Tổng thống Nga đối thoại với người dân: “Mổ xẻ” những vấn đề nóng
(Cadn.com.vn) - Trong cuộc đối thoại trực tuyến lần thứ 15 này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời nhiều câu hỏi quan trọng của người dân về những vấn đề mà họ quan tâm, liên quan đến kinh tế, xã hội, tình hình quốc tế và thậm chí các vấn đề đời tư.
Ngày 15-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc đối thoại trực tuyến trả lời người dân Nga về tất cả những vấn đề mà họ quan tâm. Đây là lần thứ 15, Tổng thống Putin đối thoại trực tuyến với người dân kể từ chương trình đầu tiên ngày 24-12-2001.
Cuộc đối thoại bắt đầu vào 12 giờ (16 giờ Việt Nam) và được phát trực tiếp trên các đài phát thanh, truyền hình hàng đầu của Nga. Mọi sự chú ý đổ dồn vào cuộc đối thoại lần này của nhà lãnh đạo Nga, nhất là trong bối cảnh mối quan hệ giữa Moscow với Mỹ và các nước phương Tây đang trở nên lạnh giá hơn bao giờ hết. Giới phân tích cho rằng, những phát biểu của ông Putin trong cuộc trả lời trực tuyến năm nay được cử tri Nga xem như một phần không thể thiếu trong chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đến tham dự buổi đối thoại hôm 15-6. Ảnh: AP |
Kinh tế thoát khỏi suy thoái
Theo AP, vấn đề được Tổng thống Putin ưu tiên nói đến đầu tiên trong cuộc đối thoại lần này là kinh tế. Trước toàn dân, ông chủ Điện Kremlin khẳng định, kinh tế Nga đã vượt qua suy thoái. “Cuộc khủng hoảng đã chấm dứt”, ông Putin nói, chỉ ra sự tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng qua. Ông khẳng định, kinh tế Nga đang bước vào giai đoạn tăng trưởng với nhiều tín hiệu tích cực như lạm phát ở mức thấp kỷ lục 4,1% và dự trữ tiền tệ cứng gia tăng.
Kinh tế Nga rơi vào suy thoái do tác động của việc giá dầu thế giới giảm và các lệnh trừng phạt Mỹ và phương Tây nhằm vào Moscow sau khi bán đảo Crimea sáp nhập về với Nga và những mâu thuẫn quanh cuộc xung đột ở Ukraine. Tổng thống Putin thừa nhận, nền kinh tế Nga vẫn chưa phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu, nhưng lưu ý, xuất khẩu phi năng lượng đã tăng lên. Và theo nhà lãnh đạo này, điều đáng lo ngại là thu nhập của người dân giảm mạnh khiến số người sống dưới mức nghèo đói tăng lên. Vào đầu và giữa những năm 1990, tỷ lệ nghèo đói ở Nga chiếm gần 1/3 dân số, tương đương 40 triệu người.
Các lệnh trừng phạt khiến Nga mạnh lên
Tổng thống Putin còn cho rằng, không chỉ thoát khỏi khủng hoảng, các biện pháp trừng phạt đã khiến Nga mạnh hơn.
Nhà lãnh đạo này khẳng định theo tính toán, Moscow chỉ thiệt hại khoảng 50- 52 tỷ USD do các biện pháp trừng phạt kinh tế, trong khi những nước áp đặt trừng phạt lại bị thiệt hại khoảng 100 tỷ USD. Nhiều ngành như chế tạo tên lửa, chế tạo máy, dược, nông nghiệp và một số ngành khác của Nga phục hồi và phát triển mạnh mẽ. “Các lệnh trừng phạt buộc nước Nga phải “động não” để giảm thiểu sự phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu năng lượng”, ông nói.
Theo nhà lãnh đạo được đánh giá là quyền lực nhất thế giới này, quyết định của Thượng viện Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Nga được xem là sự phản ánh các nỗ lực của phương Tây nhằm “kiềm chế” Moscow nhưng bất thành.
Nga không coi Mỹ là kẻ thù
Hôm 14-6, với tỷ lệ ủng hộ áp đảo, Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua dự luật trừng phạt Nga do các cáo buộc Moscow can dự vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Trong cuộc đối thoại này, một lần nữa, Tổng thống Putin bác bỏ mọi cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cho rằng Moscow đã bày tỏ quan điểm công khai và không tham gia bất kỳ hành động ngầm nào. Và ông nhấn mạnh, nếu phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga thì ngược lại, Moscow cũng sẵn sàng xóa bỏ các biện pháp trả đũa. Nhà lãnh đạo này tiếp tục khẳng định, Nga không coi Mỹ là kẻ thù, mà mong muốn bình thường hóa quan hệ với Washington. Theo ông, Moscow và Washington có thể hợp tác trong các nỗ lực ngăn chặn việc phổ biến hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó bao gồm vấn đề tên lửa và hạt nhân Triều Tiên. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga hy vọng Washington có thể đóng “vai trò tích cực” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, xung đột ở Syria.
Khả Anh