Báo Công An Đà Nẵng

Tổng thống Afghanistan thân chinh tới phía Bắc tập hợp lực lượng

Thứ năm, 12/08/2021 18:24

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã tới thành phố miền Bắc bị bao vây Mazar-i-Sharif trong ngày 11-8 để tập hợp lực lượng trong bối cảnh các tay súng Taliban đã chiếm hơn 1/4 các thủ phủ tỉnh của đất nước trong vòng chưa đầy một tuần.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (người đeo khẩu trang) đến Mazar-i-Sharif cố gắng tập hợp các lực lượng trung thành với chính phủ. Ảnh: Reuters

Ông Ghani đã tới Mazar trong bối cảnh Taliban đã đẩy mạnh các cuộc tấn công và đang đạt được những bước tiến nhanh chóng trên thực địa. Theo kế hoạch, ông Ghani "kiểm tra an ninh chung ở khu vực miền Bắc" và cũng có thể hội đàm với nhân vật quyền lực ở Mazar-i-Sharif là Atta Mohammad Noor và lãnh chúa khét tiếng Abdul Rashid Dostum về việc phòng thủ thành phố trong khi Taliban đã áp sát các vùng ngoại ô của thành phố. Việc mất quyền kiểm soát Mazar-i-Sharif sẽ là một đòn nặng đối với Kabul và đại diện cho sự sụp đổ hoàn toàn quyền kiểm soát của chính quyền Afghanistan đối với khu vực phía Bắc - một pháo đài của lực lượng dân quân chống Taliban.

Taliban vẫn trên đà chiến thắng

Trong thông báo đưa ra sáng 11-8, giới chức Afghanistan cho biết Taliban đã chiếm giữ thành phố Faizabad - thủ phủ tỉnh Badakhsan ở miền Bắc. Đây là thủ phủ tỉnh thứ 9 rơi vào tay Taliban trong vòng chưa đầy một tuần. Riêng trong ngày 10-8, Taliban đã chiếm giữ thêm 2 thành phố của Afghanistan, trong đó có thành phố Pul-e-Khumri - thủ phủ tỉnh Baghlan, chỉ cách thủ đô Kabul khoảng 200 km, trong khi hàng nghìn người ở miền Bắc nước này đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Trong khi đó, các lực lượng Chính phủ Afghanistan vẫn đang giao tranh với Taliban tại Kandahar, Helmand và một số tỉnh ở miền Nam.

Taliban hiện đã chiếm được quyền kiểm soát tới 65% lãnh thổ đất nước, trong đó có cả những khu vực từng được xem là thành trì chống Taliban trong những năm 1990. "Hiện tại, Taliban đã kiểm soát khoảng 65% diện tích lãnh thổ của đất nước. Khả năng của các lực lượng vũ trang Afghanistan đã bị hạn chế nghiêm trọng do sự rút lui của quân đội phương Tây - những người đã huấn luyện và giúp đỡ quân đội Afghanistan", Một quan chức EU giấu tên cho biết. Theo lời của vị quan chức này, các lực lượng đặc nhiệm Afghanistan, bao gồm 75.000 quân nhân hiện đang chiến đấu chống lại Taliban. Đây cũng được xem là lực lượng có hiệu quả chiến đấu cao nhất trong số khoảng 180.000 nhân sự đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang của Afghanistan.

Quan chức này cho rằng, quân đội Mỹ và NATO rút lui đã làm suy yếu nghiêm trọng tinh thần của Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan (ANDSF) và chuỗi cung ứng của họ. Không quân Afghanistan thường không làm nhiệm vụ hỗ trợ từ trên không cho các chiến dịch đặc biệt do vấn đề về hậu cần. Taliban đã tăng cường tấn công vào các cơ sở quân sự và trạm kiểm soát do không còn e ngại quân đội phương Tây trong khi các binh sĩ ANDSF lại thiếu kinh nghiệm huấn luyện và chiến đấu để đẩy lùi các cuộc tấn công đó.

Tờ Washington Post ngày 11-8 dẫn lời giới chức Mỹ cho biết nước này lo ngại lực lượng Taliban có thể chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan trong vòng 1-3 tháng, sớm hơn nhiều so với đánh giá tình báo đưa ra trước đó. Theo tờ báo, tình hình hiện nay ở Afghanistan đã xấu đi so với hồi tháng 6 vừa qua khi cơ quan tình báo Mỹ dự đoán Kabul sẽ sụp đổ trong thời gian 6-12 tháng sau khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á này. Một nguồn thạo tin cho biết "mọi việc đang diễn biến theo chiều hướng xấu."

Mỹ không hối tiếc về quyết định rút quân

Dù tình trạng bạo lực tại Afghanistan đang ngày một gia tăng, Tổng thống Mỹ Joe Biden không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc hoãn thời hạn rút toàn bộ binh lính nước này về nước vào ngày 31-8. Phát biểu với báo giới tại Washington hôm 10-8, Tổng thống Biden khẳng định ông không cảm thấy hối tiếc về quyết định rút quân khỏi Afghanistan sau 2 thập kỷ đưa quân đến quốc gia Tây Nam Á này. Ông khẳng định Mỹ đã chi hơn 1.000 tỷ USD trong hơn 20 năm qua và huấn luyện cũng như trang bị khí tài hiện đại cho hơn 300.000 binh lính Afghanistan. Hàng nghìn người Mỹ đã thiệt mạng và bị thương trong cuộc chiến này. Tổng thống Biden khẳng định các nhà lãnh đạo Afghanistan phải đoàn kết và chiến đấu vì chính bản thân và quốc gia của mình.  Tuy nhiên, chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính, trang thiết bị quân sự cũng như hậu cần cho các lực lượng Afghanistan. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ hỗ trợ nâng cao khả năng chiến đấu của không quân Afghanistan, để đối phó với Taliban.

LHQ nỗ lực tìm giải pháp chính trị

Ngày 10-8, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Stephane Dujarric cho biết tổ chức này vẫn giữ liên lạc với các bên liên quan ở Afghanistan để tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. Phát biểu trước báo giới, ông Stephane Dujarric cho biết "chúng tôi tiếp tục giữ liên lạc với tất cả các bên, cho dù ở Afghanistan hay ở trong khu vực trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị". Người phát ngôn Dujarric cũng cho biết các diễn biến diễn ra trên thực địa ở Afghanistan là "cực kỳ đáng lo ngại" và "tất cả những điều này nên là một lời nhắc nhở các bên thực sự tập trung vào tiến trình chính trị".

Hôm 10-8, Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad đã tới thủ đô Doha, Qatar để thúc đẩy Taliban ngừng bắn và đàm phán về một giải pháp chính trị. Theo ông Khalilzad, bất kỳ chính phủ nào lên nắm quyền thông qua vũ lực đều sẽ không được quốc tế công nhận.

AN BÌNH