Tôn Thất Thủy và dòng tranh phù điêu
(Cadn.com.vn) - Họa sĩ Tôn Thất Thủy sinh năm 1955 tại TP Huế, lớn lên và sinh sống tại Đà Nẵng. Anh có tranh tham gia tại nhiều triển lãm mỹ thuật Đà Nẵng từ những năm đầu giải phóng. Sau đó, có thời gian trở thành chuyên gia mô hình kiến trúc của Viện thiết kế Đà Nẵng. Hiện nay, Tôn Thất Thủy là một trong rất ít người thành công với dòng tranh phù điêu, được thể hiện bằng chất liệu khá mới lạ và độc đáo...
Họa sĩ Tôn Thất Thủy bên một tác phẩm phù điêu. |
Trò chuyện với chúng tôi, Tôn Thất Thủy không thích nói nhiều về quá trình hoạt động bản thân, mà anh nói ngay vào công việc: "Tôi theo dòng tranh phù điêu này khoảng hơn 10 năm nay. Đến nay, tôi đã có khoảng 20 tác phẩm góp mặt rải rác nhiều nơi trong nước, trong đó có 2 bộ đến Pháp, Mỹ. Hầu hết những tranh đó có được do người ta đặt hàng và làm quà tặng". Tại xưởng làm việc của Tôn Thất Thủy trong ngôi nhà nhỏ ven biển Thanh Bình, anh lần lượt giới thiệu chúng tôi từng tác phẩm phù điêu dựng rải rác quanh tường. Có thể nói thoáng nhìn, loại tranh này tạo nên không gian sâu thẳm, nhiều chiều (tựa loại tranh 3D thường được nhắc đến hiện nay).
Theo họa sĩ Tôn Thất Thủy, dòng tranh phù điêu, có thể được gọi là tranh 3D, bởi nó được triển khai bố cục trên mặt phẳng, nó có khả năng kiến tạo xa gần bằng các lớp không gian và tạo nên các ảo giác về không gian (không gian ảo). |
Bức tranh đầu tiên nhìn thích mắt nhất là tác phẩm phác họa về khung cảnh ngọn hải đăng, bên cạnh sóng biển trời mây, cùng những cánh chim bay lượn... trông thật sống động. Hoặc ở bức Vòng đời (xuân hạ thu đông), có đề tài và bố cục gần gũi với tranh dân gian, nhưng thực sự hoàn toàn mới mẻ, hiện đại. Tôn Thất Thủy cho biết: "Dòng tranh này dùng chất liệu polymer sốp cứng styrofoam (EPS) làm cốt liệu đã nhiệt hóa nhiều lần. Kích thước tranh phù điêu thông thường rộng từ 0,8m đến 1,4m; dài từ 1,5m đến 6m hoặc hơn nữa; dày 4cm hoặc hơn. Đặc tính loại tranh này siêu nhẹ, bền vững, không rơi vỡ nứt tách, rất khó lão hóa (polymer), chuyên chở nhẹ nhàng và lắp đặt nhanh gọn. Tranh được cấu tạo chất liệu giống đồng, đá, gỗ (có mang tính phục chế), chịu tương đối sự mài mòn cơ học. Không gian phù hợp trang trí tranh này ở những phòng khách, sảnh rộng".
Ngoài công việc sáng tạo nên dòng tranh phù điêu, những năm qua, Tôn Thất Thủy cũng là tác giả chuyên thực hiện tiểu cảnh cho các công trình kiến trúc quan trọng trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng. Nói về những dự kiến trong tương lai, Tôn Thất Thủy cho biết, có lẽ một dịp nào đó thuận lợi, gần nhất, anh sẽ có một buổi ra mắt, chia sẻ với thân hữu những tác phẩm phù điêu và tiểu cảnh chọn lọc, gọi là... cho thấy mình vẫn còn tồn tại, chứ không phải là vì thành quả "hoành tráng chói lòa" gì! Tuy nhiên, Tôn Thất Thủy nói thêm: "Qua việc làm này, tôi muốn ghé lời với các bạn trẻ, rằng quỹ thời gian chóng cạn, phải cố gắng liên tục học hỏi, tìm tòi năng động. Đôi khi là những vật thể bỏ đi trước mắt vẫn có thể tận dụng nó qua một chức năng khác, hoặc tạm thời, hãy cất nó vào kho để sau đó, ta sẽ "mất công dọn tiếp"... Chính vì vậy, nên tôi lấy biệt dành vui là "người dọn rác".
Trần Trung Sáng