Tổng thống Trump đang đẩy Brazil về phía Trung Quốc
Quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về áp thuế kim loại đối với Brazil là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực củng cố mối quan hệ gần gũi hơn với Washington của Tổng thống Jair Bolsonaro, cũng như có thể đẩy nền kinh tế số 1 Mỹ Latinh đến gần Trung Quốc - đối thủ thương mại hàng đầu của Mỹ.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp song phương tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 Nhật Bản tháng 6-2019. Ảnh: Reuters |
Hôm 2-12, ông Trump cho biết sẽ áp thuế đối với hàng nhập khẩu thép và nhôm từ Brazil và Argentina, khiến hai nước Nam Mỹ chới với. Ông Bolsonaro giành chiến thắng năm ngoái với lời hứa sẽ giảm dần sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong nền kinh tế của đất nước mình. Trong thời gian lãnh đạo, ông Bolsonaro nỗ lực tiếp cận ông Trump nhưng vẫn tiếp tục mối quan hệ với Bắc Kinh bởi Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Brazil có cách tiếp cận thực tế hơn.
Thông báo áp thuế quan mới nhất của ông Trump cho thấy, các nỗ lực của ông Bolsonaro trong việc xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với Mỹ đã trở nên công cốc. Ngược lại, mối quan hệ lâu dài một thời của ông Bolsonaro với Bắc Kinh đã mang lại kết quả rõ rệt, với việc Trung Quốc mua thêm thịt Brazil và thậm chí còn ra tay giải cứu cuộc đấu thầu khai thác dầu vào tháng trước.
Các nhà phân tích cho rằng, những chiêu thức lặp đi lặp lại của ông Trump có thể đẩy Brazil trở lại với vòng tay rộng mở hơn, nhất quán và không có kịch tính của Trung Quốc. “Nếu bạn lo lắng về ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh, việc áp thuế quan là phản tác dụng”, ông Monica de Bolle, thành viên cao cấp tại Viện kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, nhận định. Thomaz Favaro, Giám đốc tư vấn của Control Risks, cho biết những nỗ lực của ông Bolsonaro đã không thu hút được Washington, trong khi Bắc Kinh đã cởi mở hơn trong các chiến lược hợp tác với Brazil. Ông Favaro cho rằng, động thái thuế quan bất ngờ của ông Trump, có khả năng được thực hiện nhằm củng cố sự ủng hộ của nông dân Mỹ trước cuộc bầu cử vào năm tới, có thể đẩy ông Bolsonaro vào “vòng tay” Trung Quốc.
“Khó khăn mới biết ai là bạn”
Tác động của việc áp thuế quan đối với các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ và Brazil trong năm nay được thể hiện rõ rệt. Ông Bolsonaro từng thân thiết với ông Trump hơn so với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng quan hệ với Bắc Kinh đã tan băng sau chuyến thăm của ông Bolsonaro đến Trung Quốc vào tháng 10 vừa qua và chuyến thăm của ông Tập đến hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng trước.
Điều đáng nói là, các Cty dầu khí của nhà nước Trung Quốc CNOOC và CNODC là những nhà thầu duy nhất ngoài Cty dầu mỏ Petroleo Brasileiro SA của Brazil tham gia vào cuộc đấu thầu khai thác dầu lớn vào tháng trước. Hai nước đã đạt kỷ lục 100 tỷ USD thương mại song phương vào năm ngoái. Trung Quốc đang mua thêm thịt lợn từ Brazil vì nguồn cung thịt lợn trong nước bị suy giảm do dịch tả lợn Châu Phi. Bắc Kinh cũng đã cấp phép cho 45 nhà máy thịt Brazil tăng lượng xuất khẩu trong năm nay.
Oliver Stuenkel, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Tổ chức Getulio Vargas, một trường đại học ở Brazil cho biết, “việc xây dựng mối quan hệ giữa Mỹ và Brazil đang gặp rắc rối vì Washington bắt đầu nhận ra Brazil không mấy đem lại ích lợi cho Mỹ”. Chẳng mấy chốc, ông Bolsonaro phải thừa nhận rằng Bắc Kinh là một người bạn có thể giúp đỡ khi gặp khó khăn, bởi vì Washington, cũng giống như một số nước Châu Âu khác, quan ngại chính sách môi trường của ông Bolsonaro, đang quay lưng với Brazil.
Hôm 2-10 ông Bolsonaro cho biết ông sẽ kêu gọi Trump xem xét lại quyết định áp thuế của mình. Tuy nhiên, cho đến nay, dường như có rất ít bằng chứng cho thấy ông Trump sẽ lắng nghe. Bất chấp những nỗ lực kể từ khi trở thành tổng thống Brazil vào ngày 1-1, ông Bolsonaro đã nhận được rất ít sự ủng hộ từ ông Trump.
AN BÌNH
Mỹ- Trung tiến gần thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Hãng tin Bloomberg ngày 4-12 dẫn các nguồn tin cho biết, Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần hơn tới việc nhất trí mức thuế quan dự kiến sẽ được giảm bớt trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Hôm 3-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có thể phải đợi đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020, xua tan hy vọng về việc sớm đạt được một giải pháp cho cuộc tranh cãi thương mại hiện nay vốn đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế thế giới. |