“Tội ác của kẻ giết người”
(Cadn.com.vn) - Hành động bỏ chạy hèn hạ của vị thuyền trưởng chiếc phà Sewol bị chìm là nỗi đau của những thân nhân nạn nhân mất tích khi đó chính là “tội ác của kẻ giết người”.
Chính Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 21-4 cáo buộc thuyền trưởng và một số thành viên thủy thủ đoàn trên chiếc phà Sewol bị chìm có “hành vi giết người không thể tha thứ”.
Nhiều thân nhân “cắm trại” tại cảng Jindo, nhìn về nơi đội cứu nạn đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Ảnh: Reuters |
Thuyền trưởng Lee Joon-seok, 69 tuổi, ra lệnh cho các hành khách – đa số là các học sinh trung học - ở yên trong phòng khi tai nạn xảy ra. Tất cả chờ đợi hơn nửa giờ sau mới có lệnh sơ tán khi phà chìm dần. Tuy nhiên, lúc đó phà đã quá nghiêng và nước tràn vào các khoang nên phần lớn hành khách bị mắc kẹt bên trong. Tại cuộc họp nội các lần này, bà Park cho biết, mặc dù thuyền trưởng và thủy thủ đoàn đã nói với các hành khách ở yên nhưng bản thân họ là những người đầu tiên trốn thoát. “Về mặt pháp lý và đạo đức, đây là hành động không thể tưởng tượng và dung thứ, tương đương với tội giết người”, bà chủ Nhà Xanh nói.
Người ta còn nhớ, trong đoạn băng quảng bá 4 năm trước, thuyền trưởng Lee nói rằng, cuộc hành trình từ thành phố cảng Incheon đến đảo Jeju là an toàn - miễn là hành khách nghe theo các hướng dẫn của thủy thủ đoàn. Nhưng trớ trêu thay, hướng dẫn của thủy thủ đoàn khi phà Sewol bị chìm lần này lại khiến các hành khách thiệt mạng oan uổng. Một thực tế rõ ràng là, hầu hết những người may mắn sống sót đều là “không nghe thấy” hoặc “coi thường các hướng dẫn” của thuyền trưởng Lee.
Nhưng khi ra hầu tòa án ở Mokpo hôm 19-4, ông Lee biện hộ cho quyết định “không di tản” của mình. “Vào thời điểm đó, sóng rất mạnh, nước biển lạnh giá”, ông Lee nói với các phóng viên, mô tả nỗi sợ hãi rằng, hành khách, ngay cả khi được mặc áo phao, có thể trôi đi và đối mặt với nhiều khó khăn khác. Ông ta nói thêm rằng, lúc đó thuyền cứu hộ vẫn chưa đến và không có tàu dân sự nào gần đó. Thuyền trưởng và 2 thuyền viên bị bắt ngay sau vụ tai nạn vì tội sơ suất và bỏ rơi hành khách lúc khẩn thiết. Các công tố viên Hàn Quốc ngày 21-4 tiếp tục bắt thêm 4 thuyền viên khác với cáo buộc không bảo vệ được hành khách.
Thật sự không thể tưởng tượng nổi khi hàng trăm học sinh và những người “ngoại đạo” phải một mình chống chọi với hung thần biển trong lúc những con người từng lớn giọng khẳng định “sẽ đảm bảo an toàn cho hành khách” lại trốn chạy. Niềm tin của người dân đối với những con người có trách nhiệm với dân, với nước đang giảm dần. Tính đến nay, 6 ngày trôi qua, 64 người được xác định đã chết trong khi 238 người khác vẫn mất tích. Cơ hội sống sót cho những người mất tích chỉ còn là số không. Giờ đây, những thân nhân chỉ có ước muốn duy nhất là tìm thấy được thi thể lành lặn.
Hiện đội thợ lặn vẫn ngày đêm nỗ lực xâm nhập sâu vào chiếc phà ngập nước, với lối vào mới thông qua phòng ăn thứ hai. Đội thợ lặn gặp rất nhiều khó khăn do dòng chảy mạnh, thời tiết xấu và tầm nhìn thấp. Nhưng rồi, cuối cùng họ chỉ phát hiện những xác chết. Vẫn chưa có phép mầu. Điều này có nghĩa là tại Jindo, một hòn đảo gần nơi phà bị chìm, thân nhân của người mất tích phải nhìn vào những chi tiết thưa thớt như giới tính, chiều cao, chiều dài tóc và quần áo để xác định nhân thân.
“Tôi rất sợ nhìn vào tấm bảng trắng, nơi ghi tên những người thiệt mạng”, Lim Sơn-mi, 50 tuổi, người có con gái 16 tuổi, Park Hye-son hiện vẫn mất tích, cho biết. “Vì tất cả các thông tin là khá giống nhau, bất cứ khi nào nhìn vào đó, tôi đều không thể thở nổi”. Tại một phòng tập thể dục gần bến cảng ở Jindo, những người thân đau đớn xếp hàng cung cấp mẫu ADN cho các cơ quan chức năng để họ dễ dàng xác định nhân thân các nạn nhân.
“Không chỉ tôi, mà trái tim của mọi người dân Hàn Quốc đều đau nhói, đầy choáng váng và phẫn nộ”, bà Park bày tỏ khi gặp gỡ các thân nhân những hành khách vẫn đang mất tích.
Khả Anh