Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến vào các văn kiện
Sau khi nghe các cơ quan báo cáo, ý kiến thảo luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đại biểu dự họp, phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận, các văn kiện được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tiếp thu có chọn lọc các đóng góp của các phiên họp trước, cơ bản đủ điều kiện để trình Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XIII sắp tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, so với bản dự thảo trình Thường trực Tiểu ban, Tiểu ban vừa qua, chất lượng dự thảo Báo cáo lần này đã được nâng lên rõ rệt. Các nội dung tổng kết 40 năm đổi mới súc tích hơn, tiếp thu được những kết quả mới nhất từ bản dự thảo Báo cáo Tổng kết 40 năm đổi mới và báo cáo của các tiểu ban khác, các nội dung về định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược cũng được trình bày gọn, rõ ràng, mạch lạc hơn trước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, với vị trí là Báo cáo trung tâm, Báo cáo chính trị phải thể hiện ở tầm quan điểm, chủ trương; bảo đảm sự kết tinh toàn bộ tinh hoa giá trị quá khứ, hiện tại và tương lai; nghiêm túc chắt lọc kết quả tổng kết 55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ kính yêu, văn kiện mang giá trị lịch sử và thời đại của Việt Nam và thế giới, cho đến nay những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Bên cạnh đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc những tư tưởng chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là ba nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng văn kiện.
Bộ Chính trị cơ bản đồng ý những kết quả của Tổng kết 40 năm đổi mới là đầu vào quan trọng cho việc xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng như: Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín đất nước sau 40 năm đổi mới; những bài học kinh nghiệm mang tầm lý luận và đường lối đổi mới; xác định hệ quan điểm chỉ đạo mục tiêu phát triển và các định hướng lớn trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, các đột phá chiến lược trong giai đoạn mới trong đó có Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm. Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện Báo cáo phải được thực hiện khẩn trương, khoa học với sự đầu tư lớn về công sức, trí tuệ để kịp thời chắt lọc đưa vào nội dung các văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng yêu cầu cân nhắc làm rõ, sâu sắc hơn một số vấn đề cụ thể; đồng thời cần thống nhất nhận thức về bối cảnh mới đang mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nhất là sau 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ đó đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.
Cũng trong sáng 30-8, ngoài cho ý kiến vào hai dự thảo Văn kiện, Bộ Chính trị còn cho ý kiến một số nội dung quan trọng khác.
Nguyễn Hồng Điệp