Tổng thống Biden tăng tốc hỗ trợ Ukraine trước khi rời nhiệm sở
Ngày 10-11, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Nhà Trắng sẽ giải ngân 6 tỷ USD viện trợ còn lại cho Ukraine trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1-2025. "Một trong những mục tiêu chủ đạo của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong những tháng cuối nhiệm kỳ là đặt Ukraine vào vị thế mạnh mẽ nhất trên chiến trường để bảo đảm họ có lợi thế lớn nhất khi ngồi vào bàn đàm phán", ông Jake Sullivan cho biết trong cuộc phỏng vấn được kênh CBS công bố ngày 10-11.
"Trong 70 ngày tới, Tổng thống Biden sẽ có cơ hội thuyết phục Quốc hội và chính quyền mới rằng Mỹ không nên rời xa Ukraine, rằng việc rời xa Ukraine đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều bất ổn hơn ở châu Âu", ông Jake Sullivan nói. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ cho biết Tổng thống Biden sẽ hối thúc các nghị sĩ Mỹ cung cấp "nguồn lực liên tục" cho Ukraine, nhưng không nêu rõ những nguồn lực đó sẽ bao gồm những gì.
Trong một động thái ủng hộ Ukraine khác, hôm 8-11, ngay sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2024, chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là đã dỡ bỏ lệnh cấm triển khai nhà thầu quốc phòng Mỹ đến Ukraine để sửa chữa vũ khí do Washington sản xuất. Sự hiện diện tiềm tàng của công dân Mỹ trên thực địa sẽ "nhỏ", cách xa tiền tuyến và họ sẽ không tham gia chiến đấu. "Các nhà thầu Mỹ sẽ giúp Lực lượng Vũ trang Ukraine nhanh chóng sửa chữa và bảo trì thiết bị do Mỹ cung cấp khi cần thiết để chúng có thể nhanh chóng trở lại tiền tuyến" - một quan chức Mỹ giấu tên nói với CNN.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên đưa tin Washington có kế hoạch chuyển nhiều viện trợ quân sự nhất có thể cho Kiev trước tháng 1-2025. Theo một quan chức Mỹ cấp cao, Lầu Năm Góc đang chuẩn bị gửi hơn 500 tên lửa đánh chặn cho hệ thống tên lửa phòng không Patriot và hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS trong vài tuần tới, nhằm giúp Ukraine đối phó với các đợt không kích tăng cường bằng máy bay không người lái và tên lửa của Nga. WSJ còn cho biết thêm rằng Washington đang xem xét việc mua lại vũ khí từ các quốc gia khác để viện trợ cho Ukraine. Hiện Văn phòng tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Bộ Quốc phòng Ukraine, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận chính thức nào về vấn đề trên.
Theo WSJ, chính quyền Tổng thống Biden còn hơn 7 tỷ USD trong thẩm quyền, cho phép Lầu Năm Góc chuyển vũ khí và đạn dược cho Kiev, cũng như 2 tỷ USD khác để tài trợ các hợp đồng thiết bị dài hạn cho Ukraine. Theo WSJ, việc gấp rút chuyển nhiều nhất có thể số vũ khí đến Ukraine trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Biden kết thúc nhằm mang lại lợi thế cho Kiev và củng cố "vị thế đàm phán" của nước này.
Kể từ khi chiến sự bùng phát đầu năm 2022, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hàng chục tỷ USD vũ khí, đồng thời dẫn đầu liên minh gồm hàng chục nước ủng hộ Kiev. Viện trợ của Mỹ vào lúc này được cho là rất quan trọng khi Nga đạt nhiều bước tiến trên chiến trường, còn Ukraine đối mặt tình trạng thiếu quân và vũ khí ngày càng trầm trọng. Trước đó, trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ kết thúc xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ mặc dù không đưa ra kế hoạch chi tiết và cụ thể. Chính quyền Ukraine lo ngại một khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump sẽ cắt giảm đáng kể hoặc chấm dứt các nguồn viện trợ cho Kiev, như một phần trong nỗ lực đưa Kiev và Moscow vào bàn đàm phán.
Theo báo Washington Post, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 7-11, trong đó hai bên thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine. Tại cuộc điện đàm, ông Trump và ông Putin đã thảo luận tình hình ở Ukraine và “mục tiêu hòa bình trên lục địa châu Âu”. Tổng thống đắc cử Trump bày tỏ sự quan tâm đến các cuộc trò chuyện tiếp theo để thảo luận nỗ lực “kết thúc sớm cuộc xung đột ở Ukraine”.
AN BÌNH