Tổng thống Hàn Quốc đối mặt tình thế "ngàn cân treo sợi tóc"
Cuộc điều tra được giao cho nhóm điều tra an ninh thuộc Văn phòng Điều tra quốc gia của Cơ quan Cảnh sát quốc gia sau khi có 2 đơn khiếu nại được đệ trình. Một đơn khiếu nại do đảng Tái thiết Hàn Quốc thuộc phe đối lập đệ trình, trong khi đơn khiếu nại còn lại do một nhóm gồm 59 nhà hoạt động đệ trình.
Bên cạnh nhắm vào Tổng thống Yoon, các đơn khiếu nại còn cáo buộc cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, Tổng tham mưu trưởng Lục quân Tướng Park An-su và Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang-min về tội phản quốc cũng như một số tội liên quan khác về vai trò trong việc ban bố và dỡ bỏ thiết quân luật sau đó. Cơ quan công tố và Văn phòng Điều tra tham nhũng về quan chức cấp cao cũng đã nhận được các đơn khiếu nại cáo buộc Tổng thống Yoon về tội phản quốc và đang xem xét liệu có nên tiến hành điều tra riêng hay chuyển cho cảnh sát.
Bên cạnh đó, theo một số nguồn tin tư pháp, Văn phòng Công tố quận trung tâm Seoul cũng đã áp đặt lệnh cấm đi lại đối với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, người từ chức hôm 4-12, vì vai trò của ông trong quyết định ban bố lệnh thiết quân luật. Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang-min trước đó nói rằng chính ông Kim đã đề nghị Tổng thống áp dụng biện pháp này. Theo đài RT, ông Kim Yong-hyun đã xin lỗi vì gây ra bối rối và lo ngại khi cố vấn cho Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật. Ông cũng tuyên bố rằng ông sẽ chịu trách nhiệm về việc ban bố thiết quân luật vừa qua.
"Không sai trái"
Về phía mình, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết "không có hành vi sai trái" nào trong việc ban bố thiết quân luật, đồng thời nhấn mạnh rằng động thái này chỉ nhằm mục đích ngăn chặn những gì ông mô tả là "hành động luận tội liều lĩnh" của đảng Dân chủ (DP) đối lập chính. Theo các nguồn tin trong khối cầm quyền ngày 4-12, Tổng thống Yoon đã nhắc lại trong cuộc họp tại Văn phòng tổng thống rằng việc ban bố thiết quân luật tuân thủ các thủ tục hiến pháp và pháp lý. Ông bác bỏ các cáo buộc về bất kỳ hành vi sai trái nào, coi động thái này là phản ứng cần thiết đối với những gì ông gọi là "lạm dụng quyền luận tội" của đảng đối lập.
Sáng sớm 5-12, các đảng đối lập đã nộp đề nghị luận tội Tổng thống Yoon lên Quốc hội và cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra vào những ngày tới. Để có thể gom đủ 200/300 phiếu nhằm thông qua dự luật luận tội ông Yoon, phe đối lập sẽ cần 8 nghị sĩ của đảng PPP cầm quyền ủng hộ đề nghị của họ. Đảng PPP của Tổng thống Yoon tuyên bố, toàn bộ 108 nghị sĩ của đảng sẽ đoàn kết và từ chối luận tội ông. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng PPP cho biết ông đã yêu cầu Tổng thống Yoon rời khỏi đảng.
Đảng Dân chủ đối lập có kế hoạch bỏ phiếu luận tội ông Yoon vào lúc 19h, theo giờ địa phương, vào ngày 7-12, báo Hàn Quốc Chosun Ilbo đưa tin. Nếu động thái này được thông qua, ông Yoon sẽ bị đình chỉ chức vụ cho đến khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết. Nếu các thẩm phán chấp thuận, ông Yoon sẽ bị luận tội và cuộc bầu cử mới phải diễn ra trong vòng 60 ngày.
Trong khi đó, hàng nghìn người dân Hàn Quốc đã tuần hành trên đường phố Seoul, yêu cầu Tổng thống Yoon từ chức vì lệnh thiết quân luật. Đây là lệnh thiết quân luật đầu tiên do một nhà lãnh đạo nước này áp đặt kể từ năm 1980.
"Phán đoán sai lầm"
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell nhận định việc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố tình trạng thiết quân luật vừa qua là một "phán đoán sai lầm", nhất là khi nhìn lại quá khứ chính trị bất ổn trước đây tại nước này. "Những gì đã xảy ra trong 24 giờ qua tại Hàn Quốc ... hoàn toàn không thể đoán định trước và không hoàn toàn nghĩ đến, và tôi nghĩ Tổng thống Yoon đã đánh giá sai lầm nghiêm trọng", ông Campbell nhận định
Ông Campbell cho rằng Tổng thống Hàn Quốc đã thực hiện một việc được xem là "vô cùng có vấn đề" và "vô cùng bất hợp pháp". Ông nói thêm: "Tôi nghĩ rằng hồi ức về những chịu đựng trước đây của người dân đối với thiết quân luật là một cảm nhận sâu sắc và tiêu cực ở Hàn Quốc". Ông dự báo chính trị Hàn Quốc sẽ đối mặt với một thách thức không nhỏ để giải quyết sau vụ thiết quân luật. Tuy nhiên, ông Campbell cho biết phía Mỹ cam kết khẳng định tiếp tục duy trì liên minh song phương vững chắc và sự tin tưởng Hàn Quốc sẽ sớm giải quyết được tình hình hiện nay.
Kang Won-taek, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng quyết định đưa ra lệnh thiết quân luật là hành động "liều lĩnh" của Tổng thống Yoon. Park Sung-min, nhà phân tích tại tổ chức Min Consulting ở Seoul, cũng cho rằng sắc lệnh thiết quân luật bị hủy bỏ của Tổng thống Yoon khiến tương lai của ông trở nên bất định. Chuyên gia này cho biết ngay cả những đồng minh bảo thủ cũng chỉ trích quyết định của Tổng thống Yoon. Ông Park cảnh báo lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon gây ra rủi ro về an ninh và kinh tế cho Hàn Quốc cũng như liên minh của nước này với Mỹ và danh tiếng toàn cầu.
Jenny Town, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Stimson và giám đốc chương trình Hàn Quốc và 38 North, nhận định "khó có thể tưởng tượng rằng ông Yoon sẽ tiếp tục nắm quyền lâu dài sau sự việc này". "Khi lòng tin của người dân Hàn Quốc bị xói mòn nghiêm trọng, đảng của ông ấy khó có thể thắng thế nếu Tổng thống Yoon bị buộc phải từ chức hoặc bị luận tội", bà Jenny nói.
AN BÌNH