Báo Công An Đà Nẵng

Tổng Cty Điện lực miền Trung đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ khách hàng

Chủ nhật, 29/08/2021 16:08

Hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2022 và hoàn thành toàn bộ lộ trình chuyển đổi số vào năm 2025, năm 2021, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đồng loạt triển khai chương trình chuyển đổi số trên tất cả các mặt hoạt động. Riêng lĩnh vực quản lý kỹ thuật và dịch vụ khách hàng, việc chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả lớn cho cả EVNCPC và khách hàng sử dụng điện…

@: Số hóa dữ liệu các thiết bị trên lưới điện

Trên lĩnh vực kỹ thuật sản xuất, EVNCPC đang triển khai và phấn đấu hoàn thành trong năm 2021 việc số hóa toàn bộ các thiết bị chính trên lưới điện 110kV và trung hạ áp. Nhìn khối lượng lớn về đường dây và 134 trạm biến áp 110kV, 4.000 km đường dây 110kV, 30.000 km đường dây trung áp, 29.775 trạm biến áp phân phối…, việc hoàn thành số hóa dữ liệu các thiết bị trên lưới điện là một bước tiến rất lớn.

 

EVNCPC đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến hiệu quả với cả khách hàng và doanh nghiệp

 

Trên cơ sở dữ liệu số này, EVNCPC có thể triển khai giải pháp CBM – sửa chữa bảo dưỡng dựa trên tình trạng thiết bị, tối ưu hóa chi phí và hạn chế thời gian cắt điện công tác trên thiết bị, từ đó nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ khách hàng. Bên cạnh đó, 100% trạm biến áp 110kV đã chuyển sang vận hành không người trực và được điều khiển từ xa qua các trung tâm điều khiển, nên việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu để sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị điện theo tình trạng và theo thời gian thực là bước thay đổi rất lớn trong công tác quản lý vận hành lưới điện của EVNCPC.

Theo tìm hiểu của Chuyên đề Công an Đà Nẵng, nếu như trước đây các trạm biến áp có người trực đòi hỏi nhân công khoảng 11 người/trạm, thì từ khi chuyển sang vận hành không người trực, EVNCPC đã tiết giảm gần như toàn bộ số nhân lực hơn 100 người này. Cùng với đó là khả năng điều khiển, xử lý các tình huống kỹ thuật của trạm được nâng cao, nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn do có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ.

Một ứng dụng khác trong công tác quản lý kỹ thuật đang được EVNCPC nghiên cứu đưa vào sử dụng phải kể đến công nghệ IoT, AI để xử lý hình ảnh kiểm tra hiện trường lưới điện được thu thập bằng flycam. Nghiên cứu này cũng sẽ được tích hợp vào hệ thống PMIS - phần mềm Quản lý kỹ thuật, giúp kiểm tra và tự động phân tích khối lượng lớn hình ảnh hiện trường được thu thập tại các đơn vị, từ đó nhanh chóng phát hiện các khiếm khuyết của lưới điện để triển khai khắc phục kịp thời, chính xác.

@: Nhiều ứng dụng hữu ích, tiện lợi

Trong công tác kinh doanh – dịch vụ khách hàng, chuyển đổi số cũng đã và đang diễn ra mạnh mẽ với nhiều ứng dụng hữu ích, tiện lợi mới được xây dựng, tiêu biểu trong đó là việc chuyển đổi thực hiện các dịch vụ điện theo phương thức điện tử, cụ thể là chuyển hình thức ký  hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) bằng văn bản giấy sang hình thức ký kết chứng thư số (OTP) và quản lý bằng hình thức điện tử; tăng cường giao dịch với khách hàng qua các kênh trực tuyến: Trung tâm hành chính công, Cổng Dịch vụ công quốc gia, website chăm sóc khách hàng, Email, App/Zalo và thực hiện các dịch vụ điện theo phương thức điện tử.

EVNCPC đang hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2022, hoàn thành toàn bộ lộ trình chuyển đổi số vào năm 2025

 

Hiện nay, với ứng dụng cấp điện hạ áp không khảo sát hiện trường, các Công ty Điện lực thành viên của EVNCPC có thể hoàn thành việc cấp hoàn thành hồ sơ cấp điện mới trong 01 ngày, toàn bộ quá trình đăng ký cấp điện của khách hàng, từ việc khảo sát hiện trường cấp điện đến thỏa thuận vị trí lắp đặt công tơ, xây dựng và thống nhất phương án lắp đặt… đều được thực hiện trực tuyến; HĐMBĐ cũng được ký bằng phương thức điện tử. Lãnh đạo EVNCPC thông tin: Tính cuối tháng 7-2021, đã có 7.152 khách hàng được cấp điện qua ứng dụng cấp điện hạ áp không khảo sát hiện trường. Ứng dụng này đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian đi lại, thủ tục, chi phí cho cả ngành điện và khách hàng.

Theo kế hoạch, năm 2021 EVNCPC hoàn thành lắp đặt đưa vào sử dụng 100% công tơ điện tử trên lưới điện, có tích hợp công nghệ đo xa tự động RF-Mesh. Với công nghệ này và các ứng dụng phía đầu cuối đã được xây dựng, cả nhân viên điện lực và khách hàng đều có thể dễ dàng đọc chỉ số điện tiêu thụ tại nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Cùng với đó, với việc ứng dụng hóa đơn điện tử và các hình thức thanh toán trực tuyến, việc thanh toán, phát hành hóa đơn cũng trở nên nhanh chóng và thuận tiện.

Trên cơ sở dữ liệu tiêu thụ điện được thu thập tự động này, EVNCPC cũng đã phát triển ứng dụng cảnh báo sản lượng điện tăng cao. Ứng dụng này đã được triển khai đến tất cả các Công ty Điện lực tỉnh/thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên để phục vụ khách hàng,  như thời gian vừa qua đã phát huy tốt hiệu quả trong bối cảnh nắng nóng kéo dài và dịch Covid-19 khiến điện năng tiệu thụ trong gia đình tăng cao. Khách hàng được cảnh báo kịp thời khi có tình trạng tăng bất thường về sản lượng tiêu thụ, qua đó điều chỉnh việc sử dụng điện hoặc kiểm tra hệ thống điện để phát hiện và xử lý sớm các điểm rò rỉ/chạm chập khiến điện năng thất thoát và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Qua ứng dụng cảnh báo này, tính đến nay, EVNCPC đã hỗ trợ khách hàng phát hiện và xử lý được 487 trường hợp rò rỉ, chạm chập đường dây sau công tơ, khắc phục được tình trạng thất thoát điện năng và tránh được nguy cơ tai nạn điện.

Phải nói rằng, đẩy mạnh chuyển đổi số không chỉ mang lại hiệu quả cho ngành điện, mà còn cho cả khách hàng sử dụng điện. Thực tế ai cũng nhìn thấy rất rõ, đó là  điện được cung cấp an toàn, ổn định, chất lượng điện được nâng cao. Trong khi đó, dịch vụ khách hàng được cải thiện, các dịch vụ điện luôn sẵn sàng, nhanh chóng…

Công Hạnh