“Tôi rất hạnh phúc trong chuyến thăm Việt Nam, đến Đà Nẵng lần này”
Sự kiện được tổ chức bởi sự phối hợp của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Đà Nẵng, Hội hữu nghị Việt Nam - Pháp thành phố, Viện Pháp tại Đà Nẵng, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng và các đơn vị liên quan. Đây cũng là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện do Viện Pháp tại Hà Nội phối hợp Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng.
Tại buổi giao lưu, nhà văn Bernard Werber đã chia sẻ về quá trình sáng tác, những ý tưởng độc đáo trong tác phẩm của mình, trong đó có việc viết về thế giới kiến, giới thiệu về tiểu thuyết mới nhất - Chiếc hộp Pandora (đã được phát hành bản tiếng Việt).
Nhà văn Bernard Werber sinh năm 1961 tại Toulouse, Pháp, hoạt động viết văn từ những năm 1990. Bernard Werber đã sở hữu 15 triệu bản sách bán ra trên toàn thế giới. Ông là một trong những nhà văn Pháp đương đại nổi tiếng nhất hiện nay không chỉ tại Pháp mà còn trên toàn thế giới. Ông đặc biệt nổi tiếng với bộ ba tiểu thuyết về Kiến, gồm: Kiến, Ngày của Kiến và Cách mạng Kiến, được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và nhận giải thưởng của độc giả tờ Khoa học và Tương lai (Sciences et Avenir).
Chia sẻ với độc giả Đà Nẵng về bộ ba tiểu thuyết này, nhà văn Bernard Werber cho hay, năm 20 tuổi ông đã có một trải nghiệm suýt mất mạng vì bị loài kiến safari tấn công. Từ trải nghiệm đầy “thú vị và bất ổn” này, ông quyết định đưa hình ảnh kiến vào tác phẩm của mình. Và điều thú vị đầy bất ngờ, cuốn tiểu thuyết đầu tay “Kiến” (1991) này của ông đã thu hút rất đông độc giả. Đó cũng chính là tiền đề dẫn đến bộ ba tiểu thuyết sci-fi (khoa học viễn tưởng) về kiến nổi tiếng nhất của Bernard Werber, đưa người đọc vào một cuộc hành trình kỳ thú của một vương quốc đầy bí ẩn và hấp dẫn. Bernard Werber đã dẫn độc giả đến với một thế giới khoa học ngoài sức tưởng tượng, mở rộng góc nhìn của độc giả về nền văn minh của loài kiến. Bernard Werber đã đưa vào bộ ba tiểu thuyết một cốt truyện hấp dẫn, ly kỳ và những kiến thức khoa học đồ sộ, mạch lạc và mang nhiều tầng ý nghĩa. Không chỉ có vậy, bộ ba tiểu thuyết này còn là tổng hòa của các yếu tố triết học, tâm linh, kinh dị, thần thoại và ý thức.
Sau thành công vang dội của bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Kiến, Bernard Werber tiếp tục sáng tác những tiểu thuyết sci-fi khác. Năm 2018, Bernard Werber cho xuất bản tiểu thuyết mới có tên Chiếc hộp Pandora. Với tiểu thuyết này, Bernard Werber đã đưa ra một thể loại văn chương mới mà ông gọi là “triết lý viễn tưởng”, pha trộn khoa học viễn tưởng, triết học và tâm linh. Trong đó, yếu tố tâm linh được ông đưa vào để làm gia vị cho cốt truyện của mình.
Các tác phẩm của Bernard Werber thể hiện trí tưởng tượng hết sức phong phú: đó là sự pha trộn giữa phiêu lưu, khoa học viễn tưởng và triết lý. Ngoài chủ đề khám phá loài kiến, Werber còn đề cập đến thân phận con người và khuyến khích độc giả chiêm nghiệm triết học về vị trí của con người trên Trái đất, về khả năng của con người trong việc thấu hiểu những gì khác biệt với mình và thấu hiểu chính bản thân mình. Trao đổi với độc giả Đà Nẵng, nhà văn Bernard Werber chia sẻ: “Là một nhà văn, tôi mong muốn được đi khám phá, gặp gỡ độc giả của mình nhiều hơn nữa. Chính độc giả đã mang lại cảm hứng và thôi thúc tôi viết tiếp nhiều tác phẩm trong thời gian tới”.
Nhiều nhà văn, độc giả và sinh viên Đà Nẵng đã đặt các câu hỏi, giao lưu với nhà văn Bernard Werber bằng tiếng Pháp. Một sinh viên nữ tham dự chia sẻ, bản thân rất thích các tác phẩm của Bernard Werber, mặc dù học ngoại ngữ nhưng vẫn mong muốn trở thành một nhà văn, vậy yếu tố nào cần thiết để mình trau dồi văn chương? Bernard Werber rất tâm đắc với câu hỏi này của nữ độc giả, đưa lời khuyên: “Các bạn hãy xây dựng kỷ luật viết, viết về câu chuyện của mình, nảy nở từng ngày. Đó là bước đệm của thành công. Phải luyện tập hằng ngày, chỉ cần mỗi ngày viết một chút. Nói một cách khác, các bạn hãy tham gia rèn luyện viết mỗi ngày”.
Tham gia giao lưu cùng nhà văn Bernard Werber, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Xuân (Đà Nẵng) bộc bạch: Văn học Việt Nam phát triển trên các nền tảng văn hóa Việt Nam và tiếp nhận, ảnh hưởng nhiều nền văn học khác trên thế giới; trong đó, vào cuối thế kỷ XIX và sang đầu thế kỷ XX ảnh hưởng sâu sắc văn học Pháp. Ngày nay, Việt Nam và Pháp có điều kiện hơn thế hệ trước trong việc quảng bá văn học của nhau. Vì vậy, nếu chúng ta có một chiến lược tích cực và lâu dài sẽ tạo điều kiện cho học thuật và ngoại giao phát triển, góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Pháp. “Hy vong rằng, độc giả Việt Nam sẽ được đọc nhiều hơn nữa các tác phẩm của ông qua bản dịch của các dịch giả Việt”- ông Bùi Xuân nói thêm.
Khép lại buổi gặp gỡ và giao lưu, nhà văn Bernard Werber cho biết, ông rất vui và hạnh phúc trong chuyến sang thăm Việt Nam, đến Đà Nẵng lần này.
* Độc giả Đà Nẵng có thể tìm đọc bản gốc tiếng Pháp các tác phẩm của Bernard Werber ở thư viện Viện Pháp tại Đà Nẵng và bản dịch tiếng Việt tại các hiệu sách Nhã Nam.
Thanh Hoa - Thu Trâm