Báo Công An Đà Nẵng

Tổng thống Juan Manuel Santos - từ cứng rắn đến mềm mỏng

Thứ bảy, 01/10/2016 11:22

(Cadn.com.vn) - “Hôm nay chúng ta có lý do để hy vọng, sẽ có ít chiến tranh hơn trên hành tinh này”, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos phát biểu trước Đại hội đồng LHQ gần đây. Ông đề cập đến việc ký kết thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Colombia và phiến quân cánh tả Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) vào ngày 26-9, chấm dứt hơn 5 thập kỷ xung đột khiến khoảng 260.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản. Tuy nhiên, ông Santos không phải lúc nào cũng thể hiện thái độ lạc quan và hòa giải như vậy. Hơn một thập kỷ trước, khi đang giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, ông đã chỉ đạo đánh bom căn cứ FARC ở Ecuador mà không thông báo với nước láng giềng. Hành trình chính trị của ông Santos - từ diều hâu trở thành chim bồ câu không phải chỉ toàn hoa hồng.

Ông Santos (trái) và lãnh đạo FARC Tymoshenko (phải) ký thỏa thuận kết thúc 54 năm xung đột vũ trang. Ảnh: BBC

Từ Bộ trưởng cứng rắn...

Quyền lực ông Santos có được nhờ vào mối quan hệ gần gũi với người tiền nhiệm, Tổng thống Alvaro Uribe. Năm 2006, ông Uribe tái đắc cử nhiệm kỳ 4 năm với lời hứa không ngừng chiến đấu chống phiến quân FARC. Ông Santos đã hỗ trợ ông Uribe rất nhiều trong các chiến dịch tranh cử. Sau đó, ông Uribe cải tổ nội các, bổ nhiệm ông Santos làm Bộ trưởng Quốc phòng, vai trò quan trọng trong một đất nước vốn trải qua nhiều thập kỷ chống phiến quân nổi loạn.

Sau khi được bổ nhiệm, ông Santos sớm khẳng định tên tuổi với nhiều hoạt động quân sự quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của ông, quân đội Colombia đã giải thoát chính trị gia bị bắt cóc Ingrid Betancourt và 3 công dân Mỹ bị FARC bắt giữ. Quân đội Colombia cũng tiến hành chiến dịch ném bom nước láng giềng Ecuador, tiêu diệt lãnh đạo FARC Raul Reyes.

Vụ đánh bom năm 2008 đã gây ra khủng hoảng ngoại giao với Colombia và Ecuador khi hai nước láng giềng này cáo buộc Colombia vi phạm chủ quyền. Cũng trong khoảng thời gian này, nhiều bằng chứng xuất hiện cho thấy quân đội Colombia giết hại dân thường nhưng ông Santos khẳng định những người bị giết là phiến quân. Vụ bê bối này được coi là một trong những chương đen tối nhất trong nhiệm kỳ của tổng thống Uribe.

...đến Tổng thống

Tuy nhiên, ông Santos vẫn được tín nhiệm cao. Năm 2009, ông từ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng để tranh cử Tổng thống vào năm 2010. Tháng 3-2010, ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với số phiếu cao nhất trong lịch sử Colombia. Ông vận động tranh cử trên nền tảng “an ninh dân chủ”, hứa sẽ tiếp tục các chính sách của ông Uribe.

Tuy nhiên, ngay sau khi đắc cử, ông Santos khiến nhiều người ngạc nhiên khi bãi bỏ các chính sách của người tiền nhiệm. Ông bình thường hóa mối quan hệ với chính phủ cánh tả Venezuela của ông Hugo Chavez, nhân vật vốn có mâu thuẫn với ông Uribe. Ông Santos cũng truy tố nhiều thành viên của chính phủ tiền nhiệm tội lạm dụng quyền lực.

Con đường đi đến hòa bình

Năm 2012, Tổng thống Santos xác nhận tin chính phủ của ông đã bí mật đàm phán hòa bình với FARC ở Cuba. Kết quả là ông Uribe quay sang ủng hộ phe đối lập. Khi ông Santos nỗ lực tái cử vào năm 2014, ông Uribe ủng hộ đối thủ của ông. Tuy nhiên, ông Santos thắng cử nhiệm kỳ hai với lời hứa theo đuổi thỏa thuận hòa bình với FARC.

Năm 2016, sau gần 4 năm chính thức và 2 năm đàm phán bí mật, ông Santos tuyên bố chính phủ đã đạt được thỏa thuận với FARC, đem lại “nền hòa bình lâu dài” cho đất nước. Thỏa thuận này sẽ được bỏ phiếu trưng cầu vào ngày 2-10 tới, nhưng kết quả thăm dò cho thấy nó dễ dàng vượt qua.

An Bình
(Theo BBC)

Thỏa thuận hòa bình Colombia được đề cử Nobel Hòa Bình

Reuters ngày 30-9 cho biết, Tổng thống Santos và thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono “Timochenko” có khả năng nhận giải Nobel Hòa bình năm nay.

“Thỏa thuận hòa bình tại Colombia là một trong những ứng cử viên cử rõ ràng nhất cho giải Nobel Hòa bình”, Nhà sử học Asle Sveen, người đã nhiều năm theo dõi giải thưởng này, cho biết. Đội quân mũ trắng – nhóm dân sự chuyên giải cứu nạn nhân các vụ không kích tại Syria, cư dân tại một số hòn đảo Hy Lạp đã giúp người tị nạn Syria, các nhà đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran và cựu điệp viên CIA Edward Snowden cũng là các ứng cử viên nặng ký.

Bảo Ngân