Báo Công An Đà Nẵng

Tổng lực xét nghiệm, không để “lọt sổ” F0

Thứ ba, 17/08/2021 18:54

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều 17-8, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhận định, qua hai ngày thành phố áp dụng biện pháp mạnh, nhiều ca F0 đã được phát hiện cho thấy công tác phòng, chống dịch của thành phố đang đi đúng hướng. Những ngày vàng còn lại, ngành y tế phải dốc tổng lực truy vết, xét nghiệm, không để bất cứ một F0 nào “lọt sổ”.

 Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 chiều 17-8.

Tránh đi trước, về sau

Chiều 17-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cho biết, trong ngày Đà Nẵng ghi nhận 120 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó 91 ca đã cách ly, 20 ca trong khu phong tỏa, 9 ca trong cộng đồng. Trong 91 ca đã cách ly có 47 ca được cách ly tập trung, 44 trường hợp cách ly tại nhà.

9 ca trong cộng đồng có 4 ca là lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 ở các phường Hòa Thuận Đông, Hòa Cường Nam (quận Hải Châu); Hòa Minh (quận Liên Chiểu) và Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). 5 trường hợp còn lại được phát hiện khi đi khám tại cơ sở y tế, lấy mẫu xét nghiệm hộ gia đình khu vực có nguy cơ, trong đó có trường hợp là tiểu thương, người dân đi chợ đầu mối. Chuỗi lây nhiễm liên quan chợ đầu mối Hòa Cường tiếp tục ghi nhận thêm 84 trường hợp mắc mới.

Lực lượng Công an tuần tra, kiểm soát trên địa bàn thành phố.

Đáng chú ý, trong số 120 trường hợp mắc mới trong ngày có 8 trường hợp chưa rõ nguồn lây, gồm 1 ca được lấy mẫu hộ gia đình tại phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ), 1 ca có triệu chứng đến khám tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ và 6 ca tại xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang).

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho hay, trong ngày thứ 2 thành phố áp dụng biện pháp mạnh, đa số người dân chấp hành nghiêm, một số bất cập trong ngày đầu tiên cũng đã được các đơn vị khắc phục. Đặc biệt, công tác tổ chức xét nghiệm đã đảm bảo đúng quy trình, không còn tình trạng tập trung đông người.

Các chốt chặn vẫn duy trì hoạt động để kiếm soát chặt việc người dân ra đường.

Nhận định diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố, ông Chinh cho rằng nguy cơ lây lan vẫn còn cao. Với việc nhiều ca nhiễm mới tiếp tục được ghi nhận trong các khu vực phong tỏa, tập trung nhiều ở khu vực quận Sơn Trà, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu chính quyền địa phương phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, cần thiết tiến hành rào cứng trước nhà để tránh việc người dân qua lại, tiếp xúc với nhau.

“Sơn Trà là địa phương triển khai phong tỏa các phường trên địa bàn trước khi thành phố áp dụng biện pháp mạnh. Vì thế, quận phải làm mạnh, làm nghiêm hơn nữa để chặn đứng đà lây trong các khu phong tỏa, không để xảy ra tình trạng đi trước mà về sau các quận, huyện khác trong cuộc chiến chống dịch”, ông Chinh chỉ đạo.

Đường phố Đà Nẵng vắng lặng trong ngày thứ 2 áp dụng biện pháp mạnh.

Tiếp tục bốc tách F0 ra khỏi cộng đồng

Trước việc các ca trong cộng đồng vẫn liên tiếp được phát hiện, nhiều ca qua 2-3 lần xét nghiệm mới phát hiện dương tính, ông Chinh yêu cầu các địa phương phải khẩn trương rà soát, thông báo khẩn cho những ai liên quan đến chuỗi lây nhiễm từ Cảng cá Thọ Quang và chợ đầu mối Hòa Cường phải khai báo y tế ngay. “Lãnh đạo các quận, huyện phải chỉ đạo các xã, phường khẩn trương phát phiếu khai báo cho người dân khai báo và tiến hành xét nghiệm, tuyệt đối không bỏ sót trường hợp nào. Các địa phương phải chủ động, không đợi chờ người dân tự giác khai báo. Sau khi phát phiếu, ai không khai báo sau này phát hiện dương tính thì phải xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự”, ông Chinh nhấn mạnh.

Lực lượng y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho đại diện hộ gia đình.

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chiều 17-8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhận định, khi dốc lực xét nghiệm cho 100% đại diện hộ gia đình thì việc phát hiện nhiều ca F0 trong ngày đương nhiên. Điều này cho thấy chủ trương phòng, chống dịch của thành phố đang đi đúng hướng. “Trong ngày mai chúng ta sẽ hoàn thành xét nghiệm cho 100% đại diện các hộ gia đình đợt một. Ngành y tế phải tổng kết, đánh giá lại một cách tổng thể từ đó xác định nguy cơ ở từng vùng để tiếp tục có giải pháp xử lý. Song song đó, ngành y phải có kế hoạch xét nghiệm định kỳ, kịp thời phát hiện các F0 trong lực lượng tuyến đầu để cách ly, điều trị. Những trường hợp không chịu đi xét nghiệm phải áp dụng biện pháp mạnh, xử lý thật nghiêm để đảm bảo không một F0 nào “lọt sổ” trong 7 ngày vàng chống dịch”, ông Quảng chỉ đạo.

Phi Nông