Báo Công An Đà Nẵng

Tôn tạo hay tân tạo?

Thứ sáu, 20/01/2017 09:54

(Cadn.com.vn) - Mấy ngày gần đây, dư luận địa phương và nhiều người đọc báo tỏ ra bức xúc về việc Văn Miếu (Hà Nội) bị quét lớp vôi trắng gây phản cảm. Tuy nhiên, ít ai biết trước đó Văn Miếu đã từng được trùng tu. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh,  Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong một bài viết của mình vào năm 2009 đã nhận xét rằng: "Văn Miếu tôn tạo từ năm 1917 đến 1920. Được tổ chức lại từ khung nhà đổ nát, có thể sụp đổ hoàn toàn... Đối mặt với nguy cơ "khôi phục không nguyên vẹn", những bộ phận hư hỏng được nghiên cứu phục hồi nguyên mẫu để thay thế, nguyên tắc này áp dụng làm lan can và lối đi lát gạch. Tuy vậy, hai cái ao được tạo mới thành hồ nước, lối đi bộ bên thảm cỏ dưới những tán cây mới trồng thêm. Việc bổ sung khéo léo làm cho du khách đến nay ngỡ là có mấy trăm năm nhưng ít ai nhận ra đó là phong cách sân vườn Châu Âu". Như vậy, Văn Miếu đã từng được "đại trùng tu" và bên cạnh việc "phục hồi nguyên mẫu" các hạng mục còn có bổ sung mới "phong cách sân vườn Châu Âu". Và có phải là "ít ai nhận ra" sự thay đổi trên như kiến trúc sư Trần Huy Ánh đã chỉ ra không? Bởi nếu Văn Miếu có "phong cách sân vườn Châu Âu" thì dù người dân địa phương hiện nay "ít ai nhận ra" nên dễ chấp nhận nhưng đa số du khách Âu - Mỹ sẽ nhận ra điều này vì đó là nét văn hóa riêng biệt của họ.

Cầu ngói Thanh Toàn.

GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia từng nhận định: "Di sản nghệ thuật kiến trúc Chăm, nhìn sâu xa vào mức độ quý hiếm, mức độ mất mát, đòi hỏi ở các nhà bảo tồn và các nhà trùng tu, trên hết và trước hết, đó là sự duy trì lâu dài, không bị mất mát thêm và không bị sai lệch". Tuy nhiên, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ lại từng cho rằng: "Một nguy cơ bóp méo ý nghĩa khu di tích thánh địa Mỹ Sơn là ý tưởng tôn tạo, đúng hơn là tân tạo đã làm cảnh quan chung quanh di tích bị thay đổi. Như làm vườn hoa, trồng cây, xây các công trình phục vụ khách tham quan không hợp lý về vị trí và kiểu dáng. Điều này đã tạo sự hiểu nhầm cho du khách và gây khó khăn cho việc nghiên cứu sau này". Việc lên kế hoạch trùng tu Chùa Cầu ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) gần đây cũng vậy. GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng: "Cụ Cầu hễ bị bệnh nhẹ thì phải chữa trị, tránh can thiệp sâu. Còn nếu khám bệnh thật kỹ, xét cần chữa trị triệt để thì cũng phải làm. Nhưng động cơ chọn phương pháp can thiệp phải là từ căn bệnh chứ không thể là quy mô đầu tư cho dự án. Phải nhớ rằng trùng tu di tích là làm cho ông già khỏe ra chứ không phải làm cho ông già trẻ ra!". Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cũng từng trăn trở về việc này: "Không khéo trùng tu xong thì di tích không còn là chính nó nữa mà là làm mới di tích 400 tuổi thành di tích vài tuổi". Như vậy, việc trùng tu di tích không phải đơn giản. Làm mới di tích chỉ khiến nó "trẻ ra" chứ không thể "khỏe ra". Mà "trẻ ra" thì giá trị chứng tích thời gian, tạm gọi là "màu thời gian" của nó sẽ bị suy giảm là một điều có thể thấy rõ.

So với Chùa Cầu ở phố cổ Hội An thì Cầu ngói Thanh Toàn ở làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, H. Hương Thủy, tỉnh TT-Huế cũng đẹp và thanh thoát không kém. Cầu ngói Thanh Toàn đã được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận là Di tích cấp quốc gia. Đây cũng là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam... Ngày 25-8-2016, UBND tỉnh TT-Huế đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Cầu ngói Thanh Toàn do Ban Đầu tư và Xây dựng thị xã Hương Thủy làm chủ đầu tư, dự kiến lên đến 13,19 tỷ đồng và có cam kết việc phục hồi các hạng mục sẽ tận dụng tối đa nguyên bản, vật liệu gốc, đảm bảo đúng quy chuẩn, quy định và nguyên tắc bảo tồn.

Vậy là sau 240 năm, Cầu ngói Thanh Toàn sẽ được đại trùng tu! Nhưng hãy chờ xem Cầu ngói Thanh Toàn sẽ được trùng tu như thế nào để đúng với ý nghĩa "tôn tạo" chứ không phải "tân tạo".

N.V.T