Báo Công An Đà Nẵng

Tonga lo khủng hoảng nước sạch sau thảm họa kép

Thứ năm, 20/01/2022 16:15

Theo ước tính mới nhất, hầu như toàn bộ 100.000 dân số Tonga đều bị ảnh hưởng. Đánh giá sơ bộ cho thấy thiếu nước uống hiện là vấn đề cấp bách ở quốc gia này.

Lớp tro núi lửa dày phủ kín các ô-tô ở Tonga.

Núi lửa Tonga-Hunga Ha'apai phun trào cuối tuần trước gây ra sóng thần xé toạc Tonga, làm hư hại nhiều nhà cửa và gây lũ lụt trên diện rộng. Chính quyền Tonga gọi trận động đất, sóng thần là "thảm họa chưa từng có" và cho biết những con sóng cao tới 15 m đã phá hủy hầu hết mọi ngôi nhà ở một số hòn đảo xa xôi. Trong khi đó, các nhà khoa học ước tính vụ nổ núi lửa Tonga có sức công phá gấp 500 lần quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima, tàn phá quốc đảo Thái Bình Dương.

Sức công phá gấp 500 lần quả bom nguyên tử

"Chúng tôi ước tính vụ nổ có sức công phá tương đương khoảng 10 megaton", James Garvin, nhà khoa học tại Trung tâm Không gian Goddard thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nói với NPR hôm 18-1, đề cập tới vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai tại Tonga hôm 15-1. Theo NPR, điều này đồng nghĩa với việc vụ nổ núi lửa ở Tonga mạnh gấp 500 lần quả bom hạt nhân ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Michael Poland, một nhà địa vật lý của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, cho biết sự kiện này có thể là một trong những vụ việc gây ra tiếng ồn lớn nhất được ghi lại trên trái đất trong hơn một thế kỷ qua, kể từ sự kiện núi lửa Krakatau ở Indonesia phun trào năm 1883. "Đây có lẽ là vụ phun trào lớn nhất kể từ vụ phun trào núi lửa Indonesia Krakatoa vào năm 1883", ông Poland cho biết, đề cập tới vụ phun trào núi lửa vào thế kỷ 19 khiến hàng nghìn người chết và tạo ra nhiều tro bụi đến mức phần lớn khu vực chìm trong bóng tối.

Nhiều ngày sau vụ nổ, Tonga vẫn bị cô lập phần lớn với thế giới. Các tuyến cáp viễn thông dưới biển dường như đã bị cắt đứt, trong khi sân bay bị tro bụi bao phủ, khiến các chuyến bay cứu trợ đến thủ đô Nuku'alofa gặp nhiều khó khăn. Hiện Tonga đã dọn sạch lớp tro bụi dày 5 - 10 cm trên đường băng quốc tế sau nhiều ngày, chuẩn bị đón chuyến bay cứu trợ hậu thiên tai. Đánh giá sơ bộ cho thấy thiếu nước uống hiện là vấn đề cấp bách ở quốc gia này khi hầu như toàn bộ 100.000 dân số Tonga đều bị ảnh hưởng. "Nguồn cung cấp nước trên khắp Tonga bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tro bụi núi lửa và nước biển mặn sau sóng thần", Katie Greenwood, thành viên Liên đoàn Chữ thập đỏ và Lưỡi liềm đỏ quốc tế, nói. Bà lo ngại Tonga sẽ đối mặt "rất nhiều rủi ro từ dịch bệnh như dịch tả và tiêu chảy" sau thảm họa kép.

Bộ Ngoại giao New Zealand ngày 19-1 cho biết tuyến cáp dưới biển kết nối Tonga với phần còn lại của thế giới sẽ cần ít nhất một tháng để sửa chữa. Những thông tin liên lạc ít ỏi được thực hiện thông qua một vài điện thoại vệ tinh, chủ yếu của đại sứ quán nước ngoài ở thủ đô Nuku'alofa.

Cảnh tan hoang ở Tonga

Những bức ảnh chụp tại thực địa ở một ngôi làng tại Tonga cho thấy cảnh tượng tan hoang sau khi quốc đảo hứng chịu thảm họa núi lửa phun như "bom nguyên tử", gây sóng thần dữ dội.

Theo Dailymail, những bức ảnh mới được công bố cho thấy sự tàn phá của sóng thần và núi lửa gây ra cho quốc đảo Thái Bình Dương. Nhiều ngôi làng bị phá hủy và nhà cửa chỉ còn lại những đống đổ nát. Tại đảo Mango, toàn bộ các ngôi nhà bị san phẳng, trong khi số người tử vong hiện được ghi nhận là 3. Chính quyền Tonga xác nhận, ngoài nhiều người bị thương, ít nhất 3 người đã thiệt mạng trong vụ phun trào núi lửa, trong đó có một phụ nữ 65 tuổi sống ở đảo Mango, một người đàn ông 49 tuổi ở đảo Nomuka và một công dân Anh. Liên Hợp Quốc hôm 17-1 cho biết đã phát hiện những tín hiệu cầu cứu đáng lo ngại ở các đảo vòng ngoài của quần đảo Ha'apai của Tonga.

Australia và New Zealand đang cố gắng gửi đồ cứu trợ choTonga bằng đường biển, dự kiến cập bến vào ngày 21-1. Các con tàu mang theo nước ngọt, máy khử muối với công suất 70.000 lít mỗi ngày, nhân viên thủy văn và thợ lặn để khảo sát các tuyến vận chuyển. Trung Quốc cũng cho biết sẽ gửi nguồn viện trợ nước, thực phẩm và thiết bị cứu trợ thảm họa tới Tonga. "Thật buồn khi biết rằng ngoài nước uống, chúng tôi dường như sẽ sớm đối mặt với cả tình trạng thiếu lương thực", Fatafehi Fakafanua, chủ tịch quốc hội Tonga, nói.

Liên Hợp Quốc dự kiến mở chiến dịch cứu trợ Tonga bằng các chuyến bay tiếp tế, nhưng sẽ không cử nhân viên đến quốc đảo để ngăn Covid-19 lây lan.

KHẢ ANH