Báo Công An Đà Nẵng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Lấy dân làm gốc - bài học lớn từ chiều sâu lịch sử

Thứ bảy, 28/05/2016 07:20

(Cadn.com.vn) - Ngày 27-5, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo hội nghị. Báo Công an TP Đà Nẵng lược trích một số nội dung bài phát biểu.

Mở đầu bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Công tác dân vận là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Trong những năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và quan hệ đối ngoại. Đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; vị thế nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Trong những thành tựu chung đó, có sự đóng góp quan trọng của công tác dân vận và đội ngũ những người làm công tác dân vận, góp phần phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tham dự Hội nghị.

Bài học lớn từ lịch sử

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Chúng ta đều biết, tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử. Ngay từ thế kỷ XV, bằng vào thực tế của nhiều triều đại phong kiến, Nguyễn Trãi đã đi đến những nhận định rất quan trọng: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn đều sẽ bị thất bại. Theo ông, sở dĩ triều Hậu Trần suy vong là do các vua quan Hậu Trần không thực hiện đúng chính sách "thân dân", "làm kế sâu rễ bền gốc"; họ chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ "mặc dân khốn khổ", "muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh". Còn Hồ Quý Ly bị thất bại nhanh chóng, cơ đồ tan vỡ, nước mất vào tay giặc cũng chỉ vì chính quyền nhà Hồ quá xa rời nhân dân, vì "chính sự phiền hà, để đến nỗi lòng dân oán giận". Nguyễn Trãi rút ra kết luận thật sâu sắc: Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước; nước có thể "chở thuyền", nhưng nước cũng có thể "lật thuyền".

Chủ nghĩa Mác - Lênin dạy rằng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng Cộng sản muốn lãnh đạo cách mạng phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân; cách mạng muốn thắng lợi phải được đông đảo nhân dân ủng hộ. Lênin nhiều lần khẳng định: Nguồn gốc chủ yếu sức mạnh của Đảng là ở mối liên hệ mật thiết với nhân dân; đội tiên phong chỉ làm tròn được sứ mệnh lịch sử của mình một khi nó biết gắn bó với quần chúng mà nó lãnh đạo và thật sự dẫn dắt toàn thể quần chúng tiến lên. Người nhấn mạnh, đối với một đảng cầm quyền, "một trong những nguy cơ lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng".

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta luôn luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân, ý nghĩa cực kỳ quan trọng của công tác dân vận, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Và chính nhờ thế mà mặc dù với số lượng không đông, Đảng ta vẫn có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, dù đó là kẻ thù nguy hiểm và hung bạo nhất. Làm tốt công tác dân vận và liên hệ mật thiết với nhân dân là truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh vô địch của Đảng ta.

Quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, với quy mô, tầm vóc to lớn của cách mạng, với việc thiết lập hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa trong cả nước, với vai trò và trình độ làm chủ đất nước ngày càng cao của nhân dân, Đảng ta có thêm điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng cường mối liên hệ với nhân dân. Nhưng mặt khác, trong hoàn cảnh lịch sử mới, với tính chất, phương thức lãnh đạo mới, mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân cũng có những đòi hỏi mới cao hơn và đứng trước thử thách mới rất phức tạp. Ngoài những khó khăn khách quan, chúng ta cũng phạm phải một số sai lầm, khuyết điểm. Tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền khá phổ biến trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý, và cả trong các tổ chức chuyên trách công tác vận động quần chúng. Không ít cơ quan chính quyền không tôn trọng ý kiến của dân, không làm công tác vận động quần chúng, chỉ nặng về biện pháp hành chính, mệnh lệnh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh. Do đó đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Kẻ địch và các phần tử xấu đã và đang lợi dụng tình hình này để kích động hòng chia rẽ Đảng và quần chúng, mưu toan phá vỡ sự thống nhất giữa Đảng và nhân dân.

Tổng kết 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng một lần nữa rút ra các bài học, trong đó có bài học: Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, dân là gốc, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Phải chăm lo đến đời sống, lợi ích của dân

Theo Tổng Bí thư, hiện nay, vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố và xây dựng tổ chức đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân. Chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý của Đảng. Trong điều kiện hòa  bình, xây dựng, chăm lo đời sống nhân dân là mục đích trực tiếp, là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Đảng và các cơ quan nhà nước, là vấn đề quyết định sự tín nhiệm và sự gắn bó của nhân dân đối với Đảng, là một động lực to lớn tạo ra phong trào hành động cách mạng của quần chúng.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều cố gắng chăm lo đời sống nhân dân. Đảng luôn luôn coi việc bảo đảm và cải thiện đời sống nhân dân là trách nhiệm to lớn thường xuyên của mình. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng có những chính sách, những việc làm còn chưa thật đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân; có những địa phương, những cơ sở chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp thật tích cực để phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét            của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất.

Trong điều kiện ngày nay, nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của nhân dân cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục. Chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa quan trọng của vấn đề chăm lo đời sống nhân dân, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm của Đảng về vấn đề này, có biện pháp cụ thể và tích cực bảo đảm đời sống nhân dân, trước hết là bảo đảm việc làm, chăm lo cái ăn, cái mặc, sức khỏe, việc học hành... của nhân dân. Thực hiện nguyên tắc công bằng xã hội, lối sống có văn hóa, bảo đảm an ninh xã hội, an sinh xã hội, an toàn xã hội.

Phê phán nghiêm khắc thói cửa quyền, sách nhiễu

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là một chủ trương chiến lược, một vấn đề cơ bản trong đường lối của Đảng ta. Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn luôn kết hợp chặt chẽ sự lãnh đạo của Đảng với việc phát huy nghị lực sáng tạo của nhân dân, tìm thấy sức mạnh của mình ở mối quan hệ mật thiết với nhân dân, tạo những điều kiện cần thiết để nhân dân sáng tạo ra lịch sử của mình một cách tự giác và có tổ chức. Đảng ta cho rằng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là bản chất của chế độ ta. Có thể nói từ trước tới nay, chưa có cuộc vận động dân chủ nào sâu rộng, thiết thực và đạt hiệu quả cao như cuộc vận động nhân dân góp ý kiến với Đảng và Nhà nước thời gian gần đây, nhất là vào những dịp tổ chức để nhân dân tham gia ý kiến vào chuẩn bị Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, các văn kiện đại hội Đảng các cấp...

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư đã đưa ra những phê phán nghiêm khắc: Ở không ít nơi, cấp ủy Đảng và chính quyền chưa quan tâm đến công tác vận động quần chúng, chưa thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Một số cán bộ, đảng viên nói đến quyền làm chủ của nhân dân như hô một khẩu hiệu suông, không có hành động gì thiết thực. Không ít đảng viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến, không học hỏi người lao động, không tích cực làm công tác giáo dục, thuyết phục, vận động quần chúng. Một số cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy. Thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng. Những hành động đó tuy không phải là phổ biến nhưng rất nghiêm trọng, nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của dân đối với Đảng. Chúng ta không thể xem thường những biểu hiện này. Đảng ta đã khẳng định, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thực chất là tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, hướng sự sáng tạo đó vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới.

Phải tổ chức cho nhân dân tham gia quản lý

Tổng Bí thư cho rằng, cùng với việc chăm lo đời sống nhân dân, tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định, các cấp ủy Đảng, các cơ quan nhà nước cần động viên, tổ chức nhân dân tham gia rộng rãi và thường xuyên vào các công việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Xóa bỏ nhận thức sai lầm cho rằng công tác vận động quần chúng chỉ là biện pháp tổ chức, động viên nhân dân thực hiện chính sách của Đảng. Đối với những chủ trương có quan hệ trực tiếp tới đời sống nhân dân, cấp ủy Đảng cần lắng nghe ý kiến nhân dân trước khi quyết định. "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát" phải trở thành khẩu hiệu hành động, thành phương châm công tác vận động quần chúng. Phải thực hiện đúng nguyên tắc: Chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và trình độ của nhân dân. Ngay cả trường hợp chính sách đúng rồi mà dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì phải ra sức tuyên truyền, giải thích cho dân, biết chờ đợi dân; kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế cuộc sống.

Mặt khác, các cấp ủy Đảng, các cơ quan chính quyền có biện pháp tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, có ý thức và thái độ đúng đắn với nhân dân, yêu thương, gần gũi, tôn trọng, lắng nghe nhân dân; có chương trình, kế hoạch tiếp dân, giải quyết tốt các đơn, thư khiếu tố, các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của dân; trừng trị nghiêm minh, thích đáng những hiện tượng trù dập, ức hiếp quần chúng. Các đoàn thể nhân dân, nhất là Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ,... cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đi sâu giáo dục, bồi dưỡng, động viên đoàn viên, hội viên phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội với đầy đủ ý thức trách nhiệm của người làm chủ.

Một vấn đề hết sức quan trọng là phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề có ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động trực tiếp đến mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Quần chúng nhìn nhận, đánh giá Đảng nhiều khi thông qua phẩm chất, tư cách, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nói quần chúng giảm sút lòng tin đối với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã thoái hóa, hư hỏng, đối với những tổ chức Đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu.

Tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng

Tổng Bí thư thẳng thắn nhìn nhận: Nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hóa có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Không ít đảng viên vào Đảng không phải để phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân, mà là để mưu cầu danh lợi. Một số người chẳng những không gương mẫu mà còn nêu gương xấu trước quần chúng. Một số người vô tổ chức, vô kỷ luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp trên, chèn ép quần chúng và cấp dưới, cơ hội, thực dụng, gây mất đoàn kết nội bộ. Nhiều người có quan hệ trực tiếp với vật chất, tiền tài, đã lợi dụng chức quyền và điều kiện công tác để tham ô, trục lợi, ăn cắp của công, ăn hối lộ, thông đồng với kẻ xấu để làm giàu bất chính. Điều nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, bị những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa, không còn tư cách đảng viên. Đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng chân chính hết sức bất bình trước những hiện tượng đó và lo ngại về sự xói mòn bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Đảng.

Nhìn thẳng vào sự thật đó, Đảng ta đã tiến hành nhiều cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khắc phục những hiện tượng hư hỏng trong bộ máy Nhà nước, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Đảng yêu cầu phải làm tốt việc giáo dục, nâng cao phẩm chất cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, coi đây là một nội dung trọng yếu của công tác xây dựng Đảng. Các cấp ủy Đảng cần có biện pháp thật kiên quyết và tích cực giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các hiện tượng thoái hóa, biến chất, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy Nhà nước. Chỉ có như vậy mới lấy lại được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường được mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.

Kết thúc bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tôi mong rằng, toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác dân vận, hơn ai hết, cần thấu hiểu và thấm nhuần sâu sắc những vấn đề nêu trên để hoàn thành trọng trách của mình. Tôi chúc công tác dân vận của chúng ta ngày càng thực sự đổi mới và đạt được nhiều thành tích mới, tiếp tục góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta tiến lên giành nhiều thắng lợi mới to lớn hơn nữa vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Lê
(lược trích)

Tiếp tục đổi mới công tác dân vận

Chiều 27-5, Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận đã hoàn thành chương trình đề ra, sau một ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc. Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận, Ban Dân vận Trung ương đã xây dựng và triển khai chương trình hành động, xác định 8 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, nhằm thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo “tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân”.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng khẩn trương quán triệt, phổ biến tới cán bộ, đảng viên và nhân dân các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các văn bản quan trọng của Đảng về công tác dân vận; đồng thời đưa nội dung công tác dân vận trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào Chương trình hành động của các địa phương, đơn vị nhằm làm chuyển biến nhận thức trong toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở về công tác dân vận. Các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo tổ chức việc quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đối với những nội dung liên quan đến công tác dân vận trong hệ thống dân vận cả nước gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; phát huy vai trò to lớn của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh cần đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng tham mưu về công tác tôn giáo; đẩy mạnh công tác tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân vận của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

T.T