TP Hồ Chí Minh “căng mình” trong cuộc chiến với dịch COVID-19 ( Bài 3: “Những cuộc đua” mang tên điều trị COVID-19)
TP Hồ Chí Minh những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 của chính phủ, đường phố vắng lặng hơn, nhịp sống cũng chậm lại. Thế nhưng, trái ngược với khung cảnh ấy là sự hối hả, tất bật bên trong các Bệnh viện điều trị COVID-19. Với hơn 100% tâm huyết và sức lực, đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu đang ngày đêm nỗ lực vì sự an toàn của người bệnh.
Nhân viên y tế thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: T.T |
Cuộc chạy đua ở các bệnh viện dã chiến
Điện thoại đường dây nóng đổ chuông, bác sĩ Hồ Tấn Thanh Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện dã chiến (BVDC) thu dung, điều trị COVID-19 số 4 (Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) nghe máy. Đầu dây bên kia, một bệnh nhân ở block A1.4 phàn nàn “Làm ơn mở nước giùm chúng tôi bác sĩ ơi”. Vâng, chúng tôi đang tích cực sửa chữa, các anh chị chịu khó chờ chút xíu nghe, bác sĩ Bình trả lời.
Bác sĩ Bình chia sẻ, bắt đầu từ 7-7, khu tái định cư Vĩnh Lộc B được cải tạo thành BVDC thu dung điều trị COVID-19 số 4. Là chung cư cả chục năm không có người ở, cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật đều bị xuống cấp, nhất là hệ thống ống dẫn nước, hệ thống điện... Việc cải tạo diễn ra hỏa tốc chỉ 1-2 ngày và đưa vào sử dụng ngay nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách do số người mắc COVID-19 tăng đột biến. Chỉ sau 7 ngày đi vào hoạt động, số bệnh nhân được chuyển đến đã lên tới 2.000 người, chiếm 50% công suất chuẩn bị của 7 block nhà chung cư cũ. Thế nhưng, đến thời điểm này chỉ có 70 nhân viên y tế được điều động từ BV Nhi đồng TP, BV Đại học Y dược và BV Bình Tân.
Từ sáng sớm đến đêm khuya, các bác sĩ, điều dưỡng phải căng mình tiếp nhận, khám sàng lọc, hướng dẫn nơi ăn, chốn ở, phương cách sinh hoạt, theo dõi sức khỏe, xử lý các ca bệnh biến chuyển nặng... Vừa phun khử khuẩn bàn tay nhăn nheo, trắng bệch vì đeo găng tay cao su trong thời gian dài, Điều dưỡng trưởng BVDC số 3 Nguyễn Trọng Thu cho biết, ở đây, bác sĩ, y tá, điều dưỡng đều làm việc gấp đôi, gấp ba so với bình thường vì lượng công việc vô cùng khổng lồ. Chỉ ngủ được 3-4 tiếng mỗi đêm là rất bình thường đối với nhân viên y tế tại đây.
Hiện TP đang triển khai mô hình tháp 4 tầng để phân luồng điều trị cho bệnh nhân. Tầng 1 các BVDC thu dung các trường hợp F0 không có triệu chứng, tầng 2 dành cho các trường hợp F0 có triệu chứng, tầng 3 điều trị cho các F0 có bệnh lý nền đi kèm và tầng 4 dành cho bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Dù bất cứ ở tầng nào, việc đảm bảo an toàn cho người bệnh vẫn luôn được đội ngũ nhân viên y tế đặt lên hàng đầu.
Giữ từng nhịp thở cho người bệnh
Trước diễn biến phức tạp của dịch, số ca mắc ngày càng nhiều, đồng hành với đó là ca có diễn tiến nặng cũng nhiều hơn. Con số hơn 100 ca tử vong và hàng trăm ca trở nặng đang phải điều trị tại các đơn vị điều trị tích cực của TP Hồ Chí Minh những ngày qua đã thể hiện rõ điều này.
Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, kể từ khi dịch lần thứ 4 bùng phát trở thành “đại bản doanh” của những ca bệnh nặng. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn cho biết, trung bình luôn có gần 30 bệnh nhân nặng, tất cả đều bị suy hô hấp cấp nặng do tổn thương phổi gây ra bởi virus, phải nhờ máy thở mới đảm bảo chức năng hô hấp. Có những người phải lọc máu liên tục, có những người phải sử dụng kỹ thuật ECMO. “Chưa bao giờ chúng tôi phải chịu nhiều áp lực như lúc này... Tất cả hầu như quên mất khái niệm ngày giờ, chỉ còn sự tập trung cao độ vào việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân”, bác sĩ Hảo cho biết.
Tương tự, các y bác sĩ của Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương - một bệnh viện mới được chuyển đổi công năng thành nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 từ giữa tháng 6-2021 cũng đang phải ngày đêm căng mình giữ từng nhịp thở cho bệnh nhân. Tiến sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Trưng Vương cho biết, bệnh viện đang điều trị cho gần 700 bệnh nhân COVID-19 trong đó có 92 trẻ em và 91 bệnh nhân thở oxy, 12 ca thở máy xâm lấn và 9 trường hợp thở oxy dòng cao. Dù chỉ mới thành lập không lâu nhưng có những thời điểm, liên tục bệnh nhân nặng được chuyển đến khiến đội ngũ y bác sĩ nơi đây gần như bị “ngợp”.
Trải qua giai đoạn khó khăn ấy, cả tập thể đội ngũ y bác sỹ vẫn “gồng mình” vượt qua và họ đã thu được những thành quả đáng khích lệ. Niềm vui nối tiếp cứ thế xuất hiện giữa khó khăn xua đi biết bao mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu.
P.V (Còn nữa)