Tổng thống Putin lần đầu lý giải chiến dịch quân sự ở Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông có lý do để quyết định mở rộng chiến dịch quân sự đặc biệt ra ngoài phạm vi vùng ly khai Donbass ở miền Đông Ukraine.
Hãng tin RT ngày 6-3 cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5-3 đã lần đầu lý giải chiến dịch quân sự vượt ra ngoài khu vực Donbass.
Các bên cảnh báo Ukraine đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng khi chiến sự không ngừng leo thang. Ảnh: Reuters
“Họ sẽ tấn công Crimea và chúng tôi sẽ buộc phải đối đầu với NATO”
Ông chủ Điện Kremlin cho biết đã quyết định mở rộng chiến dịch tấn công quân sự ra ngoài biên giới của "Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk" (DPR) và "Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk" (DPR), hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine, nhằm ngăn chặn phương Tây không ngừng cung cấp cho "những người theo chủ nghĩa dân tộc và cấp tiến" ở Ukraine các nguồn lực như vũ khí, tài chính.
Mặc dù tuyên bố không điều lực lượng tham chiến, nhưng nhiều nước phương Tây đã bắt đầu vận chuyển vũ khí cho Ukraine nhằm đối phó với các đợt tấn công của Nga. Tổng thống Putin cho biết, lực lượng của Nga đã phá hủy các mục tiêu quân sự của Ukraine như hệ thống phòng không, các kho vũ khí. "Họ (phương Tây) bắt đầu đề cập đến nhiều hơn về việc sẽ kết nạp Ukraine vào NATO. Hệ quả là gì? Tất cả các thành viên khác của NATO phải hỗ trợ Ukraine trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. Họ sẽ tấn công Crimea và chúng tôi sẽ buộc phải đối đầu với NATO. Các vị biết hậu quả sẽ thế nào không", Tổng thống Putin nói và nhấn mạnh ông muốn Ukraine trở thành một quốc gia trung lập. "Họ nói Ukraine hãy sở hữu vũ khí hạt nhân. Chúng tôi không thể làm ngơ điều đó", ông Putin nói khi đề cập đến phát biểu tháng trước của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Kiev có thể buộc phải xét lại trạng thái quốc gia không hạt nhân của mình.
Nga - Ukraine đổ lỗi lẫn nhau khi hành lang nhân đạo thất bại
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã bước sang tuần thứ hai. Moscow giành ưu thế tiến công tại các mặt trận phía Nam với chiến lược vây ép các thành phố ven biển, cô lập Ukraine với vùng biển. Cùng lúc đó, lực lượng của Nga cũng áp sát thủ đô Kiev và thành phố chiến lược Kharkov ở miền Bắc. Tuy nhiên, tốc độ tấn công của lực lượng Nga ở khu vực này chậm hơn ở khu vực phía Nam do vấp phải sự kháng cự mạnh của Ukraine cũng như gặp một số thách thức về hậu cần.
Trong khi đó, hành lang nhân đạo được mở tại 2 thành phố Ukraine đã không thành công trong việc giúp người dân di tản, trong khi Moscow và Kiev cáo buộc lẫn nhau gây ra sự việc này. Theo Reuters, Nga và Ukraine ngày 5-3 chỉ trích lẫn nhau là nguyên nhân khiến kế hoạch lập hành lang nhân đạo tại 2 thành phố Mariupol và Volnovakha, tỉnh Donetsk thất bại. Trước đó, Nga đã tuyên bố lệnh ngừng bắn ở 2 thành phố này để mở lối đi cho dân thường rời khỏi vùng chiến sự theo sự đồng thuận từ 2 phía trong vòng đàm phán ngày 3-3 ở Belarus. Tuy nhiên, tại Mariupol, hội đồng thành phố này cáo buộc Nga không tuân thủ lệnh ngừng bắn và họ đã yêu cầu người dân thường trở lại nơi trú ẩn và chờ thêm thông tin về việc di tản.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc những người theo chủ nghĩa dân tộc trong lực lượng Ukraine đã ngăn cản người dân rời khỏi vùng chiến sự, theo hãng tin RIA. Các thành phố ở phía Đông Nam Ukraine đang xảy ra giao tranh căng thẳng. Theo giới quan sát, đây được xem là những địa điểm có giá trị chiến lược với Nga vì nằm gần khu vực mà lực lượng ly khai thân Moscow kiểm soát ở Đông Ukraine, cũng như gần bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014.
Theo Reuters, cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Mariupol khi người dân ở đây đang sống trong hoàn cảnh không điện, không nước, không được sưởi ấm và không mạng điện thoại. Thức ăn trở nên khan hiếm.
Một tình nguyện viên vận chuyển hàng cứu trợ tại thành phố Lviv, Ukraine hôm 6-3. Ảnh: Reuters
Nga cảnh báo nguy cơ khi NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine
Theo hãng tin TASS, ông Alexey Polishchuk - Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga - cảnh báo nguy cơ khi NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine.
TASS dẫn lời ông Polishchuk nhấn mạnh việc NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine "tạo ra nguy cơ không thể chấp nhận được" có thể dẫn đến xung đột giữa Nga và liên minh quân sự này. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo các nước thành viên NATO về việc đưa lính đánh thuê đến Ukraine, cho rằng hành động này có thể là "đồng phạm gây tội ác chiến tranh." Trong khi đó, công ty vũ khí AMMO, có trụ sở tại bang Arizona của Mỹ, ngày 5-3 thông báo sẽ gửi lô hàng gồm 1 triệu viên đạn tới Kiev.
Giám đốc điều hành AMMO Fred Wagenhals cho biết công ty đang chờ Chính Mỹ phủ phê duyệt lô hàng 1 triệu viên đạn, trị giá 700.000 USD này, đồng thời chuẩn bị sẵn máy bay riêng để giao hàng. Liên quan tình hình tại Ukraine, ngày 5-3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết các lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy 2.119 cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Ngoài ra lực lượng vũ trang Nga còn phá hủy 69 máy bay trên mặt đất và 21 máy bay trên không, 748 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 76 hệ thống tên lửa, 274 pháo dã chiến và súng cối, 532 đơn vị xe quân sự đặc chủng, cũng như 59 phương tiện bay không người lái.
KHẢ ANH