Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ: Chuyến thăm lịch sử
(Cadn.com.vn) - Nhận lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, đêm qua (5-7), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội đi thăm chính thức Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, từ ngày 6 đến ngày 10-7.
Lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ và 40 năm chấm dứt chiến tranh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Chặng đường “bình thường hóa”
Ngày 12-7-1995, hai nước bình thường hóa quan hệ, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đúng 5 năm sau, ngày 13-7-2000, hai nước ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt – Mỹ (BTA). Và tháng 7-2013, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện. Trong những ngày tháng 7-2015 này, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, người từng chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam 20 năm về trước, đã có mặt tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để tham dự các hoạt động kỷ niệm, đó chính là hiện hữu của niềm tin và thiện chí tiếp tục hướng tới một tương lai rộng mở hơn trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ.
Nhìn lại 20 năm qua, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những bước tiến triển nhanh chóng, tích cực, trên nhiều lĩnh vực. Dù xa cách nhau về địa lý và có những khác biệt, dù trải qua những trang đau buồn trong quá khứ, nhưng với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn có thể cùng nhau xây dựng một mối quan hệ đối tác toàn diện, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao và tiếp xúc thường xuyên tại các diễn đàn đa phương, đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Trong chuyến thăm chính thức tới Hoa Kỳ lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước sẽ trao đổi về định hướng phát triển quan hệ song phương theo hướng tích cực, ổn định trong giai đoạn tiếp theo; thúc đẩy các mặt hợp tác và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, trọng tâm là tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng và thuận lợi hóa thương mại, đồng thời đẩy mạnh hợp tác về giáo dục, đào tạo, khoa học – công nghệ, quốc phòng an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh và các lĩnh vực khác. Hai bên cũng sẽ trao đổi, chia sẻ quan điểm về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có cuộc gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon để trao đổi về việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Liên hợp quốc, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc, khẳng định vai trò và những đóng góp tích cực của Việt Nam với tư cách là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của Liên hợp quốc đối với công cuộc phát triển của Việt Nam.
Với ý nghĩa đó, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, hữu nghị, hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa, đưa các quan hệ đối tác đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả, vì lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc, đồng thời góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thái độ của nhân dân Mỹ qua báo chí
Trước thềm chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, báo giới Mỹ đồng loạt đưa tin liên quan đến chuyến thăm với nhiều kỳ vọng lớn. Tờ Nhật báo Phố Wall (Wall Street Journal-WSJ) ngày 3-7 đưa tin, chuyến thăm nhằm đánh dấu kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mỹ, hai thập kỷ sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Theo WSJ, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cơ hội để Mỹ mở rộng ảnh hưởng của mình và làm sâu sắc hơn chính sách “xoay trục” của chính quyền Obama đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác thương mại với Việt Nam. Cựu Tổng thống Bill Clinton đang ở thăm Việt Nam để đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước; trong khi Việt Nam là một trong các quốc gia tham gia đàm phán với Mỹ nhằm tạo ra một hiệp ước thương mại mới, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo WSJ, động thái của Trung Quốc khi đẩy mạnh xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở phần tranh chấp trên biển Đông đã làm dấy lên mối lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực để tăng cường các tuyên bố chủ quyền trong vùng biển đang tranh chấp. Hoạt động cải tạo của Trung Quốc trong thời gian gần đây cũng đã cảnh báo các quan chức Mỹ, những người lo lắng về tác động với các tuyến đường vận chuyển trên biển trong tương lai.
Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, AP cho biết chuyến thăm sẽ “xây dựng lòng tin và tạo ra nhiều cơ hội hơn để cải thiện mối quan hệ Việt Nam-Mỹ”. Dẫn tuyên bố chính thức từ Nhà Trắng, AP cho biết các nhà lãnh đạo Mỹ và Việt Nam sẽ “thảo luận về thương mại, quyền con người và hợp tác quốc phòng” trong chuyến thăm lần đầu tiên tới Mỹ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Bình luận về quan hệ hai nước, AP nhận định Việt Nam và Mỹ đang tìm kiếm để tăng cường quan hệ như một cách để đối phó với những thách thức chiến lược và kinh tế. Sự quyết đoán trong tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc trên biển Đông đã đưa Việt Nam vào thế phải quan tâm đến Mỹ như nhân tố giúp cân bằng các mối quan hệ. Mỹ cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam để giúp đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Trang tin Bloomberg cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Mỹ. Dẫn các nguồn tin chính thức từ Việt Nam và Mỹ, Bloomberg cho biết chuyến thăm sẽ đề cập đến các vấn đề đàm phán TPP, hợp tác an ninh, biến đổi khí hậu, hợp tác thương mại, nhân quyền và hợp tác quốc phòng song phương... Dẫn lời nhà phân tích an ninh Alexander Vuving tại Trung tâm nghiên cứu các vấn đề an ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Hawaii, bài báo nhận định chuyến thăm nhấn mạnh lợi ích tương đồng của Mỹ và Việt Nam ở vào thời điểm Trung Quốc có sự quyết đoán trong tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam trên biển Đông. Cũng theo Bloomberg, thương mại song phương Việt Nam-Mỹ đã tăng vọt lên 36 tỷ USD năm 2014 so với chỉ 451 triệu USD năm 1995. Cuối năm 2014, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, cho phép chuyển nhượng các loại vũ khí phi sát thương và cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra, một phần của một gói viện trợ quân sự trị giá 18 triệu USD.
Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt
Trả lời phỏng vấn các hãng tin Mỹ và quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định mục đích chuyến thăm là nhằm tăng cường hiểu biết, hữu nghị; đánh giá về quan hệ Việt Nam-Mỹ 20 năm qua, định hướng phát triển quan hệ giữa hai nước theo hướng tích cực, lành mạnh, ổn định trong thời gian tới. Hai bên cũng thúc đẩy hợp tác nhiều mặt và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ với trọng tâm là thu hút đầu tư, mở rộng và thuận lợi hóa thương mại, đồng thời đẩy mạnh hợp tác chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ, đẩy mạnh giao lưu trên các kênh, các lĩnh vực khác.
Liên quan đến một số khác biệt tồn tại giữa hai nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết giống như bất kỳ mối quan hệ giữa hai quốc gia trên thế giới nào, Việt Nam và Mỹ có sự khác biệt trên một số vấn đề như nhận thức về dân chủ, nhân quyền và thương mại và theo Tổng Bí thư, để giải quyết sự khác biệt, cách hiệu quả nhất là xây dựng đối thoại cởi mở nhằm tăng cường hiểu biết để sự khác biệt không trở thành trở ngại cho quan hệ song phương nói chung.
Tổng Bí thư hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục “xoay trục” đến Châu Á, đồng thời nhìn nhận Mỹ như một lực lượng góp phần vào sự ổn định trong khu vực. Tổng Bí thư cũng hoan nghênh động thái của Mỹ trong những năm gần đây trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông, nơi Trung Quốc, Việt Nam và các nước khác tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần của vùng biển. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng tự do hàng hải cũng là một vấn đề cần quan tâm của các quốc gia ngoài khu vực và tuyên bố chống lại việc quân sự hóa của khu vực, kêu gọi Mỹ giúp duy trì hiện trạng trong khu vực này.
Thu Thủy
(tổng hợp)