Báo Công An Đà Nẵng

Trả lan quý lại cho rừng

Thứ bảy, 01/02/2020 19:00

Bởi sắc đẹp mỏng manh, kiêu sa và hương thơm đặc trưng, những loài phong lan rừng đã và đang bị săn lùng cạn kiệt. Nhiều cánh rừng cũng bị những người săn lan rừng lùng sục khai thác. Đau đáu nhìn những loài lan đang dần biến mất, những người trẻ ở Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật – Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đã tìm mọi cách để phục hồi, nhân giống phong lan trả lại cho rừng.

Mỗi loài lan được trồng trên mỗi giá thể, ánh sáng và điều kiện chăm sóc khác nhau.

Cách TP Kon Tum (Kon Tum) khoảng 30km về phía Tây, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray được hình thành trên cơ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray với diện tích trên 56.200ha. Theo phân loại của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Chư Mom Ray là nơi duy nhất bảo tồn rừng trên núi đá cao Granite. Đặc biệt, hệ động, thực vật nơi đây phong phú và đa dạng với 12 kiểu hệ sinh thái từ rừng kín nguyên sinh thường xanh lá rộng trên núi trung bình đến rừng thưa thường xanh, rừng hỗn giao, đồng cỏ, đồng rêu… chưa kể thành phần loài cây là giao điểm của ba luồng di cư của khu hệ thực vật. Nơi đây, ngoài sự giàu có về động vật, thì còn ghi nhận có gần 1.900 loài thực vật bậc cao, trong đó có 49 loài thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng cao được ghi trong Sách đỏ Việt Nam 2007, 65 loài ghi trong danh sách đỏ thế giới năm 2009.

Phi điệp - “món hàng” săn đón của nhiều người chơi

Trong những năm qua, một loài phong lan tạo nên tên tuổi của vùng đất này: Giả hạc (còn gọi là Phi điệp) Chư Mom Ray khi loài lan này trở thành “món hàng” săn đón của nhiều người chơi.

Không chỉ được nhận xét về vẻ đẹp mà loài lan này còn sở hữu về mùi thơm đặc trưng ít loài Giả hạc nào có được. Chính vì thế, loài lan này cũng như nhiều loài lan quý khác đã dần hiếm đi trong tự nhiên…bởi tình trạng bị săn lùng ráo riết. Từ những giò lan lớn đến những cây con mới vài cm cũng bị khai thác kiệt quệ. Đó cũng là điều mà kỹ sư Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm cứu hộ và bảo tồn, phát triển sinh vật (gọi tắt là Trung tâm) VQG Chư Mom Ray đau đáu khi chứng kiến phong lan trên những cánh rừng ngày càng ít đi. Trong khi đó, ở những con đường ở phố, nhiều loại phong lan rừng được bày bán tràn lan phục vụ cho phong trào chơi phong lan ngày càng nhiều.

Với những trăn trở đó, kỹ sư Tuấn đã cùng với những cán bộ, nhân viên Trung tâm bàn nhau tìm cách phục hồi lại những nhánh lan rừng. Phương án đầu tiên chính là tìm cách cứu lấy những loại lan rừng đang còn sót lại ngoài tự nhiên và có nguy cơ bị xâm hại, khai thác cao. Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc VQG Chư Mom Ray chia sẻ: Biết là rất kỳ công khi nghe các bạn ở Trung tâm đề xuất nhưng rồi chúng tôi vẫn quyết định làm. “Đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển sinh vật, trong khi đó có một thực tế đang thấy chính là việc người dân lén lút vào rừng khai thác lan rừng về chơi, mua bán diễn ra nhiều và phức tạp. Thế nên, nếu chúng ta không bảo vệ tốt, trong tương lai gần thì các loài lan rừng sẽ bị mất đi, thậm chí tuyệt chủng”, ông Thủy cho biết thêm.

Hành trình đi tìm lan rừng quý

Dù có kiến thức trong tay khi tốt nghiệp ngành nông lâm nhưng những cán bộ, nhân viên trung tâm phải tự tìm tòi, nghiên cứu thêm về đặc tính sinh trưởng của các loài lan rừng.

Bởi mỗi loài lan đòi hỏi độ ẩm, giá thể, ánh sáng khác nhau để sinh trưởng. Từ những điều kiện còn thiếu thốn, những cán bộ, nhân viên Trung tâm tận dụng mọi cơ sở vật chất, nguồn lực vốn có nhằm xây dựng 2 khu vườn lan theo kiểu nhà kính và tạo nên các hồ nước, lưới che, hệ thống phun nhằm tạo tiểu khí hậu cho mỗi loài lan khác nhau. Từ năm 2016, hành trình đi tìm lan rừng quý đưa về bảo tồn cũng bắt đầu. Những chuyến đi rừng từ vài ngày, có khi cả tuần, nhóm cũng dần di thực các loài lan về, thế nhưng không ít lần nhóm đã trắng tay khi không tìm được cây nào. Có những loài lan ở độ cao xấp xỉ 1.000m, anh Tuấn cùng nhóm phải di thực dần từng độ cao khác nhau để chúng không bị “sốc”. Cứ miệt mài tìm kiếm các loài lan quý rồi tách nhánh từ những giò lan rừng ngoài tự nhiên, những cán bộ, nhân viên Trung tâm dần đưa các giống lan về vườn chăm sóc.

Dẫn chúng tôi đi xem 2 khu vườn lan, kỹ sư Trần Quốc Tuấn tự hào: Đến giờ này, chúng tôi gây dựng được hơn 2.000 giò lan rừng tự nhiên với trên 120 loài, trong đó có nhiều loài lan đặc hữu quý của Việt Nam như: Giả hạc, Hài Hê-len, Hoàng thảo Bạch hỏa hoàng…Nhìn những loài lan đang sinh trưởng tốt, thậm chí có nhiều loài tốt hơn ngoài tự nhiên khi được chăm sóc chế độ đầy đủ. “Mỗi loài lan, chúng tôi sử dụng mỗi loài giá thể khác nhau, chế độ chăm sóc khác nhau, ánh sáng khác nhau. Từ đó mới có thể “thuần” chúng trong môi trường mới”, anh Tuấn nói. Nghe đơn giản, thế nhưng việc tưới nước, vào phân mỗi loài lan đều phải nghiên cứu kỹ và theo chế độ chăm sóc đặc biệt. Bởi, không chỉ bảo tồn mà những cán bộ, nhân viên Trung tâm còn phải “dìu” những loài lan này sinh trưởng tốt và “đỡ đẻ” cho chúng.

Kỹ sư Tuấn cho biết thêm: sau khi giữ những nguồn gen lan quý tại vườn, Trung tâm chăm sóc nhằm cho lan sinh trưởng tốt và mỗi năm tùy theo đặc tính mỗi loài lan, chúng tôi nhân giống các loài lan này ra. Hiện, Trung tâm nhân giống bằng 2 cách, tách nhân hướng ở mầm gốc ra để tạo nên các giò mới và kích kie (từ các mắt ngủ của các loài lan, chủ yếu là lan thân thòng) để tạo các cây con nhằm nhân giống nhiều thêm. Từ đó, để tạo nên các giò mới và không phải thu hái ngoài tự nhiên nữa. Khi đã bảo tồn và nhân giống thành công, Trung tâm chuyển những loài lan quý ra khu rừng tự nhiên thuộc 188ha khu vườn hệ thực vật của VQG rồi cấy ghép lên cây rừng. “Sau khi chăm sóc để các loài lan quý sống ổn định, chúng sẽ là nguồn giống ổn định khi mỗi quả lan sẽ có hàng triệu hạt giống phát tán theo gió rồi tỏa đi khắp cánh rừng di sản ASEAN này”, anh Tuấn chia sẻ.

MINH TÂN

Giữa tháng 1-2020, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Chư Mom Ray phối hợp với các đơn vị chức năng thả 7 cá thể khỉ về với tự nhiên tại Tiểu khu 605, VQG Chư Mom Ray (địa giới hành chính xã Sa Sơn, H. Sa Thầy, Kon Tum). Trong đó, có 2 cá thể khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides), 4 cá thể khỉ đuôi lợn (Macaca leonina) và 1 cá thể khỉ vàng (Macaca mulatta). Tất cả các cá thể khỉ trên đều đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2000 và danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành lâm nghiệp. Đa phần các thể trên được Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Chư Mom Ray tiếp nhận là thu từ các vụ mua bán động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh trong năm 2019. Sau thời gian được chăm sóc, các cá thể khỉ trên đã khỏe mạnh, không bị thương tật, không mang mầm bệnh và có thể tái hòa nhập trong môi trường tự nhiên.