Báo Công An Đà Nẵng

Tôm nuôi chết hàng loạt, người dân điêu đứng

Thứ bảy, 07/04/2018 17:30

Hơn nửa tháng qua, tôm nuôi trên hàng  chục héc-ta ở các địa phương vùng triều Quảng Nam bị chết đồng loạt. Trong đó, cả 4 địa phương đã triển khai nuôi tôm nước lợ vụ 1 trên địa bàn tỉnh là Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành đều đồng loạt xảy ra hiện tượng tôm chết với các bệnh không thể ứng phó được là đốm trắng, hoại tử gan tụy, taura. Người nuôi tôm đang nỗ lực dọn hồ phun hóa chất trước khi tiếp tục thả nuôi. Trao đổi với chúng tôi, các hộ nuôi tôm cho biết ngoài nguyên nhân chính do thời tiết năm nay lạnh kéo dài thì số tôm nuôi chết lần này tập trung ở những diện tích nuôi thả trước lịch thời vụ, trong đó gồm các ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại các xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành) và hàng loạt ao hồ ở Tam Kỳ, Thăng Bình… Nhiều hộ nuôi tôm thừa nhận đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng từ trước tết tuy nhiên sau gần một tháng thì tôm bất ngờ nhiễm bệnh và chết đồng loạt.

Có mặt tại chân đập bara xã Duy Thành (H. Duy Xuyên) nơi có 9 hộ dân với gần 7ha nuôi tôm thì nay chỉ còn duy nhất một hồ chưa bị nhiễm bệnh. Anh Ngô Văn Hải (35 tuổi) cho biết: “Tôi thả nuôi 3 sào tôm thẻ chân trắng gần một tháng nay nhưng được một thời gian thì tôm bắt đầu phát bệnh rồi lan dần sang các hồ bên cạnh. Dấu hiệu chung là tôm lờ đờ nổi trên mặt nước là dấu hiệu của bệnh hồng thân. Chỉ riêng tiền tôm giống và thuốc cho vụ đầu tiên này tôi đã mất trắng hơn 100 triệu đồng”. Cùng tình cảnh như anh Hải, các hộ anh Phạm Ngọc Sử, Phạm Ngọc Dũng cũng đều đang súc hồ bằng hóa chất. “Năm ngoái thì tôm bị bệnh gan cũng chết hàng loạt. Năm nay thì đốm trắng, hồng thân liên tiếp xảy ra. Sáng nay tôi định lên xã xin ít hóa chất nhưng nghe nói đã phát hết rồi. Cái nghề nuôi tôm nay bạc quá!” , anh Dũng ngao ngán. Ông Nguyễn Văn Thưởng – phụ trách nông nghiệp xã Duy Thành cho biết: “Ngành chức năng đang chỉ đạo các chủ ao nuôi tôm trước lịch tiến hành diệt khuẩn, định kỳ sử dụng men vi sinh làm sạch các chất hữu cơ và thức ăn dư thừa trong hồ.  Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh vì các chủ hồ đã thả nuôi trước thời vụ cộng với việc thời tiết bất thường. Hiện nay số hóa chất được cấp chúng tôi cũng đã phát cho các hộ, ngoài ra các hộ cũng cần tự mình xử lý thêm bằng vôi trước khi thả nuôi trở lại. Ngành nông nghiệp cũng tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi tôm chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản, không trực tiếp xả thải nước trong ao nuôi có tôm chết ra ngoài, hạn chế lây lan thành dịch”.

Anh Hải đang súc hồ, phun hóa chất trước khi thả nuôi tôm trở lại.

Còn tại TP Tam Kỳ, khu vực triển khai mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP ở xã Tam Phú thì nay trở thành “tâm điểm” tôm chết từ cuối tháng 2 đến nay. Từ một vài hồ tôm bị nhiễm bệnh đã nhanh chóng lan rộng ra hàng chục ha tôm. Khác với các hộ ở huyện Duy Xuyên, nhiều hộ nuôi tôm ở thôn Quý Thượng (xã Tam Phú) cho biết họ thả nuôi đúng lịch mùa vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp nhưng tôm vẫn nhiễm bệnh. Các nông hộ lý giải nguyên nhân là do nguồn nước sông Trường Giang quá ô nhiễm cộng thêm  thời tiết thất thường khiến tôm “sốc” môi trường. “Nguồn tôm chúng tôi được nhập từ các tỉnh khác, mạnh ai nấy nhập nên tôm giống dù có kiểm dịch nhưng do mua ở tỉnh bạn nên không biết kiểm dịch đó thật hay giả. Mình là nông dân cũng chẳng thể phân biệt, bắt bẻ được. Sau vụ thất bại này tôi đang định đích thân vào tỉnh Bình Thuận để chọn mua cho được giống tôm khỏe. Cứ cái đà thả nuôi là tôm chết thế này chẳng mấy chốc mà phá sản”, ông Minh (56 tuổi) cho biết.

Thông tin từ bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết số diện tích tôm chết thời gian qua do bệnh đốm trắng là 28,41ha; tôm chết do bệnh hoại tử gan tụy là 1,65ha, còn tôm chết do tác động của thời tiết xấu là 66,9ha. “Đây là thời điểm nhạy cảm trong năm đối với người nuôi tôm nên hầu như năm nào tôm cũng bị mắc bệnh. Thời tiết thay đổi thất thường khiến nhiệt độ nước trong ao nuôi tôm tăng giảm đột ngột là nguyên nhân khiến tôm chết. Bên cạnh đó nước sông Trường Giang ô nhiễm được lấy trực tiếp nuôi tôm khiến tôm phát bệnh nhanh. Bên cạnh việc cấp phát hóa chất, chúng tôi cũng khuyến cáo nông hộ nuôi tôm cần chọn thời điểm lấy nước, thay nước thích hợp, đối với các ao nuôi có ao chứa lắng cần xử lý nước kỹ càng trước khi đưa vào ao nuôi”, bà Tâm cho biết.

ĐỒNG DAO