Tôn tạo di tích phải đi đôi với phát huy giá trị văn hóa
(Cadn.com.vn) - Quảng Nam là vùng đất có bề dày văn hóa-lịch sử, hiện đang sở hữu 60 di tích cấp quốc gia, 300 di tích cấp tỉnh và 134 di tích được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ. Từ năm 2016, khi Trung ương bắt đầu “khoán trắng” cho địa phương, Quảng Nam đã linh động đệ trình cơ chế “tu bổ di tích quốc gia và cấp tỉnh” giai đoạn 2016 - 2020 với kinh phí 80 tỷ đồng. Theo đó, sẽ có 74 di tích quốc gia và cấp tỉnh xuống cấp nằm trong danh mục tu bổ theo đề án này. Thế nhưng, có một thực trạng diễn ra đó là những khu di tích lâu nay chỉ được đầu tư, sửa chữa hình thức, còn “phần hồn” vẫn bị bỏ ngỏ. Nhiều di tích được công nhận nay cửa đóng then cài còn người dân địa phương vẫn thờ ơ với việc phát huy các giá trị văn hóa trên.
Đình làng Mỹ Xuyên Đông đìu hiu vắng vẻ. |
Đình làng Mỹ Xuyên Đông thuộc TT Nam Phước, H. Duy Xuyên, là ngôi làng cổ với cấu trúc và quá trình hình thành độc đáo. Thế nhưng dù được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh nhưng ngôi đình lại đìu hiu vắng vẻ và làm chỗ cho một số người dân...phơi nông sản. Ông Lê Tịch- Trưởng Ban trị sự của làng cho biết: “Làng Mỹ Xuyên có bề dày lịch sử hằng trăm năm. Người dân Mỹ Xuyên luôn tự hào bởi làng vinh dự được các vua triều đình nhà Nguyễn ban tặng cho làng đến 32 sắc phong. Thế nhưng giờ đây ít ai hiểu được giá trị đặc biệt đó. Đình làng cũng hoang vắng, thi thoảng mới được quét tước dọn dẹp”. Tương tự, tháp Chăm Chiên Đàn nằm ngay bên cạnh quốc lộ 1A cũng là một di tích lịch sử cấp tỉnh nhưng lại dần hoang phế. Mặc dù các ngành chức năng thường xuyên tôn tạo, tu sửa nhưng nơi đây chẳng khác gì một phế tích bởi hầu như chẳng có mấy ai đến tham quan. Hàng chục di tích khác ở Quảng Nam cũng đang chịu số phận hẩm hiu. Trong đó phải kể đến mộ thứ phi vua Quang Trung và các tướng Tây Sơn ở Hội An; các tháp Chăm Khương Mỹ, Bằng An, Phật viện Đồng Dương; mộ danh nhân Trần Quý Cáp, Hoàng Diệu, Trương Công Hy; nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu...
Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam chia sẻ: “Quảng Nam là tỉnh có số lượng di tích, di sản văn hóa cả vật thể lẫn phi vật thể khá lớn. Trách nhiệm bảo tồn di tích và phát huy giá trị di tích luôn được đặt lên hàng đầu. Cơ chế tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh 2011 – 2015 đã cứu nguy các di tích, đồng thời cũng làm nền để ngành Văn hóa tiếp tục nhận được sự ủng hộ để thông qua đề án tu bổ di tích giai đoạn 2016 – 2020 với mức kinh phí 80 tỷ đồng này. Đây là điều đặc biệt thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với các di tích văn hóa. Kể cả thu lợi hay không thu lợi từ di sản, thì vấn đề bảo tồn di sản văn hóa phải được làm ở mức tốt nhất có thể”. Theo ông Đinh Hài, thời gian tới, bên cạnh việc ưu tiên bảo tồn, trùng tu các di tích văn hóa, thì công cuộc xây dựng con người văn hóa cùng một môi trường sống văn minh, trong đó đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, giáo dục trong trường học đưa di tích gắn liền với cộng đồng… là những phần việc quan trọng trên hành trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử. “Phải làm sao để phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần đến với cộng đồng đó mới là mục đích cuối cùng của việc tôn tạo, tu bổ di tích”, ông Hài chia sẻ.
Đồng Dao