Báo Công An Đà Nẵng

Tổng thống Trump sau 100 ngày cầm quyền: Chia rẽ và đầy lo lắng

Thứ bảy, 29/04/2017 13:28

(Cadn.com.vn) - Theo kết quả khảo sát mới nhất do CNN/ORC công bố, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump sau 100 ngày nắm quyền chỉ đạt 44%. Đây là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất dành cho một tổng thống mới đắc cử của Mỹ sau 100 ngày làm việc đầu tiên trong lịch sử của cuộc thăm dò này.

Hôm nay (29-4) đánh dấu 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Donald Trump trên cương vị ông chủ mới của Nhà Trắng. Đối với bất kỳ nhà lãnh đạo mới nào, đây là thời điểm quan trọng để ghi dấu ấn hình ảnh và tên tuổi trên sân khấu địa chính trị trong nước và cả thế giới.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại không như vậy. Ông từng khuấy động mạng xã hội Twitter khi tuyên bố không quan tâm những gì các chuyên gia nói về cách thức nắm quyền của mình. Ông chế giễu 100 ngày cầm quyền là “tiêu chuẩn nực cười”. “Cho dù tôi làm được bao nhiêu việc trong cái tiêu chuẩn nực cười 100 ngày đầu tiên và thực ra là đã làm được rất nhiều, các phương tiện truyền thông sẽ giết chết tất cả!”, ông Trump viết trên Twitter.

Là nhân vật gây chia rẽ sâu sắc, kể từ khi lên nắm quyền đến nay, ông Trump cũng để lại một di sản như vậy.

Ông Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ hôm 20-1.  Ảnh: AP

Nhiệm vụ không dễ dàng

Tuyên bố này của ông Trump càng cho thấy rõ mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Tổng thống Trump và giới báo chí truyền thông chính thống Mỹ.

“Cuộc chiến” giữa ông chủ Nhà Trắng và giới báo chí càng thêm gay gắt khi CNN/ORC mới đây công bố thăm dò mới nhất cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Trump sau 100 ngày cầm quyền chỉ ở mức 44%. Đây là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất dành cho một tổng thống mới đắc cử của Mỹ sau 100 ngày làm việc đầu tiên trong lịch sử cuộc thăm dò này. Các cuộc thăm dò trước đây của giới báo chí truyền thông cũng luôn cho thấy ông Trump là vị tổng thống có mức ủng hộ thấp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, ông Trump luôn phản pháo, cho rằng, đây là “đòn chơi xấu” của giới báo chí truyền thông.

Tỷ phú Trump gây chấn động toàn thế giới khi từ một gương mặt  không tên tuổi trong giới chính trị Mỹ đã bất ngờ ngồi vào chiếc ghế chủ nhân quyền lực Nhà Trắng. Sau 100 ngày cầm quyền, Tổng thống Trump cũng phải thừa nhận công việc này “không dễ dàng như tôi nghĩ”. “Tôi nhớ cuộc sống trước khi trở thành tổng thống. Giờ thì tôi có quá nhiều”, Reuters dẫn lời ông Trump nói hôm 28-4.

Nhiều vấn đề nghiêm trọng ở trong nước

Có thể chỉ trích của ông Trump về khái niệm 100 ngày đầu tiên là công bằng, nhưng thật khó khi nhìn vào cách nhà lãnh đạo này nắm quyền trong 100 ngày đầu mà không kết luận, ông và đảng Cộng hòa đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Vị chủ nhân mới của Nhà Trắng không có bất kỳ luật lệ quan trọng nào để nói chuyện. Dự luật quan trọng duy nhất ông cố gắng chuyển qua Quốc hội đó là Chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA) nhằm thay thế Obamacare. Nhưng nó bị sụp đổ dưới sức nặng của phe bảo thủ. Ông Trump đang cố gắng khôi phục lại nó, nhưng nhiều khả năng là không rõ ràng. Trong khi đó, 2 sắc lệnh di trú mà ông đưa ra, theo đó cấm các công dân nhiều quốc gia Hồi giáo vào Mỹ, 2 lần bị tòa đình chỉ và hiện cũng chưa có dấu hiệu “được trở lại”.

Trong khi đó, ông Trump cũng đang vướng vào cuộc điều tra việc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 giúp ông lên nắm quyền và đặc biệt là khả năng Moscow thông đồng với chiến dịch của ông Trump.  Kế hoạch xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico cũng đang vướng ở Quốc hội khi nhiều nghị sĩ cho rằng, việc này là lãng phí và không hiệu quả.

 Biểu tình phản đối Tổng thống Trump. Ảnh: AFP

Khuấy động Trung Đông và bán đảo Triều Tiên

Cho đến nay, Tổng thống Trump vẫn loay hoay trong mớ hỗn độn và thất bại mà không có bất kỳ đột phá ngoại giao hay quân sự quan trọng nào.

Ông Trump thực hiện một loạt các chính sách bất đồng ở Trung Đông. Tại một thời điểm, họ phản đối sự can thiệp vào Syria. Nhưng trong hành động bất ngờ hôm 7-4, ông đã  làm chao đảo Trung Đông khi ra lệnh bắn 59 tên lửa Tomahawk vào căn cứ quân sự Syria hôm 7-4. Đây là hành động trực tiếp đầu tiên của Mỹ chống lại chính phủ của Tổng thống Assad và cũng là quyết định quân sự lớn nhất, quyết liệt nhất cho đến nay của Tổng thống Trump kể từ khi bước vào Nhà Trắng. Chính nó khiến mối quan hệ giữa Mỹ với Nga gia tăng căng thẳng. Moscow phản ứng rất gay gắt trước hành động này của Mỹ, cho rằng, Nhà Trắng đã bịa đặt ra lý do để xâm lược Syria.

Và đáng quan ngại, loạt tấn công này khuấy động cả bán đảo Triều Tiên. Mặc dù thời điểm không kích gần như trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng thực tế Tổng thống Trump ra lệnh tấn công khi đang tổ chức hội nghị cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với chủ đề trọng tâm là tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Đúng thời điểm này, Tổng thống Trump muốn sử dụng đòn tấn công Syria để gây áp lực với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên nhằm buộc Bắc Kinh phải dùng đến ảnh hưởng răn đe chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-Un.

Bắc Kinh phản ứng bằng cách cắt giảm đơn đặt hàng mua than của Triều Tiên và ngăn các nhà ngoại giao tham dự cuộc diễu hành rầm rộ ở Bình Nhưỡng hôm 15-4 nhân kỷ niệm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Đây là một chiến thắng trong tín hiệu chiến lược của Mỹ mặc dù Triều Tiên vẫn khẳng định sẽ tiếp tục phóng tên lửa và thử hạt nhân.

Và hệ quả đáng quan ngại hiện nay là bán đảo Triều Tiên rơi vào chảo lửa khủng khiếp, thậm chí có nguy cơ bùng nổ xung đột khi Mỹ-Triều liên tiếp đưa ra những cảnh báo sặc mùi chiến tranh.

Điểm cộng nào cho ông Trump?

Thật sự, kiểu nói chuyện ngẫu hứng, không rõ ràng của ông Trump khiến ai cũng đều cảm thấy khó chịu. Nhưng vẫn có điểm cộng cho ông Trump trong suốt 100 ngày qua. Đó là việc ông giữ vững quan điểm về một vấn đề - mối đe dọa IS.

Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào IS để tiêu diệt “tận gốc” nhóm khủng bố cực đoan này. Và trên thực tế, ông Trump đang làm như vậy. Ngoài ra, thỏa thuận hạt nhân với Iran hiện vẫn đứng vững, thậm chí là khi ông Trump đang phản đối. Có thể thấy, ông phần nào duy trì lập trường ổn định về Iran. Trong 100 ngày cầm quyền, chính quyền Trump dường như đang xây dựng bộ máy hoạt động hiệu quả hơn về chính sách an ninh quốc gia nhưng dường như đang phát đi tín hiệu đáng báo động khi chuyển sang sử dụng sức mạnh quân sự như một giải pháp đầu tiên chứ không phải cuối cùng. Đây là một vấn đề nguy hiểm.

Ở trong nước, sự trung thành của các thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ ông đã bảo vệ Nhà Trắng tại Hạ viện, nơi diễn ra cuộc điều tra của Ủy ban Tình báo về nghi vấn mối quan hệ giữa Nga với những người làm chiến dịch bầu cử tổng thống. Ngoài một số ít tiếng nói trong Thượng viện, chẳng hạn như John McCain hay Lindsey Graham, có một sự im lặng đáng chú ý trong nội bộ đảng Cộng hòa về tất cả các bằng chứng đã xuất hiện trong vụ việc này. Vụ tai tiếng này vẫn có thể tồi tệ hơn, nhưng ít nhất là cho đến 100 ngày đầu tiên, ông Trump vẫn đang đứng vững và các cuộc đối thoại toàn quốc đã chuyển sang các vấn đề khác.

Một trong những biện pháp quan trọng đối với ông, và với nhiều người ủng hộ đảng Cộng hòa của ông, là nền kinh tế đang làm việc như thế nào. Họ sẽ tìm thấy cứu cánh từ thực tế là thị trường chứng khoán vẫn mạnh và các chỉ số kinh tế chính tiếp tục đi đúng hướng. Đó có thể là thành quả của Tổng thống Barack Obama, nhưng ông Trump có thể dễ dàng chỉ ra, đó là bằng chứng cho thấy nước Mỹ đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Ông Trump đã huy động hàng chục triệu USD cho một cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2020. Điều đó sẽ khiến các thành viên đảng Cộng hòa sợ hãi và tạo ra áp lực to lớn đối với một đối thủ của đảng Dân chủ. Và người Mỹ đã bắt đầu suy nghĩ về một nhiệm kỳ thứ hai cho Tổng thống Donald Trump.

 Khả Anh