TP Tam Kỳ: Sẽ không còn người lang thang xin ăn
(Cadn.com.vn) - Sau gần 10 năm trở thành thành phố, Tam Kỳ từng bước khẳng định được vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế làm ảnh hưởng đến nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, trong đó tình trạng người lang thang, xin ăn được coi là một trong những vấn nạn cần được mọi người quan tâm. Trước tình hình đó, năm 2012 UBND TP Tam Kỳ đã lập đề án làm cơ sở để giải quyết vấn đề này. Từ đó đến nay các địa phương, các ngành liên quan đã phối hợp tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Vì sự phát triển chung
Qua điều tra, số người lang thang, xin ăn trên địa bàn Tam Kỳ thường xuyên có khoảng hơn 60 người, trong đó các đối tượng có hộ khẩu tại địa phương là 32 người, nơi khác đến 30 người. Đa số người lang thang, xin ăn là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ ly hôn, con cái thiếu sự chăm sóc dạy dỗ, là những người xuất thân từ các vùng nông thôn có mức thu nhập thấp, phần lớn thuộc diện đói nghèo, trình độ văn hóa thấp nên không nhận thức được hành vi của mình. Ngược lại, cũng có một số người cho rằng đi lang thang, xin ăn là một nghề dễ kiếm sống và thu nhập cao. Đặc biệt, nhiều trường hợp sau khi được tạo điều kiện hồi gia, hồi hương nhưng không có việc làm để ổn định cuộc sống, không có việc làm... nên họ quay trở lại con đường cũ.
Bà Trần Thị Bộ, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP Tam Kỳ cho biết, để giải quyết rốt ráo vấn đề này quả không phải là chuyện đơn giản và không chỉ ngày một ngày hai. Khó khăn là vậy nhưng thời gian qua các địa phương và các ngành liên quan của TP Tam Kỳ đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác động tiêu cực của người lang thang, xin ăn, người tâm thần ảnh hưởng đến nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Từ đó tạo sự đồng thuận của quần chúng nhân dân với các biện pháp ngăn ngừa và cùng giải quyết tình trạng người lang thang, ăn xin; tăng cường công tác điều tra, phân loại để quản lý tốt các đối tượng; siết chặt công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, kiểm tra đăng ký tạm trú, tạm vắng, vận động các chủ nhà trọ cam kết không để người lang thang, xin ăn đến trú ngụ.
Bên cạnh đó, Tam Kỳ còn triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo trợ xã hội, khuyến khích các nhà hảo tâm, các tổ chức hỗ trợ hoặc nhận đỡ đầu nhất là trẻ em là con em của những gia đình thuộc hộ nghèo, người tàn tật, người già neo đơn không nơi nương tựa; tạo điều kiện cho người lang thang, tâm thần, xin ăn tiếp cận các dịch vụ xã hội; ưu tiên giải quyết chính sách dạy nghề và tạo việc làm đối với những người đã và đang có nguy cơ đi lang thang, xin ăn; tổ chức cho các gia đình, tộc họ, địa phương ký cam kết nếu để xảy ra tình trạng người đi lang thang, xin ăn thì xem đó là một lỗi vi phạm trong những tiêu chí bình chọn danh hiệu gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa, khu dân cư văn hóa và là chỉ tiêu đánh giá thi đua hàng năm của các địa phương...
Ông Huỳnh Đức Hoàng, Phó Trưởng phòng Phòng LĐTB&XH TP Tam Kỳ (trái), hướng dẫn người lang thang, xin ăn ký cam kết không tái hiện tại Tam Kỳ. |
Tình thương và trách nhiệm
Phòng LĐ-TB&XH là cơ quan thường trực có trách nhiệm tham mưu thành lập Tổ công tác xã hội, lập kế hoạch tuyên truyền, tập trung đối tượng đồng thời có trách nhiệm liên hệ với Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Trung tâm điều dưỡng người tâm thần, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh, Trung tâm xã hội, Làng Hòa Bình, Bệnh viện tâm thần tỉnh Quảng Nam tạo điều kiện giúp đỡ để tập trung và điều trị bệnh cho các đối tượng. Đặc biệt, Phòng phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các ngành liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và ngăn ngừa tình trạng người lang thang, xin ăn.
Hơn 2 năm qua Tổ công tác xã hội đã thường xuyên tổ chức ra quân kiểm tra ở các khu thương mại - dịch vụ, các nơi tập trung đông người như chợ, bến xe, các nhà hàng, quán ăn. Qua đó đã phát hiện và xử lý hàng trăm lượt người lang thang, xin ăn, trong đó có không ít trường hợp giả dạng bệnh tật, nghèo khó, già cả neo đơn để lợi dụng lòng tin của mọi người. Ông L.H (1925), thôn Phú Khê, (xã Tam Xuân 2, H. Núi Thành), gia đình ông có 3 người con trai, 1 người con gái đã có công ăn việc làm song ông vẫn đi xin ăn, khi Tổ công tác xã hội đưa về cơ quan để làm việc, ông tỏ ra là người bị bệnh tâm thần nhưng khi kiểm tra trong người phát hiện có gần 10,5 triệu đồng.
Tổ công tác xã hội lập biên bản và hỏi vì sao ông có khoản tiền lớn như thế này? Ông trả lời “Chỉ cần trong một buổi sáng, tui có thể xin được hơn 500.000 đồng”. Hay như trường hợp ông Đ.N.L (1952), H. Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa), giả dạng người câm điếc, trên cổ đeo một tấm bảng nhỏ có ghi dòng chữ “Người không biết nói, mong dân thông cảm cho” nhưng khi Tổ công tác xã hội mời ông về cơ quan làm để làm việc thì lại lộ rõ chân tướng của một người lợi dụng lòng tin của mọi người. Đặc biệt, đối với những đối tượng lợi dụng trẻ em để trục lợi thì không chỉ pháp luật xử lý mà xã hội cũng cần phải lên án.
Ông Huỳnh Đức Hoàng, Phó Trưởng phòng Phòng LĐ-TB&XH TP Tam Kỳ cho biết, TP đã tổ chức ra quân hàng chục đợt, qua đó đã tập trung giải quyết và tạo điều kiện cho hàng trăm lượt người hồi gia, riêng trong những tháng đầu năm 2014 Tổ công tác xã hội đã tổ chức được 7 đợt ra quân tuyên truyền và tập trung các đối tượng lang thang, xin ăn. Đã vận động đưa về hồi gia 30 đối tượng, tập trung đưa vào Bệnh viện tâm thần để điều trị 7 đối tượng, đến nay đã liên lạc được với gia đình của 4 đối tượng đến làm thủ tục nhận đưa về điều trị tại gia đình, còn lại 3 đối tượng hiện đang được tiếp tục điều trị. Các đối tượng lang thang, xin ăn phần đông là những người ngoài tỉnh và các huyện lân cận như Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình... Do điều kiện gia đình ở xa nên Tổ công tác xã hội của thành phố Tam Kỳ đã phải chi hàng chục triệu đồng để lo ăn, ngủ và sinh hoạt trong thời gian chờ gia đình đến làm thủ tục đưa các đối tượng hồi gia.
Đây là một việc làm mang đậm tính nhân văn và đầy ý nghĩa nhưng cần sự phối hợp thực hiện của các cấp chính quyền và nhân dân cùng với Tổ công tác xã hội tích cực ra quân, giúp các đối tượng hồi gia, phấn đấu trên địa bàn thành phố Tam Kỳ sẽ không còn người lang thang, xin ăn.
Nguyễn Điện Ngọc