Tổng thống Trump mắc Covid-19: Nước Mỹ sẽ ra sao?
Tổng thống Donald Trump ngày 2-10 thông báo cả ông và vợ đều mắc Covid-19 và đang phải cách ly y tế. “Tối nay, FLOTUS (đệ nhất phu nhân Mỹ) và tôi đã mắc Covid-19. Chúng tôi sẽ ngay lập tức bắt đầu quá trình cách ly và hồi phục. Chúng tôi sẽ vượt qua chuyện này cùng nhau!”, Tổng thống Donald Trump thông báo trên Twitter tối 1-10 (sáng 2-10, giờ Việt Nam).
|
Trước đó, Tổng thống Trump cho biết, trợ lý Hope Hicks đã mắc Covid-19 và ông cùng đệ nhất phu nhân phải xét nghiệm. Tổng thống Trump cho biết, ông và vợ đã trải qua nhiều thời gian cùng với nữ cố vấn Hicks. Gần đây, bà Hicks đi cùng Tổng thống Trump trên chiếc Không lực Một đến cuộc tranh luận đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 ở thành phố Cleveland, bang Ohio cũng như sự kiện tranh cử ở bang Minnesota hôm 29-9.
Nhiều lo ngại cho ông Trump
Theo giới phân tích, việc mắc Covid-19 như một “cú đấm” mạnh vào chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, rõ ràng sẽ gây ra nhiều khó khăn cho tương lai tranh cử của tổng thống đương nhiệm so với đối thủ của đảng Dân chủ. Việc mắc bệnh sẽ dấy lên nhiều câu hỏi về khả năng ông tham gia tranh cử hay không. Đây cũng là mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng nhất được biết đến đối với một tổng thống Mỹ đương nhiệm trong nhiều thập kỷ. Ở tuổi 74 và béo phì, ông Trump được xếp vào nhóm có nguy cơ cao nhất về các biến chứng nghiêm trọng của Covid-19, căn bệnh đã giết chết hơn 200.000 người Mỹ và hơn 1 triệu người trên toàn thế giới.
Nhà Trắng ngày 2-10 đã phải hủy bỏ chuyến đi vận động tranh cử tại bang Florida khỏi lịch trình làm việc của Tổng thống Trump. Theo kế hoạch trước đó, ông Trump sẽ tiến hành vận động tranh cử tại sân bay Sanford ở Florida trong tối 2-10. Tuy nhiên, trong lịch làm việc mới của Tổng thống Trump, sự kiện này đã được thay thế bằng một cuộc điện thoại vào buổi trưa với nội dung “động viên những người cao tuổi dễ bị tổn thương bởi Covid-19”. Mối lo cho ông Trump đang hiện hữu khi chỉ còn 32 ngày nữa là tới thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 3-11). Và nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ buộc phải hủy bỏ thêm nhiều kế hoạch vận động tranh cử trong tuần này và tuần tiếp theo.
Diễn biến này dù nằm trong kịch bản được dự đoán nhưng cho thấy một sự tiến triển bất thường trong vài tháng tới khi đại dịch vẫn hoành hành trên toàn cầu và trong giai đoạn cuối của chiến dịch tái tranh cử. Thậm chí nếu bệnh không quá nặng, việc mắc bệnh dịch này vẫn có nguy cơ gây hậu quả thảm khốc với sự nghiệp chính trị của ông Trump, bởi trong nhiều tháng qua, chính ông bác bỏ sự nghiêm trọng của đại dịch, ngay cả khi nó đang tàn phá nước Mỹ và cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người Mỹ mỗi ngày.
Ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm cũng liên tục chế giễu các hướng dẫn của chuyên gia về việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này. Tổng thống Trump cùng các thuộc cấp của ông thường không đeo khẩu trang và nhà lãnh đạo này luôn chê bai những người thường đeo khẩu trang, theo Reuters.
Kịch bản nào tại Nhà Trắng?
Từ tháng 5, tờ Bloomberg phân tích về kịch bản Tổng thống Trump nhiễm Covid-19 và điều này cuối cùng đã xảy ra. Giới chuyên gia cũng như các quan chức và cựu quan chức chính quyền Mỹ nhận định mức độ tác động về kinh tế và địa chính trị sẽ tùy vào tình trạng bệnh tình của ông Trump và đặc biệt phụ thuộc việc ông Trump có còn đủ khả năng lãnh đạo Nhà Trắng vào thời điểm nhiễm bệnh hay không.
Bác sĩ riêng của Tổng thống Trump - ông Sean Conley cho biết, hai vợ chồng Tổng thống đều "đang trong tình trạng sức khỏe tốt”. Ông đồng thời bày tỏ sự tin tưởng, Tổng thống Trump vẫn có thể duy trì mọi công việc và không có sự gián đoạn trong quá trình cách ly cùng vợ tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ đã biến động lớn. Trong phiên giao dịch sáng 2-10, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm 1,7%, trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng giảm 1,6%. Đồng USD tăng vọt, đặc biệt so với đồng bảng Anh, đồng AUD trong khi đồng yen tăng mức cao nhất trong tuần.
Ông David Axelord, từng là cố vấn cao cấp của cựu Tổng thống Barack Obama cho biết đã có quy trình ứng phó đối với mọi kịch bản xảy ra ở Nhà Trắng. Trên thực tế, nước Mỹ đã thiết lập sẵn quy trình và từng có tiền lệ để các tổng thống tạm thời bàn giao quyền hành cho người khác theo đúng thứ tự. Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ có quy định nếu tổng thống tạm không điều hành công việc được thì sẽ chuyển cho phó tổng thống. Trong lịch sử Mỹ, Tổng thống George W.Bush 2 lần dùng đến quy trình này trong nhiệm kỳ khi trải qua điều trị y tế. Tình huống lo ngại nhất là cả tổng thống và phó tổng thống đều mất năng lực điều hành đất nước, khi đó người kế nhiệm tiếp theo sẽ là Chủ tịch Hạ viện.
Tuy vậy, nếu kịch bản này xảy ra, thì lo ngại rất lớn về nguy cơ biến động và hỗn loạn. Bởi lẽ, hiến pháp không nêu rõ quy trình đánh giá như thế nào là mất năng lực điều hành. Sự hỗn loạn sẽ xảy ra nếu bà Pelosi cho rằng, tổng thống và phó tổng thống mất năng lực điều hành và tự tuyên bố mình kế nhiệm, trong khi ông Trump và ông Pence khẳng định mình vẫn đủ khả năng lãnh đạo đất nước. Lưu ý rằng, bà Pelosi là người của đảng Dân chủ. Các chuyên gia lo ngại, trường hợp xấu nhất là sự sụp đổ hiến pháp toàn diện. Lúc này, tòa án sẽ đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, Nhà Trắng khẳng định không có gì phải lo ngại. Một phát ngôn viên Nhà Trắng khẳng định chính phủ liên bang luôn có kế hoạch để duy trì việc vận hành bộ máy.
Các nước nói gì?
Thông tin Tổng thống Trump và phu nhân mắc Covid-19 ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Nhiều nhà lãnh đạo đã gửi lời chúc ông Trump nhanh chóng bình phục.
Theo Reuters, người phát ngôn chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal, gửi lời chúc ông Trump mau bình phục: “Chuyện này cho thấy virus không loại trừ ai, kể cả những người từng tỏ ra nghi ngờ về nó. Tôi cầu chúc cho ông ấy mau chóng bình phục”. Văn phòng nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn phát thông báo sau sự việc với nội dung: “Bà Thái sau khi nhận được tin đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới chính phủ Mỹ thông qua các kênh ngoại giao, hy vọng Tổng thống Trump và vợ ông sớm hồi phục”. Ngoài những chia sẻ với vợ chồng tổng thống Mỹ, cũng đã có không ít những bình luận mang tính mỉa mai, chỉ trích, nhắc lại chuyện ông Trump từng hạ thấp mức nguy cơ dịch bệnh và không chịu tuân thủ các quy định phòng dịch bệnh như thế nào.
KHẢ ANH