Báo Công An Đà Nẵng

Tổng kết Trại sáng tác Văn học Mỹ thuật thiếu nhi năm 2018: Khát vọng bay xa

Thứ tư, 27/06/2018 13:17

Sáng nay (27-6), Liên hiệp các Hội VHNT phối hợp với Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức tổng kết Trại sáng tác Văn học, Mỹ thuật thiếu nhi năm 2018, sau 10 ngày hoạt động với nhiều nội dung vui tươi, bổ ích. Về mảng văn học, tham dự trại sáng tác hè năm nay, có 16 trại viên (từ lớp 8 đến lớp 11, đến từ các trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Lê Lợi, Nguyễn Văn Linh, Lý Tự Trọng, THPT Nguyễn Hiền, Hermann Gmeiner, Phan Châu Trinh, chuyên Lê Quý Đôn), với 33 tác phẩm thơ văn.

Các em tham quan tượng đài Bà mẹ VNAH trong dịp tham dự Trại sáng tác hè 2018.

Hầu hết, bài viết của các em xoay quanh chủ đề: tình yêu đất nước (Hồn Gạc Ma của Tạ Anh Tài), tình yêu thiên nhiên (Lần đầu vỗ cánh của Lê Ngô Tường Vy),  gia đình (Gia đình của Nguyễn Nho Minh Uyên, Vài trang nhật ký của Nguyễn Đỗ Huyền Vi, Chuyện một bài văn của Trần thị Tuyết, Ô Nha của Hồ Tịnh Nghi, Đêm báo điểm của Trần Thị Tuyết), trường học (Kho báu của Trần Thị Tuyết, Trường xưa của Tạ Anh Tài), nỗi trăn trở của tuổi mới lớn (Tháng 5, trăng và người tình của Nguyễn Đăng Khánh, Hạ 13 của Thái Nguyễn Khánh Uyên, Serie Chuyện củ chuối của Thảo của Nguyễn Thùy Yên Thảo), và một số bài ghi chép về những nơi chốn các em đã được trải nghiệm trong chuyến đi thực tế của trại viết (Nắng hạ, Về miền yêu thương của Hồ Tịnh Nghi, Hủ tiếu Đà Thành của Nguyễn Đăng Khánh)...

Theo đánh giá ban đầu của Ban tổ chức Trại sáng tác, phần lớn tác phẩm của các em năm nay tham gia tập trung ở thể loại tản văn, ghi chép ngắn... Do đó, đối với một số em có sự nỗ lực đầu tư xây dựng bản thảo thành những tác phẩm truyện ngắn với những tình tiết và cách diễn đạt xúc cảm công phu đều đem đến kết quả khích lệ. Điển hình như em Võ Thanh Nhật Anh với  truyện ngắn Bay đã thể hiện sự tưởng tượng khá sáng tạo. Đó là câu chuyện chú Cá nằm trong hồ nước ấp ủ một khát vọng được bay lên. Nỗi niềm ấy chú Cá hằng ngày thường tỉ tê, tâm sự cùng Mèo -bạn thân. Cả hai đã nghĩ đến nhiều cách để "được sải cánh vút bay, được cùng nhau rời căn hộ này mà vẫy vùng khắp chốn". Dù Mèo, đã có những nỗ lực hợp tác, dạy Cá cách "bay", nhưng việc bất thành. Rốt cuộc, Cá phải lựa chọn cách "bay" của riêng mình. Truyện làm gợi nhớ đến tác phẩm nổi tiếng Ba-ri-e của nhà văn Bulgaria Paven Vêginốp, khiến chúng ta hình dung đến một bức tranh khắc họa ý chí, niềm tin, khẳng định rằng, những lực cản trong cuộc đời vẫn không ngăn được khát vọng con người bay lên bầu trời tự do bao la. Một truyện ngắn khác của Võ Thanh Nhật Anh "17 và 13" cũng được đánh giá cao, gồm những ký ức rời rạc về nỗi buồn đầu tiên của một người chị 17 tuổi vĩnh viễn mất đi đứa em 13 tuổi, để rồi "chỉ còn lại một mình giữa thế giới rộng lớn này, cô độc". Mẹ ạ! Con muốn ước mơ" là truyện ngắn của Trần Lê Huy viết về chủ đề gia đình- học đường quen thuộc. Đó là chuyện không ít phụ huynh thích áp đặt việc học hành lên đời sống, sinh hoạt của đứa con đang tuổi mới lớn, khao khát được sống vui đùa, hồn nhiên như bao bạn bè cùng lứa... cho đến khi nhận ra sai lầm thì sự việc đã muộn màng. Những tình tiết giản đơn, gần gũi, nhưng đầy xúc động, một lần nữa tác phẩm của Trần Lê Huy gióng lên tiếng chuông cảnh báo nhiều phụ huynh cần quan tâm, lắng nghe hơn những bước chuyển động tâm lý của con cái đang bước đến tuổi trưởng thành.

Cuộc phiêu lưu của mặt trời của Nguyễn Hà Anh Thư diễn tả sự chuyển động kỳ diệu của thiên nhiên. Nhân vật chính nơi đây là Mặt trời, bên cạnh là những bạn bè như:  Lão Tím, Sao Văn Thủy, Sao Nguyễn Kim... Thế nhưng, Mặt trời luôn thấy mình cô đơn, nhàm chán, với công việc lặp đi lặp lại khi xung quanh mình "chỉ là một khoảng trống vũ trụ"... Cho đến một ngày kia, qua những cuộc hàn huyên, gặp gỡ bạn bè, Mặt trời chợt hiểu ra,  mình có một trái tim, có đôi bàn tay vẽ nên những sắc màu cầu vồng lung linh, kỳ ảo..., gã thấy cuộc sống trở nên thật ý nghĩa và  không còn cô đơn.

Sự xinh đẹp và niềm kiêu hãnh của Hoàng Thảo Nhi, là  một truyện ngắn nhân cách hóa thú vị về một quyển sách truyện dành cho tuổi thơ. Quyển sách bước đến căn nhà của bé Ny vào một dịp sinh nhật cô bé, là món quà của mẹ. Ngày ngày quyển sách gắn bó, gần kề với bé Ny mọi lúc mọi nơi. Thế rồi, bất ngờ, một hôm bỗng dưng bé Ny có thêm người bạn mới đen sì có tên là "điện thoại". Nó nghiễm nhiên thế vào vị trí thân ái nhất của bé Ny. Quyển sách trở thành đồ bỏ đi, nằm thiếp dưới hiên mưa... Tuy nhiên, điều may mắn, quyển sách lại gặp được một người bạn tri kỷ tên Liên - một người thủy chung với tình yêu đọc sách, nên nhiều năm tháng quyển sách ấy vẫn còn nguyên vẹn giá trị của mình. Đây là một truyện ngắn có ý nghĩa đề cao "văn hóa đọc" khi hiện nay công nghệ thông tin cùng những lĩnh vực giải trí khác đang ngày một lấn chiếm đời sống tinh thần thanh thiếu niên.

Bên cạnh những điển hình nêu trên, các tác giả khác như: Nguyễn Phạm Oanh Oanh, Nguyễn Thị Như Thắm, Trần thị Tuyết, Hồ Tịnh Nghi, Lê Ngô Tường Vy,   Nguyễn Thùy Yên Thảo... cũng được đánh giá đã có nhiều nỗ lực trong thời gian tham gia Trại viết. Những ngày hè vui tươi thoắt chốc  rồi cũng qua nhanh. Mong sao với những gì đã được trải nghiệm trong thời gian tham gia Trại sáng tác vừa qua sẽ góp phần nâng cánh ước mơ, giúp các em bay lên, bay xa... đến những xúc cảm mới về tình yêu văn học, để từ đó, các em biết yêu thương nhiều hơn cái chân thiện mỹ, và có những hoài bão cao quý hướng đến tương lai...

TRẦN TRUNG SÁNG

Giải thưởng trại sáng tác văn học, mỹ thuật thiếu nhi Đà Nẵng năm 2018

BỘ MÔN VĂN HỌC:

Giải nhất: Võ Thanh Nhật Anh (lớp 11/22  Trường THPT Phan Châu Trinh) với hai truyện ngắn "Bay" và "Mười bảy và mười ba". Giải nhì: Hoàng Thảo Nhi (lớp 10C1 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) với truyện ngắn "Sự xinh đẹp và niềm kiêu hãnh" ; Nguyễn Hà Anh Thư (lớp 6/1 Trường Hermann Gmeiner) với truyện ngắn "Cuộc phiêu lưu của mặt trời"; 3 giải ba và 11 giải khuyến khích.

BỘ MÔN MỸ THUẬT:

Giải nhất: Nguyễn Thủy Trúc Linh (lớp 6/6 Trường THCS Nguyễn Trãi) với tác phẩm "Niềm hạnh phúc của ngư dân"; Giải nhì: Trần Minh Cường (lớp 8/5 Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu) với tác phẩm "Trại hè 2018 - Khám phá làng gốm Thanh Hà Hội An"; Thái Bảo Trâm (lớp 6/1 Trường Đỗ Đăng Tuyển) với tác phẩm "Bên Sông Hàn"; 3 giải ba và 15 giải khuyến khích.