Báo Công An Đà Nẵng

Tổng thống Brazil đối mặt với khủng hoảng “kép”

Thứ hai, 27/04/2020 09:55

Trong bối cảnh phải vật lộn để đối phó với đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro còn đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị khi một bộ trưởng “ngôi sao” trong chính phủ từ chức và cáo buộc tổng thống can thiệp vào hoạt động của bộ máy tư pháp.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ảnh: Reuters

Bị chỉ trích

Ông Bolsonaro trở thành tổng thống mà không có đảng chính trị nào vào tháng 11-2019, sau khi bất hòa với các nhà lãnh đạo của đảng Tự do Xã hội, nơi đã ủng hộ đề nghị trở thành tổng thống của ông. Một số đồng minh chính trị - trong đó có hai con trai của ông Bolsonaro - đang bị điều tra trong một loạt các cáo buộc hình sự và lập pháp, bao gồm các kế hoạch rửa tiền.

Trong những tuần gần đây, Tổng thống Bolsonaro đã bị chỉ trích về cách ông ứng phó với đại dịch Covid-19. Ông Bolsonaro đã tham gia đoàn biểu tình để phản đối chỉ thị yêu cầu “ở nhà” của một số thống đốc bang ở nước này. ngày 17-4, ông sa thải bộ trưởng y tế, người ủng hộ các biện pháp hạn chế mà ông Bolsonaro cho rằng có thể hủy hoại nền kinh tế đất nước. Động thái của ông Bolsonaro đã dẫn đến những lời kêu gọi luận tội ở trong nước cũng như khiến thế giới hoang mang.

Tình trạng lây nhiễm SARS-CoV-2 ở Brazil đã tăng tốc trong tuần qua, với gần 53.000 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh và 3.670 trường hợp tử vong.

Cáo buộc can thiệp bộ máy tư pháp

Trước những thách thức đó, sự ra đi đầy kịch tính của Bộ trưởng Tư pháp Sergio Moro hôm 24-4 được các nhà phê bình và những người ủng hộ tổng thống coi là một đòn giáng mạnh có thể phá hủy quyền lực của ông Bolsonaro trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và suy thoái kinh tế.

Những diễn biến này có thể khiến ông Bolsonaro bị đưa ra luận tội, cảnh tượng chính trị mà Brazil, quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh, đã từng trải qua 4 năm trước khi cựu Tổng thống Dilma Rousseff bị luận tội và buộc phải rời khỏi chức vụ. Ông Moro, cựu Thẩm phán liên bang, người trở thành nhân vật tiêu biểu nhất của một cuộc thập tự chinh chống tham nhũng đã làm dấy lên hy vọng trên khắp Châu Mỹ Latinh trong những năm gần đây, đã từ chức để phản đối sau khi ông Bolsonaro sa thải người đứng đầu lực lượng cảnh sát liên bang Mauricio Valeixo nhưng không công bố lý do cụ thể.

Bị điều tra

Cáo buộc của ông Moro, đã thúc đẩy Bộ trưởng Tư pháp yêu cầu Tòa án Tối cao Brazil mở cuộc điều tra đối với Tổng thống Bolsonaro. Tuyên bố của Tổng chưởng lý Aras nêu rõ trong trường hợp những cáo buộc của ông Moro được xác thực thì ông Bolsonaro  đã phạm tội gây cản trở công lý và các tội ác khác, còn ngược lại thì tuyên bố của vị cựu Bộ trưởng Tư pháp này có thể bị xem là tội vu cáo người đứng đầu Nhà nước.

“Tất cả điều này làm hao mòn chính quyền vào thời điểm mà tất cả các nguồn lực nên tập trung vào việc chống đại dịch Covid-19 và bảo vệ nền kinh tế vốn bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng do tình trạng thất nghiệp và nghèo đói khát ngày càng tăng”, Thượng nghị sĩ Sergio Olimpio Gomes, một trong những đồng minh hàng đầu của ông Bolsonaro tại Quốc hội, cho biết hôm 24-4. “Những gì đã xảy ra hiện nay đã tạo thành một cơn bão hoàn hảo”, ông tuyên bố. “Tổng thống đang đào mộ cho chính mình”, cựu Tổng thống Fernando Fernandoque Cardoso (1995- 2002) đã viết trên Twitter. Gilmar Mendes, một thẩm phán của Tòa án Tối cao, cho rằng, thật khó để dự đoán mức độ thiệt hại của cuộc điều tra đối với ông Bolsonaro. Ông Bolsonaro dường như nắm bắt được mối nguy hiểm chính trị mà ông phải đối mặt trong bài phát biểu tối 24-4. Ông đã thách thức cuộc điều tra và gọi ông Moro là kẻ nói dối và cơ hội.

Theo các chuyên gia, sự ra đi của ông Moro sẽ là một đòn giáng mạnh vào cam kết của Tổng thống Bolsonaro nhằm thúc đẩy cuộc chiến điều tra chống tham nhũng mà không có sự can thiệp chính trị. 

AN BÌNH