"Tôi nhớ vợ tôi lắm"...
(Cadn.com.vn) - Thơ về bất cứ đề tài gì cũng vậy, phải có xúc cảm mạnh tạo ra khoảng trống lớn và sự đột biến về tình cảm mới có thơ hay. Nhiều nhà thơ làm thơ tình hay vì họ dám "chết vì yêu". Thơ tặng vợ cũng là thơ tình, nhưng nó không chỉ là nụ hôn, vì nhớ nhung, hờn giận... mà cao hơn, đó là tình nghĩa, trách nhiệm, bổn phận với tương lai gia đình mà người đàn ông nào cũng phải gánh vác. Vì thế nhiều nhà thơ cả đời không làm nổi bài thơ tặng vợ, không phải vì không yêu vợ, mà vì cuộc sống diễn ra thường nhật không có những cảm xúc đột biến.
Tuyển tập "Thơ trữ tình Việt Nam thế kỷ XX" dày 983 trang của NXB Giáo dục (2004) với gần 600 bài thơ của gần 500 nhà thơ, mà chưa có đến chục bài thơ trực tiếp viết tặng vợ được tuyển. Tuyển Thơ Việt Nam 1945- 2000 (NXB Lao động- 2001) dày 1.700 trang, chọn gần 780 tác giả thơ với hơn 800 bài thơ trữ tình, mà chỉ có 4-5 bài thơ tặng vợ. Hẳn nhiên là tất cả các bài đều "đáng đồng tiền bát gạo". Thế mới biết làm thơ tặng vợ là một thách thức đối với các nhà thơ.
Tình mẹ luôn là động lực để các con trưởng thành. Ảnh: VTC |
Tuy nhiên, tôi biết thơ tặng vợ của các nhà thơ Việt trong thế kỷ XX còn nhiều hơn thế. Có người ở Hà Nội đã sưu tầm tuyển in thành tập "Thơ tình tặng vợ" dày với lời bình công phu để... bán. Chỉ riêng nhà thơ Nguyễn Duy đã có hẳn một tập thơ tặng vợ có tựa đề rất mùi "Vợ ơi". Điều may mắn là thơ tặng vợ trong văn chương Việt Nam tuy ít hơn tặng "người yêu", nhưng toàn là bài rất hay. Hình ảnh người vợ tảo tần, chịu khó chịu thương trong bài thơ "Thương vợ" của Trần Tế Xương đã khảm vào lòng người Việt Nam suốt thế kỷ qua. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi chỉ xa vợ 10 ngày đã "Anh vào ra tha thủi một mình", rồi " Ngày nắng đem chăn chiếu ra phơi / Tuần đôi bận lau nhà thay vỏ gối / Thay việc em làm mà không thay nổi / Cái tảo tần rất mẹ ở trong em.. ( Ngày xa em).
Nhà thơ Lâm Xuân Vy dân tộc Cao Lan ở Ninh Bình có hàng chục bài thơ tặng vợ, bài nào cũng da diết, thâm trầm: Ước gì nồi nước lá xông / Có thương yêu giải chất chồng nắng mưa (Em ốm). Bài thơ Màu tím hoa sim lừng danh của nhà thơ Hữu Loan sáng tác trong kháng chiến chống Pháp khóc người vợ trẻ của mình ở quê nhà. Hình ảnh màu tím hoa sim trở thành biểu tượng đau đớn của tình yêu trong chiến tranh khắc vào trí nhớ bao thế hệ người đọc. Nhà thơ Thanh Tùng ở Hải Phòng có bài thời Thời hoa đỏ được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc nổi tiếng.
Trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Cầm Vĩnh Ui dân tộc Thái có bài thơ Nhớ vợ rất chân thật, theo kiểu người dân tộc, nhưng cách diễn đạt lại độc đáo, hiện đại : Tôi nhớ vợ tôi lắm / Cho tôi về hai ngày... Ngày kia tôi sẽ đến / Lại cầm súng được ngay / Tôi càng bắn trúng Tây / Vì tay có hơi vợ ... Cái "Tay có hơi vợ" ấy làm cho bài thơ sống mãi trong lòng người đọc. Còn đoạn thơ kết ngộ nghĩnh, thú vị " Nếu có được trên tặng / Cho một cái bằng khen/Tôi sẽ rọc đôi liền / Gửi cho vợ một nửa" lại nói được một điều thăm thẳm hơn: Của chồng công vợ!
Trong kháng chiến chống Mỹ, "Bài thơ hạnh phúc" của nhà thơ Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) tặng vợ là nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh tại mặt trận Quảng Nam là một bài thơ bi tráng, sống mãi với thời gian: Thôi em nằm lại / Với đất lành Duy Xuyên / Trên mộ em có mùa xuân ở mãi / Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên... Không có tình cảm lớn, tình yêu lớn không thể viết được những câu thơ tình se thắt lòng người như thế. Bài thơ Tôi ra cửa biển của Hải Kỳ ở Đồng Hới viết tặng vợ được tuyển vào rất nhiều tuyển tập thơ tình. Vợ đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền nuôi con.
Nhà thơ mấy năm liền "gà trống nuôi con" vừa đi dạy học, vừa nấu ăn, giặt giũ quần áo, chăm sóc hai con trai nhỏ ăn uống, học hành. Công việc bận bịu vất vả hàng ngày không thể nào lấp được khoảng trống vắng mà vợ để lại trong lòng anh: Em đi góc biển chân trời / Tôi về nhặt lại những lời bỏ quên / Mùa đông rụng lá ưu phiền / Sang xuân có bớt nỗi niềm nhớ mong/Biết là nhớ cũng bằng không/Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm...
Nhà báo Thuận Hữu rất ít làm thơ, nhưng anh lại nói về "Những phút xao lòng" của cả chồng lẫn vợ trước hình bóng người thứ ba một cách thuyết phục. Bài thơ đã nói hộ nhiều người cái khó nói nhất, làm cho vợ chồng hiểu nhau hơn, bao dung hơn trong cuộc sống. Tôi nghĩ hình như nhà thơ dành nhiều hơn sự lý giải thông minh, chân tình này cho những người chồng trên thế gian. Bởi lẽ so với đàn bà, đàn ông đa mang hơn: Ai cũng có một thời để yêu một thời để nhớ/Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ/Đừng trách chi những phút xao lòng! Trong những tháng ngày gian nan của đời mình, nhà thơ Phùng Quán đã viết tặng người vợ thủy chung son sắt của mình một bài thơ mà anh đặt tên là "Kinh cầu nguyện buổi sáng".
Sinh thời, cứ mỗi buổi sáng trên "Chòi ngắm sóng", anh thức dậy, uống chén rượu, rít hơi thuốc lào xong là anh ngồi nghiêm trang đọc thật to bài thơ cho chị Bội Trâm, vợ anh nghe như người sùng đạo đọc kinh buổi sáng:... Ngày lấy em tôi đã có lời nguyền / Nếu tôi bỏ em lại bơ vơ dọc đường / Tôi sẽ bị trời tru đất diệt!Em là cây thập tự của đời tôi/Tôi phải mang vác cho đến ngày chung cuộc...
Kết thúc bài viết, tác giả xin mạo muội khoe với bạn đọc bài thơ lục bát "Hoa Hậu", làm cách đây gần 20 năm tặng vợ, được vào nhiều tập thơ tuyển: Trưa nay hoa hậu muộn về / Bố con thi sĩ cơm khê lửa cười / Vô tư là giống trên đời / Biết đâu rau đậu bời bời giá lên / Đồng tiền như ả vô duyên / Đầu hôm hăm mốt qua đêm còn mười/ Lội quanh chợ cá chiều rồi / Thứ ngon thì đắt thứ ôi thì buồn / Em cười cho bữa cơm ngon / Trung thu chiếc bánh cho con nhớ mùa / Chiều chồng chén rượu đĩa dưa / Còn bầu còn bạn đời chưa cạn tình / Em thi hoa hậu một mình / Âm thầm vương miện lặng im thơ đề!
Vâng, vợ là hoa hậu không phải thi một lần mà thi suốt đời. Thi khắt khe trước chồng con, trước hàng xóm, bạn bè, trước bà con dòng họ...
Ngô Minh