hơn trong những ngày tới. “Nếu không sẵn sàng trong ngày hôm nay, chúng ta sẽ mất cơ hội”, ông Osottanakorn nói.

Hai ngày đầu tiên đã thành công. Và mọi con mắt đổ dồn vào ngày cuối cùng này. Các thợ lặn thực hiện hoạt động giải cứu trong điều kiện nguy hiểm, phải di chuyển nhanh đi qua những đoạn rất hẹp. “Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất mà chúng tôi từng làm. Nước càng thấp, dòng chảy càng mạnh. Hiện tại nó mạnh hơn. Mỗi bước di chuyển đều rất nguy hiểm”, Narongsuk Keasub, một thợ lặn cho biết. Narongsuk là thành viên của nhóm thợ lặn cho nhiệm vụ vận chuyển các bình chứa oxy vào hang cho đội SEAL. “Chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy bàn tay của mình ở một khoảng cách ngắn. Thứ hai, những viên đá sắc nhọn nên vô cùng nguy hiểm cho việc lặn, và thứ ba là đường đi rất hẹp”, anh nói.

Narongsuk cho biết, số phận của các cậu bé buộc họ phải cố gắng, và rằng họ không thể không nghĩ về con cái của họ. “Tôi là một người cha và chúng tôi cảm thấy như thể những đứa con của chúng tôi đang ở trong hang động. Mọi người luôn lo lắng, chúng sẽ ra ngoài chứ? Chúng có ốm không? Chúng tôi cầu nguyện”, Narongsuk nói.

Đội cứu hộ đã nỗ lực hết mình để toàn bộ 13 thành viên bị mắc kẹt ra khỏi hang. Ảnh: CNN 

Vấn đề sức khỏe và tâm lý

Sau khi đã được ra ngoài hang, mối quan tâm hiện nay tập trung vào sức khỏe và tinh thần của các cậu bé cũng như huấn luyện viên. Các chuyên gia cảnh báo rằng, việc uống nước bị ô nhiễm hoặc nếu tiếp xúc với phân chim hoặc dơi trong hang có thể dẫn đến nhiễm trùng nguy hiểm. Họ cũng nói rằng, việc tư vấn cho các thành viên đội bóng là cần thiết để đối phó với chấn thương tâm lý.

Trước đó, hôm 9-7, thay vì đến thăm khu vực giải cứu, Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã chọn cách đến thăm hỏi gia đình của các cậu bé được cứu tại bệnh viện Chiang Rai. Hiện, theo các nguồn tin, 8 cậu bé được giải cứu khỏi hang Tham Luang trong hai đợt đầu tiên đang được điều trị trong khu cách ly tại một bệnh viện ở Chiang Rai. Các quan chức y tế cho biết, các em hiện đang khỏe mạnh, không sốt, tinh thần ổn định, có thể trò chuyện. 4 thành viên được cứu trong đợt đầu “đã có thể đứng và đi lại quanh giường, và bắt đầu ăn nhẹ”.

4 em này được nhìn thấy người thân, nhưng không được tiếp xúc trực tiếp mà chỉ qua cửa kính. Việc tiếp xúc là không thể do lo sợ các em sẽ bị lây nhiễm. Bệnh viện đã gửi mẫu xét nghiệm của các cậu bé đến phòng thí nghiệm ở Bangkok Bệnh viện Chiang Rai đã thiết lập một đường dây điện thoại nóng để các em có thể nói chuyện trực tiếp với người thân. Các em vẫn đang được theo dõi sức khỏe, phải đeo kính râm, và chưa được phép sử dụng ti-vi. Các em sẽ cần được giám sát y tế trong vòng một tuần trước khi được xuất viện. 

Trong khi đó, đối với vị huấn luyện viên 25 tuổi Ekaphol Chanthawong (biệt danh Ek) của đội bóng, vấn đề đặt ra cho anh là việc phải đối mặt với những chỉ trích vì đã đưa đội bóng vào sâu trong hang. Đã có nhiều lo sợ anh sẽ bị trầm cảm khi được cứu. Tuy nhiên, đa số đều cho biết, họ không đổ lỗi cho anh. Theo lời của các bác sĩ, huấn luyện viên nằm trong nhóm những người có sức khỏe yếu nhất vì đã nhường phần lớn thức ăn của mình cho các em nhỏ. Anh cũng chính là người đã dạy các em ngồi thiền để có thể sống sót qua 9 ngày ở trong hang.

Vì vậy, trong khi một vài tờ báo chỉ trích vị huấn luyện viên, với gia đình của các em nhỏ, họ không hề trách anh. Bản thân Ek đã viết thư và xin lỗi các gia đình.

Thái Lan phải làm gì để ngăn thảm họa tương tự?

Giới chức Thái Lan đã thành công trong chiến dịch giải cứu đầy nguy hiểm này. Họ được khen ngợi, được chúc mừng. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn một câu hỏi lớn đặt ra là Thái Lan phải làm gì để ngăn chặn vụ việc tương tự trong tương lai.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha khẳng định sau khi hoạt động giải cứu kết thúc, hang Tham Luang sẽ bị đóng cửa trong một thời gian cho đến khi “mọi thứ đi vào trật tự”. Và theo ông, trong tương lai, chính quyền sẽ có “biện pháp mạnh” cho chính sách du lịch khu vực này. “Trong tương lai, chúng ta phải theo dõi lối vào và ra của hang Tham Luang. Nó đã nổi tiếng toàn thế giới. Chúng ta phải lắp đặt thêm nhiều đèn bên trong hang động và dựng nhiều biển báo”, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tuyên bố.

TRÚC LINH - AN BÌNH