Báo Công An Đà Nẵng

Tổng thống Nga thăm Trung Đông

Thứ sáu, 08/12/2023 16:45
Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Abu Dhabi ngày 6-12. Ảnh: Reuters

Hợp tác cùng phát triển

Tại Abu Dhabi (UAE), Tổng thống Putin và Tổng thống UAE, Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan có cuộc hội đàm trực tiếp. Phát biểu tại hội đàm, Tổng thống Putin chúc mừng UAE nhân kỷ niệm 52 năm Quốc khánh nước này. Ông nhấn mạnh mối quan hệ hai nước đang ở mức cao chưa từng có. UAE là đối tác thương mại chính của Nga trong thế giới Arab, kim ngạch thương mại năm 2022 tăng 67,7% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Cũng theo ông Putin, hợp tác công nghiệp giữa hai nước đang tiến triển, bao gồm hợp tác xây dựng các cơ sở sản xuất ở cả UAE và Nga, trong đó có một số dự án lớn đang được triển khai trong lĩnh vực dầu khí. Hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo song phương cũng có nhiều tín hiệu tích cực.

Về phần mình, Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan khẳng định mối quan hệ giữa UAE và Nga có tính chất lịch sử và đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực trong những năm gần đây, đáp ứng lợi ích của cả nhà nước và nhân dân hai nước. Theo ông Mohammed bin Zayed Al Nahyan, UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở Trung Đông, đồng thời là nhà đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế của nước này. Đầu tư của UAE vào lĩnh vực phi dầu mỏ của nền kinh tế Nga đã tăng 103% trong năm qua. Về chính trị - ngoại giao, UAE ủng hộ hợp tác với Nga trong nhiều khuôn khổ quốc tế khác nhau, bao gồm BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Hiện hai nước cũng đang thảo luận các vấn đề trong chương trình nghị sự khu vực trong khuôn khổ đối thoại chiến lược giữa Nga và GCC - một khuôn khổ quốc tế đặc biệt được khởi xướng từ năm 2016.

Sau UAE, Tổng thống Putin lên đường dến Saudi Arabia. Tại Riyadh, ông Putin có cuộc hội đàm với Thái tử Mohammed bin Salman Al Saud. Nội dung tập trung vào hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế và đầu tư cũng như tương tác trong các khuôn khổ đa phương cũng như triển vọng hành lang vận tải Bắc - Nam.

Mục đích sâu xa

Theo hãng tin TASS, Điện Kremlin cho biết trọng tâm chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga tại mỗi nước là tập trung thảo luận quan hệ song phương và triển vọng thúc đẩy hợp tác, các vấn đề quốc tế, trong đó có xung đột Hamas - Israel. Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã gây ra mối lo ngại lớn đối với Trung Đông, đặc biệt là UAE khi nước này đạt thoả thuận bình thường hoá quan hệ với Israel năm 2020. Các cuộc tấn công gần đây của nhóm vũ trang Hồi giáo Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen cũng đe doạ hoạt động vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ. Tổng thống Putin đã đề xuất Nga có thể đóng vai trò trung gian hoà giải nhờ mối quan hệ thân thiện với cả Israel và Palestine. Các nhà bình luận tại Nga cho rằng, cùng với Iran, UAE và Saudi Arabia là con đường quan trọng để Nga gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông và bù đắp những thiệt hại do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ngoài ra, tờ Business Insider cho rằng, ông Putin sẽ tận dụng chuyến thăm này để cố gắng gây chia rẽ giữa Mỹ và các quốc gia Arab. Ông Putin đang tìm cách khai thác cơn thịnh nộ trong thế giới Arab về việc Washington ủng hộ Israel ném bom Dải Gaza để đáp trả các cuộc tấn công của lực lượng Hamas. Cuộc chiến tại Dải Gaza đang khiến bức tranh quan hệ quốc tế ở Trung Đông phức tạp hơn. Mỹ ủng hộ Israel tự vệ, còn thế giới Arab buộc phải đứng về phía người Palestine. Hơn nữa, bản thân tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine cũng có quan hệ tốt với một số quốc gia Arab.

Trong chuyến thăm, Tổng thống Putin cũng tìm cách vạch trần những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga về mặt kinh tế đã thất bại như thế nào. Bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm cắt giảm lượng xuất khẩu dầu của Nga, Nga đang ghi nhận lợi nhuận kỷ lục từ dầu mỏ. Điện Kremlin cũng hợp tác chặt chẽ với các quốc gia vùng Vịnh để kiểm soát hoạt động sản xuất dầu và giữ giá cả ở mức cạnh tranh. Năm ngoái, Saudi Arabia thậm chí đã từ chối yêu cầu tăng sản lượng dầu của Nhà Trắng, và thay vào đó đứng về phía Nga để giảm bớt sản lượng. Với tư cách là một thành viên của OPEC+, Nga đã tích cực phối hợp hành động với các nhà lãnh đạo khác của thị trường dầu mỏ. Các tập đoàn dầu khí Gazprom và Novatek của Nga cũng đang triển khai các dự án chung với các nước Arab.

AN BÌNH