"Tôi về thăm lại mộ tôi"!
(Cadn.com.vn) - Đó là tựa đề một bài thơ tôi vừa bắt gặp, đăng trên trang thông tin điện tử Văn hóa-Thông tin-Thể thao-Du lịch thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Trong bài thơ có đoạn: "Tôi về thăm lại mộ tôi/Nằm trên đỉnh núi cuối Dương Đá Bầu/Bên hòn đá cũ sẫm màu/Dưới hầm công sự mình đào năm xưa..."! Bài thơ của tác giả Duy Tung, được nhiều bạn đọc tâm đắc vì nó gắn với ý nghĩa một trận chiến đấu kỳ diệu của một tiểu đội cảm tử quân với quân Mỹ-ngụy. Bài thơ ít nhiều gây ngạc nhiên "Tôi về thăm lại mộ tôi" ấy đã thôi thúc tôi tìm gặp tác giả và được biết anh Trần Duy Tung (1950), trú thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, H. Tam Kỳ, Quảng Nam, hiện làm việc tại Hội Khuyến học TP Tam Kỳ. Cuộc trò chuyện giữa tôi với anh diễn ra vô cùng thú vị về trận chiến đấu của người chiến sĩ cảm tử năm xưa và sự ra đời của bài thơ độc đáo ấy...
Anh Trần Duy Tung. |
Trần Duy Tung tham gia cách mạng từ tháng 10-1964, lúc mới 14 tuổi. Anh Tung kể: Năm 1967, Huyện đội Bắc Tam Kỳ thành lập một tiểu đội cảm tử quân gồm 9 đồng chí trẻ măng, chỉ vừa mười tám, đôi mươi, trẻ nhất là Trần Duy Tung, 17 tuổi, đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, thao tác chiến đấu và lòng quả cảm! Tiểu Đội được trang bị 21 khẩu súng, gồm cối 60, B40, B41, trung liên, AK, M79, Ga-râng và một ống nhòm, có nhiệm vụ bảo vệ núi Dương Đá Bầu (thuộc xã Tam Vinh, H. Phú Ninh ngày nay). Núi có vị trí thuận lợi vì địa hình quan sát được một vùng rộng lớn, là nơi hội tụ của các đầu mối giao thông; từ huyện Cẩm Khê đi Tiên Phước, từ Tiên Phước đi xã Kỳ Thịnh (Tam Vinh), từ Tiên Phước đi Kỳ Phước (Tam Phước)...Vì vậy, địch quyết tâm đổ quân chiếm đóng các vùng giải phóng của ta.
"Chúng tôi đóng quân ở nhà mẹ Khải dưới chân núi. Trên núi, đạn dược và hầm hào, lương thực đã chuẩn bị sẵn sàng. Theo lịch đơn vị, hàng ngày, lúc 4 giờ 20 phút sáng, tiểu đội lên đồi, 20 giờ về lại địa điểm tập kết tại nhà mẹ Khải nghỉ ngơi. Mỗi ngày 2 đồng chí ở lại cơ sở dưỡng sức, nói là dưỡng sức nhưng luôn trong tư thế xung trận khi có lệnh... Biết đây là trận đánh một mất một còn, chúng tôi ra quân với phương châm 3 không: "Không gửi thư về cho gia đình; không thăm đồng chí, đơn vị cũ; không để lộ cho nhân dân biết nhiệm vụ của mình làm"-anh Trần Duy Tung kể.
Trưa hè ngày 8-6-1968, quân Mỹ dùng trực thăng đổ bộ xuống Dương U Bò và Dương Ba Đầu thuộc địa phận H. Tiên Phước, cách Dương Đá Bầu chừng 3 km về hướng Tây. Sáng 11-6-1986, một tiểu đoàn lính Mỹ chia làm 2 cánh tiến xuống các làng phía tây bắc Dương Đá Bầu, thấy hai đồng chí trong tiểu đội cảm tử ở nhà đang tắm giặt, chúng bắn xối xả vào làm một người hy sinh, một đồng chí chạy thoát vào rừng. Địch lại nhắm địa bàn Dương Đá Bầu đi tới. 7 người cắm chốt nhanh chóng chia làm 3 tổ và sẵn sàng chiến đấu. Liên tiếp các đợt tiến công từ 9 giờ sáng đến gần nửa đêm, 7 chiến sĩ của ta tả xung hữu đột, bẻ gãy từng đợt tấn công của quân địch. Mãi đến 20 giờ 30, tiểu đội được lệnh tạm rút ra xa để củng cố lại lực lượng. Trần Duy Tung bị mảnh đạn địch găm vào đầu, máu ra xối xả, ngất lịm trên công sự.
Tưởng rằng anh đã hy sinh nên đồng đội đào huyệt chôn vội anh để rút lui, tránh thương vong thêm cho đơn vị. 24 giờ sau, Duy Tung mới tỉnh lại. Anh thấy quanh mình tối đen như mực. Toàn thân bị đè nặng bởi đất cát và vết thương đau nhói. Dần tỉnh lại, biết mình bị vùi kín trong công sự, anh cố quẫy đạp, cào bới và thoát lên khỏi hố sâu. Gió ùa vào mắt, miệng, tai còn đầy cát, không gian loang đầy mùi khói bom. Thỉnh thoảng vài quả đạn của địch phía chân núi lóe lên soi rõ bãi sa trường ngổn ngang xác giặc. Không gian im ắng đến rợn người! Anh bàng hoàng nhìn xung quanh thấy không còn ai cả. Dưới chân núi, chỉ hơn nửa cây số, đèn pha địch quét sáng lóe. Anh nghĩ thầm, Tiểu đội đã hy sinh hết hay đã rút đi rồi? Mình phải rút khỏi nơi đây càng sớm càng tốt, vì nếu địch quay trở lại trận địa thì rất nguy hiểm. Gượng hết sức mình, anh lết về hướng nhà mẹ Khải.
Chặng đường không dài nhưng sức đã kiệt, máu ra nhiều, mấy lượt anh ngất đi, lúc tỉnh anh lại cố lết, bò..., đến 2 giờ sáng anh mới tìm được về nhà mẹ Khải. Ngôi nhà còn mập mờ ánh đèn dầu, anh lết tới áp sát tai bên vách và gọi: "Có phải V12 đó không. Mình là Tung đây"!? Một đồng đội trong nhà hỏi lại: "Tung nào? người hay là ma vậy"!? 4 đồng chí trong đơn vị còn sống trong nhà chạy ùa ra. "Trời ơi, Tung thiệt không? Cậu chết rồi cơ mà"! Mấy người chạy lại sờ sờ, nắn nắn khắp người anh. "Cậu còn sống thật rồi"!? Sự bất ngờ, niềm vui bàng hoàng như một cơn mê. Bỗng, đồng chí Tiểu đội trưởng bật khóc: "Tung ơi! tha lỗi cho tụi mình. Lúc ấy thấy cậu nằm bất động nên tụi mình tưởng đã hy sinh, 4 anh em còn sống đều bị thương tích, địch còn ở rất gần nên vội lấp đất sơ sài lên người cậu rồi rút quân. May mà cậu còn sống! Hãy tha lỗi cho tụi mình Tung ơi"!...Cả tiểu đồi cùng ôm nhau òa lên khóc như mưa như gió! Sau đó các đồng đội băng rừng đưa anh vào điều trị vết thương ở trạm xá Tam Lãnh. Sau trận đánh liệt oanh ấy, cả 7 người lính trong tiểu đội cảm tử đều được tặng và truy tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ"...
Sau ngày hòa bình lập lại, hằng năm cứ đến ngày 11-6, anh thương binh Trần Duy Tung lại tìm về Dương Đá Bầu thăm lại chiến trường xưa, thăm... ngôi mộ mình, tìm gặp những người đã từng giúp nuôi anh trong những năm kháng chiến gian khổ. Trong một lần về thăm "mộ mình", cảm xúc trong anh lại dạt dào, ngẫu hứng anh sáng tác bài thơ: "Tôi về thăm lại mộ tôi". Anh Duy Tung cho biết: "Bài thơ vừa sáng tác xong, mắt tôi nhòa lệ. Từ đó tôi cũng không giới thiệu cho ai biết và chính tôi cũng không dám đọc lại, vì mỗi khi đọc tôi lại khóc vì nhớ thương đồng đội". Năm 2012, Trần Duy Tung xuất bản tập thơ riêng "Tôi về thăm lại mộ tôi". Như nhận xét của nhà thơ Nguyễn Kim Huy: "Tập thơ với nhiều bài tuy giản dị, thô mộc nhưng chân thành, mỗi cảm xúc anh viết lên dường như chúng đều xuất phát từ đáy lòng và những suy nghĩ chân thật nhất của đời anh...". Đau đáu về những năm tháng vào sinh ra tử trong chiến tranh, về những đồng đội thân yêu đã nằm lại trên mảnh đất quê hương, anh viết: Sá chi vượt biển băng ngàn/Vui trong gian khổ sẵn sàng hy sinh (Nhớ thời chinh chiến). Anh có những dòng thơ dạt dào cảm xúc về người mẹ một đời nhọc nhằn của mình: Tìm trong hạt thóc chắc khô/bao công chăm sóc bấy mồ hôi rơi/Nhọc nhằn thương lắm mẹ tôi/Vun trồng xây đắp, một đời vì con (Thương mẹ).
Nguyễn Huy Hoàng