Tổng thống Trump với “Kế hoạch Hòa bình Trung Đông” gây tranh cãi
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28-1 (giờ Mỹ) công bố “Kế hoạch Hòa bình Trung Đông” mà ông cho rằng là một bước tiến lớn đối với hòa bình của khu vực này. Động thái này vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt của người Palestine vì kế hoạch áp đặt các điều kiện nghiêm ngặt đối với họ trong khi vẫn đồng ý để Israel duy trì quyền kiểm soát các khu định cư ở Bờ Tây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong lễ công bố “Kế hoạch Hòa bình Trung Đông” tại Nhà Trắng hôm 28-1. Ảnh: Reuters |
Bản kế hoạch dài 80 trang đưa ra chi tiết về cách thức mà chính quyền Tổng thống Trump sẽ giải quyết những thách thức chính trị kéo dài trong nhiều năm qua giữa Israel và Palestine. Ông Trump khẳng định: “Ngày hôm nay, Israel có một bước tiến lớn đối với hòa bình. Những người trẻ tuổi ở Trung Đông đã sẵn sàng cho một tương lai nhiều hy vọng hơn và các chính phủ trong khu vực đang nhận ra rằng khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là kẻ thù chung của mọi người”. Tổng thống Trump cho biết ông đã có các cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo Israel và khẳng định tầm nhìn của ông mang đến cơ hội đôi bên cùng có lợi, một giải pháp hai nhà nước thực tế nhằm giải quyết nguy cơ quốc gia Palestine đối với an ninh của Israel.
Có phải “Kế hoạch Hòa bình” cho Trung Đông?
Ông Trump tuyên bố kế hoạch hòa bình giữa Israel và Palestine tại một sự kiện ở Nhà Trắng với sự có mặt của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Mặc dù ông Trump tuyên bố mục đích của kế hoạch là chấm dứt hàng thập kỷ xung đột giữa hai nước, nhưng rõ ràng kế hoạch mà ông đưa ra thiên vị Israel, được thể hiện bởi sự vắng mặt của Palestine khi ông Trump đưa ra thông báo. Tổng thống Trump hy vọng Thủ tướng Netanyahu có thể thực thi “Kế hoạch Hòa bình Trung Đông” của chính quyền Mỹ trong vòng 6 tuần. Tổng thống Trump khẳng định, kế hoạch hòa bình của ông hợp lý cho tất cả mọi người và người Palestine nên ủng hộ kế hoạch này vì có lợi cho họ.
Điểm mấu chốt trong kế hoạch này là giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine. Cụ thể hơn, Tổng thống Mỹ đề xuất thành lập nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, áp dụng một số điều kiện nghiêm ngặt kèm theo. Ngoài ra, Jerusalem vẫn là thủ đô “không thể tách rời của Israel”. Theo Washington, những điều kiện nói trên bao gồm nhà nước Palestine trong tương lai phải “phi quân sự hóa”, đồng thời công nhận chủ quyền của Israel đối với các khu định cư được xây dựng trên lãnh thổ bị chiếm đóng.
Trước đó, Mỹ đã công bố phần kinh tế trong “Kế hoạch Hòa bình Trung Đông” với đề xuất đầu tư 50 tỷ USD vào Bờ Tây, Dải Gaza và một số nước trong khu vực. Tổng thống Trump cho biết Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của ông sẽ thúc đẩy nền kinh tế Palestine, tạo công ăn việc làm và thu hút đầu tư. Tổng thống Trump khẳng định: “Tầm nhìn của chúng tôi sẽ mang lại khoản đầu tư thương mại khổng lồ trị giá 50 tỷ USD vào Nhà nước Palestine”. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết trong vòng 10 năm tới, nếu thực hiện tốt, 1 triệu việc làm sẽ được tạo ra cho người Palestine, tỷ lệ nghèo sẽ giảm đi một nửa và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba.
Hay chỉ là “kế hoạch tuyệt vời cho Israel”?
Thủ tướng Netanyahu đã ca ngợi Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ là “kế hoạch tuyệt vời cho Israel, cho hòa bình” và ông Trump là “người bạn tuyệt vời nhất mà Israel từng có ở Nhà Trắng”.
Theo ông Netanyahu, kế hoạch là “hướng đi thực tế tới hòa bình lâu dài” đảm bảo chủ quyền của Israel đối với Thung lũng Jordan. Phát biểu bên cạnh Tổng thống Trump tại buổi lễ ở Nhà Trắng, ông Netanyahu nói: “Đây là một ngày lịch sử. Quá nhiều kế hoạch tìm cách gây sức ép để Israel rút khỏi vùng lãnh thổ sống còn như Thung lũng Jordan. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã công nhận rằng Israel phải có chủ quyền ở Thung lũng Jordan và các khu vực chiến lược khác là Judea và Samaria”. Theo ông Netanyahu, đề xuất của Tổng thống Trump cũng sẽ bao gồm việc Mỹ công nhận các khu định cư là một phần của Israel. Cùng ngày, Anh đã hoan nghênh một cách thận trọng về kế hoạch nói trên của Tổng thống Mỹ. Người phát ngôn Chính phủ Anh cho biết Thủ tướng Boris Johnson đã điện đàm với Tổng thống Trump trước đó. Người phát ngôn nêu rõ: “Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về đề xuất hòa bình của Mỹ giữa người Israel và Palestine, vốn có thể chứng tỏ là một bước tiến tích cực”.
Theo các Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), có vẻ như kế hoạch này không thể ngay lập tức thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine đã bị phá vỡ vào năm 2014, nhưng nó được gọi là điểm khởi đầu quan trọng cho sự trở lại đàm phán. Saudi Arabia và Ai Cập cũng đưa ra những tuyên bố đáng khích lệ.
“Cái tát của thế kỷ”
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã chế giễu những gì ông Trump cho là thỏa thuận thế kỷ, mô tả đó là “cái tát của thế kỷ”. Người Palestine đã từng phản đối chính quyền Tổng thống Trump trong việc ủng hộ các chính sách của Israel như chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem.
Trong kế hoạch lần này, ông Trump đưa ra mốc thời gian 4 năm để người Palestine đồng ý thỏa thuận an ninh với Israel, ngăn chặn các cuộc tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas và thành lập một nhà nước Palestine có thủ đô ở Abu Dis, một phần của Đông Jerusalem. Abu Dis là một ngôi làng ở Bờ Tây, nằm ở phía đông đường ranh giới của Jerusalem. Người Palestine sống ở Abu Dis bị chia cắt bởi một bức tường an ninh và trạm kiểm soát bê-tông của Israel. Người Palestine phản đối đề xuất việc lập một thủ đô ở Đông Jerusalem bị tường bao quanh.
Phát biểu với báo giới ở thành phố Ramallah của Bờ Tây, Tổng thống Palestine Abbas cho biết: “Jerusalem không phải để bán, quyền của chúng tôi không phải để bán cũng như không phải để mặc cả. Âm mưu của các ông sẽ không được thông qua”. Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Jared Kushner, một trong những kiến trúc sư của kế hoạch này, cho rằng, người Palestine quá ngốc nghếch vì đã ngay lập tức từ chối kế hoạch. Họ nên dành thời gian để xem xét lời đề nghị này.
Bùng nổ biểu tình phản đối ông Trump
Trước khi Tổng thống Trump công bố “Kế hoạch hòa bình Trung Đông”, hàng ngàn người Palestine đã biểu tình ở thành phố Gaza và quân đội Israel đã tăng cường kiểm soát các vị trí giữa thành phố Ramallah của Palestine và khu định cư Beit El của người Do Thái ở Bờ Tây.
Người Palestine xuống đường biểu tình phản đối “Kế hoạch Hòa bình Trung Đông” của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters |
Cố vấn Tổng thống Iran Hesameddin Ashena cho rằng, kế hoạch lần này chỉ là một thỏa thuận giữa Mỹ và Israel. Trên mạng xã hội Twitter, sau khi Tổng thống Trump công bố các chi tiết của kế hoạch này ở Washington, ông Ashena viết: “Đây là một thỏa thuận giữa chính quyền Do Thái và Mỹ. Sự tương tác với người Palestine không nằm trong chương trình nghị sự của nó. Đây không phải một kế hoạch hòa bình mà là một kế hoạch áp đặt và trừng phạt”. Trước đó, hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran đưa tin Chủ tịch Quốc hội nước này Ali Larijani nhận định rằng kế hoạch hòa bình bị trì hoãn lâu nay của Mỹ đối với Trung Đông là nhằm mục đích chia rẽ các quốc gia Hồi giáo. IRNA dẫn lời ông Larijani nhấn mạnh: “Mỹ đã chuẩn bị một âm mưu lớn, bằng phương tiện được gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”, để làm bẽ mặt người Hồi giáo”.
Trong một động thái hiếm hoi, hai phong trào đối địch của Palestine là Hamas (đang kiểm soát Dải Gaza) và Fatah cùng tham gia cuộc họp ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây để thảo luận về các nỗ lực chung nhằm phản đối “Kế hoạch Hòa bình Trung Đông” của Tổng thống Mỹ. Thành viên cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas Sami Abu Zuhri cho rằng những tuyên bố của Tổng thống Trump về kế hoạch nói trên là “gây hấn” và đề xuất của nhà lãnh đạo Mỹ về Jerusalem là “vô lý”. Ông nói: “Tuyên bố của ông Trump là sự gây hấn và sẽ làm dấy lên nhiều sự căm giận. Tuyên bố của ông Trump về Jerusalem là vô lý và Jerusalem sẽ luôn là vùng đất của người Palestine. Người Palestine sẽ chống lại thỏa thuận này và Jerusalem sẽ vẫn là đất của Palestine”
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích kế hoạch này, cho rằng, đó là một kế hoạch thôn tính nhằm phá bỏ giải pháp hai nhà nước và chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine. Bộ trên nhấn mạnh người dân Palestine và vùng đất Palestine không thể bị “mua chuộc”.
AN BÌNH