Báo Công An Đà Nẵng

Tổng thống Iran với “ván bài” thỏa thuận hạt nhân

Thứ hai, 29/06/2015 12:14

(Cadn.com.vn) - Trong bối cảnh các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran vẫn chưa thể đi đến hồi kết, việc đi đến một thỏa thuận với các cường quốc chính là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của Tổng thống Hassan Rouhani.

Nhận được nhiều sự ủng hộ

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2013, ông Rouhani hứa sẽ làm hết sức mình để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kéo dài nhiều năm khiến nền kinh tế Iran tê liệt. Một số người dân Iran bảo thủ kịch liệt phản đối hành động nhượng bộ và thỏa hiệp về vấn đề năng lượng hạt nhân, nhưng nhìn chung, rất nhiều người ủng hộ Tổng thống Rouhani và các nhà đàm phán của ông.

Cuối cùng, lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei lên tiếng về vấn đề này. Gần đây, ông công khai ủng hộ nhóm đàm phán và tạo điều kiện tốt cho họ làm việc, đồng thời khẳng định chắc chắn lập trường với phương Tây. Những người Iran bảo thủ giữ im lặng tránh phải chịu sự chỉ trích từ chính phủ trong khi các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra. Hành động trên là chỉ thị của ông Khamenei nhằm kêu gọi tất cả các quan chức đảm bảo một mặt trận thống nhất cho đến hạn cuối ngày 30-6. Những phát biểu không nghiêng về bên nào của ông Khamenei như “Tôi không đồng ý cũng như chống lại thỏa thuận” khiến tất cả người Iran hài lòng.

Lãnh tụ tối cao khá thận trọng trong bài phát biểu của mình nhằm mục đích không những tránh gây ra làn sóng tiêu cực mà còn đảm bảo ông không đối đầu với lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hùng mạnh. Tuy IRGC chưa bao giờ thực sự bị thuyết phục bởi các cuộc đàm phán, họ đồng ý với những lợi ích khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, nhất là đối với hoạt động kinh doanh trị giá hàng tỷ USD.

Tổng thống Rouhani tuyên bố sẽ nỗ lực đạt được thỏa thuận dỡ bỏ lệnh trừng phạt lên Iran. Ảnh: BBC

Âm mưu bên trong Quốc hội

Trong vài tháng qua, có những cuộc tranh luận căng thẳng giữa hai bên trong Quốc hội mà phe bảo thủ chiếm ưu thế. Hầu hết các cuộc thảo luận trên diễn ra bí mật, nhưng một số vẫn bị tiết lộ trên các phương tiện truyền thông và báo chí. Một bài viết khác cáo buộc phe của cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad âm mưu hủy hoại triển vọng thành công của thỏa thuận.

Những người lớn tiếng phản đối thỏa thuận trong Quốc hôi thuộc phe Paidary (Mặt trận Kiên trì) ủng hộ ông Ahmadinejad, người tiền nhiệm của ông Rouhani. Phe này đệ trình một số kiến nghị nhằm cung cấp cho Quốc hội quyền lực để thách thức thỏa thuận cuối cùng. Không có ý kiến nào được chấp thuận, do vậy dự luật mới nhất được sửa đổi nhằm tước bỏ quyền phủ quyết của Quốc hội và thay vào đó bằng Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao (SNSC) - cơ quan có quyền quyết định hàng đầu tại Iran và là cánh tay trung thành của ông Khamenei.

SNSC do Tổng thống Rouhani, người phát ngôn của Quốc hội Ali Larijani và anh trai Sadeq Larijani - người đứng đầu Cơ quan tư pháp, điều hành. Chính bởi quyền lực của SNSC, thỏa thuận này sẽ không thể đi đến thành công nếu bị Lãnh đạo tối cao phản đối, bất chấp những nỗ lực đàm phán trong mấy tháng qua.

Nếu thất bại?

Ông Khamenei tuyên bố rõ ràng sẽ không chấp nhận việc các khu vực quân sự bị kiểm tra mặc dù đây là yêu cầu hàng đầu của P5+1, đồng thời ủng hộ các yêu cầu đặt ra bởi IRGC. Tổng thống Rouhani và các đàm phán viên vẫn đang được Lãnh tụ tối cao bảo vệ. Tuy nhiên, nếu thỏa thuận này thất bại hoặc phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng sau hạn chót ngày 30-6, ông Khamenei có thể phải trở mặt với Tổng thống Rouhani dưới áp lực của IRGC và những người bảo thủ trong Quốc hội. Ông Khamenei sẽ buộc phải thực hiện những đường lối cứng rắn hơn và gây khó khăn cho ông Rouhani trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 2 tới.

Trong tình huống đó, Tổng thống Rouhani có thể tiếp tục vận động sự ủng hộ của công chúng, nhưng vị thế của ông có thể bị lung lay trong cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo vào tháng 6-2017 bởi mưu đồ của các nhóm chiếm ưu thế trong Quốc hội.

An Bình
(Theo BBC)