Báo Công An Đà Nẵng

Tội phạm giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến chết người chưa giảm

Thứ ba, 10/11/2015 09:27

(Cadn.com.vn) - Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắc Nông xảy ra 22 vụ án giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người do nguyên nhân xã hội. Các vụ án mạng xảy ra chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn thù tức trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày ở cộng đồng dân cư, hay sự va chạm giữa các nhóm thanh, thiếu niên. Các vụ án đều diễn ra nhanh, bất ngờ nên rất khó khăn trong việc phòng ngừa và ngăn chặn. Đặc biệt, trong 2 ngày đầu tháng 10-2015, địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra 3 vụ án giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người. Trong 3 vụ án này hầu hết xảy ra trong tình trạng đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có dùng rượu, bia và có mâu thuẫn bộc phát, phát sinh trong sinh hoạt cuộc sống hằng ngày, gây ra dư luận xấu trong xã hội.

Lực lượng CA tuyên truyền, vận động người dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.

Mới đây, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Đắc Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Phạm Thanh Dũng (1981, trú H. Xuyên Mộc, Bà Rịa- Vũng Tàu) để điều tra về hành vi giết người. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong lúc uống rượu vào tối 25-10 tại xã Quảng Tâm (H. Tuy Đức, Đắc Nông), đối tượng Dũng đã dùng dao sát hại anh Phạm Xuân Tuấn (1979, trú xã Đắc R'tit, H. Tuy Đức) khiến nạn nhân chết tại chỗ.

Theo Thượng tá Bùi Văn Khẩu, Phó trưởng Phòng CSĐTTP về TTXH CA tỉnh Đắc Nông, trong số 22 vụ án thì có tới 40% số vụ phát sinh do nguyên nhân tức thời có liên quan đến rượu bia; 60% phát sinh từ những mâu thuẫn từ trước nhưng không được giải quyết ngay từ đầu. Có thể thấy, các vụ án xuất phát từ nhiều nguyên nhân không mới như những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và trong từng gia đình không được phát hiện, giải quyết kịp thời, nhận thức pháp luật của các đối tượng gây án thấp, trong khi đó các tổ chức đoàn thể, chính quyền dưới cơ sở chưa giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn ngay nội bộ nhân dân. Do đó, các cấp chính quyền và các ban ngành, đoàn thể ở cơ sở phải tích cực tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với nhau để có biện pháp cụ thể nhằm ngăn ngừa, loại bỏ những nguyên nhân đó, tiến tới giảm thiểu các vụ phạm pháp, bảo đảm ANTT tại địa phương.

Cũng theo Thượng tá Bùi Văn Khẩu, đây là loại tội phạm do nguyên nhân xã hội vì vậy công tác phòng ngừa xã hội là hết sức quan trọng, huy động sức mạnh của các cấp, các ngành, các đoàn thể ở cơ sở trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật và vận động người dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm. Để hạn chế và ngăn chặn các vụ án giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người do nguyên nhân xã hội, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng CA, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ chính quyền và các đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cách ứng xử văn hóa. Phát hiện, giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, tranh chấp trong từng gia đình, thôn xóm; không để các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập thành ổ, nhóm, ngăn chặn kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật.

Hồng Long